Người nước ngoài ở TP.HCM ứng phó trước tin giả về Covid-19

Nhận được tin nhắn chào mời tiêm vaccine với giá 'cắt cổ', nghe những đồn đoán về cách chữa Covid-19 là những điều mà người nước ngoài ở TP.HCM gặp phải.

Khoảng một tháng trước, Nick (30 tuổi, người Brazil, ngụ TP Thủ Đức) nhận được tin nhắn với lời mời tiêm vaccine giá 1 triệu đồng/mũi. Vì khá lo lắng trước dịch bệnh nên Nick cũng định liên lạc lại.

May mắn là anh kịp đem chuyện này kể với một người đồng nghiệp và được giải thích rằng mọi người đang sống ở Việt Nam sẽ được tiêm vaccine miễn phí. Lúc này, Nick mới thở phào nhẹ nhõm vì suýt nữa "tiền mất tật mang".

Xử lý và ứng biến với Fake News (tin giả) là một việc khó khăn. Một số người nước ngoài ở TP.HCM chia sẻ họ gặp rào cản ngôn ngữ và mạng lưới bạn bè ít ỏi để có thể kiểm chứng thông tin.

Hoang mang vì nghe "đồn"

Satou (40 tuổi, quận Bình Thạnh), một nhân viên bảo hiểm cấp cao chia sẻ câu chuyện thật của mình trên Facebook. Mới ngủ trưa dậy, ông nhận được tin nhắn từ bạn bè của mình, nói là đang đi shopping để dự trữ thực phẩm và đứng trong hàng người dài dằng dặc chờ thanh toán từ trưa đến giờ.

"Anh ấy hỏi tôi biết gì chưa, người ta đồn cả thành phố sắp phong tỏa hết và Chính phủ Việt Nam thông báo là mọi người phải dự trữ càng nhiều lương thực trong nhà càng tốt", ông Satou kể lại.

Lúc đó ông mới nhớ một người đồng nghiệp Việt Nam của mình xác thực liệu thông tin kia có chính xác hay không bằng cách lên trang Thông Tin Chính Phủ. Đã có tin chính thức bác bỏ những tin đồn kia là giả. Thế là người bạn ấy đưa bài viết cho Satou để ông an tâm rằng mọi thứ đang ổn và ông không nhất thiết phải đi dự trữ thực phẩm bây giờ.

Nhiều người nước ngoài sống ở TP.HCM hoang mang khi không biết kiểm chứng thông tin từ đâu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Còn với Nick, anh kể hai tuần trước, sau khi nghe được thông tin toàn TP.HCM sẽ đóng cửa và không vận chuyển thêm lương thực vào thành phố, anh cũng vội ra siêu thị dưới chung cư để dự trữ cho mình những thứ thiết yếu. Tới nơi, không còn thịt hay rau củ gì để Nick có thể mua, tất cả đều bị người dân "vét sạch".

Lát sau, Nick nhận được thông báo từ bộ phận nhân sự của công ty rằng đang có một số tin đồn giả lan truyền, cần phải cảnh giác trước các thông tin truyền miệng chưa được xác thực.

"Họ nhắc nhở tôi rằng chính quyền đã cam kết sẽ có đủ nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM trong nhiều ngày tới, nên để tránh tụ tập đông đúc các nơi công cộng dễ gây bệnh, tôi nên cân nhắc thời điểm ra ngoài thích hợp và an toàn cho mình", Nick kể.

Câu chuyện của cô Ivan (45 tuổi, quận 3) lại là một trường hợp khác. Trong cộng đồng những người bạn nước ngoài của cô đã chia sẻ lại những cách tự chữa bệnh Covid-19 tại nhà bao gồm tự uống thuốc paracetamol với liều lượng tối đa 2 viên/lần và 3 lần/ngày. Ngoài ra, “bài thuốc" này còn khuyến khích uống càng nhiều nước chanh, sả, gừng càng tốt vì chứa các chất có thể tiêu diệt virus trong cơ thể.

