Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn: Ở đời phải làm việc mới khuây khỏa, khỏe lâu

Ngày nào cũng vậy, cứ từ 8 giờ sáng, trước hiên số nhà 596 đường Điện Biên Phủ xuất hiện một người đàn ông mặc áo trắng ngồi cặm cụi vẽ những bức tranh hai màu trắng đen, 17h lại xếp đồ về.

Đó là họa sĩ Từ Hoa Lợi, năm nay 84 tuổi. Ông Lợi được xem là người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi chăm chú vẽ, không để ý dòng xe ngược xuôi trên đường. Ảnh: Kim Vân

Chưa bao giờ muốn chuyển sang nghề khác

Tôi tìm gặp họa sĩ Từ Hoa Lợi trong một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt. Ông ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế nhỏ nơi hè đường, cặm cụi vẽ bức chân dung một cụ bà mà không hề hay biết phía sau lưng có người cũng như kệ dòng xe tấp nập, xô bồ ngay bên cạnh mình.

Có tận mắt nhìn và theo dõi đôi bàn tay khéo léo của ông Lợi khi vẽ tranh mới cảm nhận được nét tài hoa cùng lòng đam mê với nghề của người nghệ sĩ.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi cho hay năm nay ông đã 84 tuổi, gắn bó với nghề vẽ hơn 60 năm, trong đó có 30 năm vẽ tranh truyền thần ở Sài Gòn. Từ nhỏ ông đã có khiếu hội họa và đam mê vẽ. Ông là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1954-1959) và là họa sĩ đầu tiên của Đoàn Xiếc nghệ thuật Trung ương.

Ở Hà Nội, ông Lợi theo vẽ tuyên truyền quảng cáo ở Đoàn Xiếc nghệ thuật Trung ương được 6 năm thì xin ra ngoài vẽ truyền thần, một phần vì là đam mê, phần khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dần dần nghề vẽ tranh truyền thần trở thành "bạn đời" gắn bó với ông.

Năm 1991, ông cùng vợ mình (trước từng là diễn viên xiếc của Đoàn Xiếc nghệ thuật Trung ương) rời Hà Nội vào Sài Gòn và gắn bó với số nhà 596 đường Điện Biên Phủ để vẽ tranh truyền thần từ đó đến nay. Được biết, đây là ngôi nhà của một người bạn Hà Nội gốc cho ông ngồi nhờ không lấy tiền.

60 năm với nghề vẽ, ông Lợi chưa bao giờ từ chối vẽ và lỗi hẹn với khách đến lấy tranh dù chỉ một lần. Ảnh: Kim Vân

Ông Lợi chia sẻ lý do vì sao người ta gọi là nghề vẽ tranh truyền thần. Đó là vì nghề này không giống như nghề vẽ các loại tranh khác, đây là vẽ ký họa truyền lại thần thái của mỗi người.

"Mỗi người có một thần thái khác nhau. Mắt và miệng là thần thái con người và vẽ khó nhất. Nhìn mắt, miệng của người trên ảnh là tôi biết được tâm trạng người ấy ra sao. Tất cả những bức ảnh mọi người đem đến cho tôi vẽ, tôi đều nhập tâm hết sức, từ đó mới truyền ra khối óc và bàn tay để vẽ lên giấy trắng thần sắc của người được vẽ", ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo ông Lợi, tranh truyền thần ông vẽ xong ngâm vào nước sẽ để được 70-80 năm, không bị hư hại so với thời gian. Trong khi đó, dụng cụ vẽ của ông Lợi rất đơn giản, chỉ là thuốc vẽ truyền thần, chiếc bút tự chế bằng tre cùng mấy mẩu đầu lọc thuốc lá, tăm bông.

Để hoàn thành một bức tranh khổ nhỏ 15cmx20cm, người họa sĩ vẽ liên tục từ 3 đến 4 tiếng, còn tranh lớn thì từ 6 tiếng, có những bức mất cả ngày.

