Người trẻ Trung Quốc chán nản, chỉ muốn 'nằm yên'

Trong vài tháng trở lại đây, giới trẻ xứ tỷ dân cùng nhau 'nằm một chỗ', mặc kệ sự đời nhằm chống lại những kỳ vọng của xã hội.

Tang ping, từ tiếng Trung có nghĩa là “nằm yên”, dần trở thành lối sống mới của giới trẻ Trung Quốc.

Họ từ chối kết hôn, không sinh con, chẳng mua nhà hay xe hơi, thậm chí không làm thêm giờ hoặc cố gắng giữ công việc hiện tại, theo The Washington Post.

Áp lực cuộc sống khiến người trẻ Trung Quốc chán nản. Ảnh: Reuters.

“Tôi ở nhà ngủ và xem phim truyền hình cả ngày. Đôi khi, tôi ra ngoài đi dạo hoặc đọc sách. Đầu óc tôi lúc nào cũng đầy nghĩ suy”, Daisy Zhang (28 tuổi), sống ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), cho biết.

Hai tuần trước, cô gái trẻ mới bắt đầu thực hiện lối sống tang ping sau khi rời bỏ công việc trong lĩnh vực điện ảnh.

Trong vài tháng vừa qua, tang ping nổi lên ở xứ tỷ dân như một “lời hiệu triệu” dành cho thế hệ Millennials Trung Quốc - những cá nhân hiện quá mệt mỏi với cuộc đua vô tận trên đường đời nhằm đáp ứng kỳ vọng của xã hội.

Giới trẻ chán nản, quá đỗi mệt mỏi

Thuật ngữ tang ping xuất hiện lần đầu trong một bài đăng trên diễn đàn Trung Quốc Tieba hồi tháng 4.

Tác giả của bài viết, người thất nghiệp suốt 2 năm qua, đã mô tả lối sống tiết kiệm mà chỉ cần làm việc vài tháng trong năm thôi cũng đủ sống. Anh không quên đính kèm hình ảnh mình nằm dài trên giường vào ban ngày với tấm rèm che kín cửa sổ.

Ngay lập tức, một nhóm những người thích “nằm yên” như người đàn ông này xuất hiện và phát triển nhanh chóng trên diễn đàn Douban, lên tới 9.000 thành viên.

Họ tự nhận mình là những người muốn nằm một chỗ và mặc kệ sự đời, đồng thời đăng ảnh những chú mèo hoặc hải cẩu đang nằm ườn.

Thế hệ Millennials Trung Quốc, đặc biệt khu vực thành thị, cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian cố gắng đáp ứng kỳ vọng xã hội. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, khi tang ping trở nên phổ biến, nó cũng kéo theo sự phản đối nhất định từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc chỉ ra rằng những nhân viên y tế trẻ tuổi ở tuyến đầu chống dịch “nào đâu chọn nằm yên một chỗ”.

Tờ Nanfang Daily của thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) gọi triết lý sống mới này là “đáng xấu hổ”. Còn tờ Global Times do nhà nước điều hành đã khẳng định tang ping không phải một triết lý sống nghiêm túc.

Hiện bài viết ban đầu cùng nhóm những người “nằm yên” đều đã bị đánh dấu kiểm duyệt và gỡ khỏi mạng xã hội.

“Đến ngay cả một chút không gian để chúng tôi chia sẻ và được là chính mình cũng bị kiểm soát”, một tài khoản phản ứng trước việc nhóm bị đóng cửa.

Theo một số nhà quan sát, triết lý sống tang ping đã phản ánh tình trạng chán nản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Họ phải chịu mức lương trì trệ trong khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lại ngày càng tăng giá đắt đỏ.

“Mọi người bỗng nhận ra cuộc đời họ không có khả năng phát triển. Đó là một sự chấp nhận đầy tiêu cực kiểu ‘À đời tôi sẽ mãi vậy thôi’”, Yicheng Wang, một nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị tại ĐH Boston (Mỹ), nói.

Tang ping không chỉ "nằm yên" trong vô vọng, mà là để giới trẻ nghỉ ngơi một thời gian và tìm hướng đi mới. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng tang ping còn là sự phản kháng của giới trẻ đối với những chính sách do chính phủ đề ra nhằm giữ cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục vận hành.

“Người trẻ dễ bị thuyết phục bởi những lời diễn thuyết trên Internet về sự phát triển bản thân. Theo đó, họ sẵn sàng tạm dừng cuộc sống của mình ở hiện tại với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”, Yang Zhan, một nhà nhân chủng học tại ĐH Bách khoa Hong Kong, nói.

Thế nhưng, Daisy Zhang ở Vô Tích lại cho rằng triết lý “nằm yên” không đồng nghĩa với việc từ bỏ cuộc đời hay rút lui khỏi xã hội.

“Mặt khác, nó thể hiện và phản ánh xúc cảm của chúng tôi đối với những kỳ vọng từ xã hội. Chúng tôi mong muốn một hệ thống tốt hơn mà trong đó, người lao động được bảo vệ nhiều hơn. Hiện ngày càng nhiều người trẻ chúng tôi muốn nằm yên một chỗ vì văn hóa làm việc ‘996’ quá đỗi mệt mỏi”, cô cho biết.

Triết lý sống này cũng là để cho bản thân được nghỉ ngơi một thời gian. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều nhóm tang ping mới mọc lên và ủng hộ việc người trẻ hãy “nằm yên một lúc rồi tiếp tục đứng lên”.

Chẳng hạn, Daisy bắt đầu gửi CV trở lại vào tuần này sau một thời gian chôn chân tại nhà.

“Tôi đang phỏng vấn ở một số chỗ, đồng thời viết lách một chút và tìm hướng đi mới cho sự nghiệp. Có vẫn còn hơn không”, cô chia sẻ.

Ánh Dương

To Top