Đã từng là nhân viên y tế khi còn ở Anh, cô biết rằng việc sử dụng liều lượng quá cao như vậy có thể gây quá liều và ngộ độc, chưa kể cho đến hiện tại vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng sử dụng thuốc hạ sốt lại giúp chữa khỏi Covid.

Trong đợt dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi tên vấn nạn này là một “đại dịch tin giả” (Infodemic) và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không thể thua kém".

Thiếu nguồn thông tin tiếng Anh

"Tôi hy vọng chính quyền địa phương sẽ tìm cách cho tôi và những người bạn nước ngoài có thể tiếp cận được các thông báo bằng tiếng Anh để bớt lo lắng trước các thông tin trôi nổi trên mạng xã hội hiện nay", Nick bày tỏ.

Trên hội nhóm của cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở TP.HCM, nhiều thành viên băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để tiếp cận được nguồn thông tin Chính phủ về diễn biến dịch bệnh Covid-19 và những chỉ thị mới nhất.

Cẩn trọng với từng nút like, share trên mạng xã hội cũng góp phần ngăn chặn tin giả lan truyền. Ảnh: BBC.

Fran (26 tuổi, người Đức, ngụ TP Thủ Đức) là sinh viên ngành ngôn ngữ, chia sẻ rằng hầu như anh không theo dõi bất cứ trang tin tức nào về dịch bệnh ở Việt Nam. Đa số những thông tin anh có đều là những thông tin "thứ cấp" có chọn lọc nghe ngóng từ những người bạn Việt Nam.

"Theo tôi biết thì vẫn chưa có kênh thông tin nào cho người nước ngoài ở Việt Nam thì phải", Fran nói.

Khi chưa biết chắc nguồn thông tin nào là chắc chắn, Fran luôn tự mình kiểm tra chéo các nguồn thông tin dựa trên nghiên cứu khoa học hoặc bằng chứng rõ ràng.

Còn đối với Alexandra (28 tuổi, người Pháp, ngụ quận 1) cho biết vì mới đến TP.HCM không lâu, Alexandra chưa có nhiều bạn bè. Vì thế anh phải luôn theo dõi các thông tin liên tục từ báo đài thông qua Google Dịch.

Từ thông báo giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày cho đến những văn bản về quy định đi lại hay các dịch vụ ngừng hoạt động..., Alexandra đều đưa lên Google để dịch.

Thế nhưng, mỗi ngày anh lại nghe được rất nhiều thông tin "lạ" từ hàng xóm của mình. Tỷ như các bệnh viện tại TP.HCM đã hết khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân F0, F0 phải tự điều trị tại nhà bằng máy thở, hay thậm chí đồn đoán rất vô lý là mọi người chỉ không được ra đường vào buổi sáng, còn buổi tối vẫn có thể tự do đi lại...

Alexandra mong muốn nhận được các thông báo cụ thể và chính xác của chính quyền địa phương như phát tờ rơi tại nhà, thông qua địa chỉ email hay là một bảng thông báo xác thực cho cư dân nước ngoài tại các khu chung cư đang sinh sống.

"Mong rằng trong thời gian sớm nhất, những người nước ngoài như chúng tôi có thể tiếp cận được các nguồn tin chính thống, kịp thời trước các diễn biến của dịch bệnh Covid-19", Fran bày tỏ.

Người ngoại quốc cảm thấy thiếu nguồn thông tin bằng tiếng Anh để có thể hiểu các thông báo từ chính quyền. Ảnh: Phương Lâm.

Hiện tại, UBND các khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống đã và đang tiếp nhận các ý kiến và cố gắng đưa ra những cách tiếp cận thông tin hiệu quả đối với người nước ngoài tại TP.HCM.

Đại diện tổ công tác phòng, chống dịch của phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) cho biết địa bàn có đến 1/4 dân số là người ngoại quốc nên việc tuyên truyền, cung cấp thông tin gặp khó khăn. Vì vậy, UBND phường Thảo Điền đã phát tờ rơi tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, đồng thời cử người phiên dịch để nhắc nhở họ thực hiện theo quy định giãn cách.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail [email protected].

Nhật Hoàng

To Top