Thông thường một bức ảnh khổ nhỏ ông Lợi sẽ lấy chi phí là 700.000 đồng, khổ to hơn sẽ có kích cỡ là 1 triệu và 1,5 triệu. Có những bức ảnh khổ to hàng mét sẽ có giá 4-5 triệu. Điều đặc biệt là, 60 năm với nghề vẽ, ông Lợi chưa bao giờ từ chối vẽ và lỗi hẹn với khách đến lấy tranh dù chỉ một lần.

Trong suốt 30 năm ở Sài Gòn, ông Lợi đã vẽ đến hàng nghìn bức ảnh truyền thần và đối với ông, bức nào cũng đáng nhớ, ấn tượng bởi khi trao cho khách đều khiến họ hài lòng và vui vẻ. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.

"Ngày nay, công nghệ ảnh hiện đại nhưng đều do máy móc làm, không có được cái hồn như chính bàn tay, con mắt người vẽ. Khách thấy vui khi nhận sản phẩm là tôi thấy hạnh phúc. Nghề nào cũng quý nhưng những người làm nghề phải say mê yêu nghề thì mới giữ được nghề. Tôi làm nghề 60 năm, đã 84 tuổi và luôn say mê với nghề, chưa bao giờ muốn chuyển sang nghề khác", người nghệ sĩ già mắt lấp lánh niềm vui và nói giọng tự hào.

Quyết định ở Sài Gòn vì đam mê vẽ

Trong các bức vẽ được trưng ở tiệm vẽ lề đường của họa sĩ Từ Hoa Lợi, tôi ấn tượng đặc biệt bức vẽ chân dung một người con gái trẻ, nụ cười rất đẹp.

Bức tranh truyền thần lưu giữ thanh xuân một cô gái do họa sĩ Từ Hoa Lợi vẽ. Ảnh: Kim Vân

Theo họa sĩ, ông vẽ bức chân dung này đã gần 20 năm. Người phụ nữ đó nay hơn 40 tuổi, hiện đang sinh sống ở Bình Dương. Ngày đầu qua cửa hàng, người con gái đó đã đưa ông bức ảnh để ông vẽ lại chân dung mình nhằm lưu lại kỷ niệm thời xuân sắc. Sau khi nhận được bức tranh truyền thần từ ông Lợi, người phụ nữ rất cảm động và hài lòng. Đến hiện tại, người phụ nữ ấy vẫn rất quý trọng họa sĩ bởi chị biết ơn ông đã vẽ và khắc họa chị thần thái rất đẹp từ khuôn miệng, mũi, mắt để lưu giữ được vẻ đẹp tuổi xuân.

Ngay thời điểm trò chuyện với phóng viên, ông Lợi đang vẽ lại chân dung một cụ bà đã mất 60 năm nhưng không có ảnh thờ bởi gia đình không giữ được tấm ảnh nào. Người cháu của cụ bà trên đến gặp ông, mang theo bức ảnh con gái cụ, miêu tả lại đường nét, tính cách, nhờ ông vẽ.

Ông Lợi cho hay, trong quá trình làm nghề của mình, khách hàng của ông thường nhờ ông vẽ lại những bức hình đã quá cũ, khó khôi phục. Và ông gặp rất nhiều trường hợp nhờ vẽ lại ảnh chân dung như cụ bà trên. Bởi cách đây 50-60 năm, nhiều người mất đi mà không có ảnh thờ khiến con cháu buồn và áy náy. Do vậy, dựa theo gương mặt hiện tại của con cháu người đã mất, cộng với việc người thân tả lại những chi tiết điển hình trên gương mặt, ông Lợi sẽ vẽ tranh truyền thần cho họ.

Ông Lợi ngồi vẽ chân dung một cụ bà đã mất 60 năm qua miêu tả của người cháu. Ảnh: Kim Vân

Cách đây hơn 10 năm, vợ của ông Lợi mất, từ đó một mình ông lủi thủi ở Sài Gòn, càng thêm yêu và gắn bó với những bức tranh trắng đen.

Ông Lợi có 6 người con, 3 con trai và 3 con gái. Con trai cả của ông 56 tuổi, cũng là họa sĩ nhưng vẽ tranh sơn dầu, hai con trai sau của ông Lợi là kiến trúc sư có tiếng, 3 cô con gái theo nghề kinh doanh.

"Các con không theo nghề mình tôi cũng buồn lắm nhưng là lựa chọn của con, mình phải tôn trọng. Bởi lẽ nghề này nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, say mê với nghề.

Các con tôi cũng bảo ba già rồi, đến lúc ba phải nghỉ ngơi, về Hà Nội chơi với con cháu, không phải làm gì cả. Nhưng tôi bảo, ai cũng say mê với công việc, giờ ba nhiều tuổi nhưng trời phú cho còn sức khỏe thì phải làm. Vui với công việc thì sẽ không bệnh tật, ốm đau. Cả đời tôi không có nghiện thứ gì cả. Không thuốc lá, không rượu chè, cờ bạc nên sức khỏe mới được như hiện tại", ông Lợi tâm sự.

Ông Lợi cho hay, mặc dù đã 84 tuổi nhưng ông chưa bao giờ ốm đau, bệnh tật nặng, chưa phải uống viên thuốc cảm nào. Ông sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ đúng giờ và khoa học. Ngày nào cũng làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ăn đủ 3 bữa vào 3 khung giờ cố định.

Một tác phẩm truyền thần của ông Từ Hoa Lợi.

Cũng theo ông Lợi, nghề vẽ truyền thần của ông đủ trang trải cuộc sống, không phải sống nhờ vào con cháu.

"Mình làm để cho con cháu yên tâm lo cho gia đình nhỏ của chúng, đỡ phải lo cho mình. Tôi quyết định ở Sài Gòn bởi vì tôi đam mê với nghề vẽ truyền thần, giờ nói bỏ nghề này về nghỉ ngơi thì không được. Mình còn sức khỏe, còn đam mê với nghề nghiệp thì mình phải ngồi vẽ để giữ được đam mê của mình, đem lại niềm vui cho đời. Nếu như mình bỏ nghề này về đi chơi một mình thì rảnh rỗi quá sẽ đâm suy nghĩ, buồn phiền, ốm đau rồi khổ, chết sớm. Còn sức khỏe, còn làm được thì mình còn vui với công việc. Không vì lý do gì mình lại bỏ nghề đi về ngồi chơi. Ở đời phải làm việc mới khuây khỏa, mới khỏe lâu", người họa sĩ già bảo.

Cũng theo ông Lợi, cách đây hơn mười năm, ông có nhận hai học trò. Họ vẽ đẹp và giỏi. Sau họ thuê cửa hàng để vẽ nhưng cả hai chỉ gắn bó được với nghề vẽ truyền thần 5-6 năm là bỏ vì không đủ kiên trì.

"Bây giờ tôi không dám nhận dạy ai nữa bởi một ngày tôi tập trung làm 2-3 cái ảnh cho khách. Nghề vẽ tranh truyền thần kén chọn người học. Nó đòi hỏi người vẽ phải kiên trì, tập trung và tỉ mỉ, bỏ mặc những ồn ào bên cạnh. Họ học xong rồi mà không say mê với nghề, lại bỏ thì khổ cho họ và cho mình".

Ông Lợi quyết định ở Sài Gòn bởi vì không muốn làm phiền gia đình nhỏ của con cháu và niềm đam mê đặc biệt nghề vẽ truyền thần. Ảnh: Kim Vân

Phố phường Sài Gòn thay đổi mỗi ngày, nhưng họa sĩ Từ Hoa Lợi vẫn "ngồi lì" ở mái hiên 596 Điện Biên Phủ đó suốt 30 năm qua. Và hàng ngày, vẫn có những người lặng lẽ tìm đến người họa sĩ già để phục chế, lưu giữ lại những kỷ vật xưa cũ thật sự có giá trị với họ.

Kim Vân

To Top