Nhà khoa học hy sinh năm 27 tuổi và công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh

Riêng Hoàng Kim Giao đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần, phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đến với nhà khoa học trẻ vào ngày cuối cùng của năm 1968. Anh hy sinh khi bao dự định, ước mơ về các công trình nghiên cứu còn dang dở...

Chân dung Liệt sỹ Hoàng Kim Giao

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng cho các tập thể, cá nhân có công trình, hoặc cụm tác phẩm xuất sắc nhất; các công trình, cụm tác phẩm đó phải có ảnh hưởng to lớn, tích cực tới đời sống văn hóa xã hội, hoặc an ninh, quốc phòng...

Hầu hết các tác giả được vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đều là những người cao tuổi, những văn nghệ sĩ, trí thức lão thành... Bởi vậy, chúng tôi thật sự bất ngờ và xúc động khi nhận được những thông tin, tư liệu từ gia đình chị Hoàng Liên Thái (giáo viên trường cấp II Võ Thị Sáu, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng. Điện thoại: 031.780457): Chị Thái có người anh trai là Hoàng Kim Giao – một nhà khoa học trẻ, đã có những đóng góp tích cực về giải pháp khoa học công nghệ vào công trình: “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 – 1972”. Công trình này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Nhưng nhà khoa học trẻ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ tại chiến trường Quân khu Bốn, khi mới 27 tuổi...

Anh Hoàng Kim Giao sinh năm 1941 (tuổi Tân Tỵ), từng học tại trường Thiếu sinh quân ở Quế Lâm - Trung Quốc trong 7 năm (1952 – 1959). Những năm 1961 – 1965, anh Giao được Quân đội gửi vào học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (chuyên ngành Vật lý hạt nhân), đồng thời là học viên Trường sỹ quan Kỹ thuật của Quân đội... Vốn thông minh, học giỏi, lại chịu khó, nên mới 26 tuổi, Hoàng Kim Giao đã tốt nghiệp hai trường đại học. Anh được điều về công tác tại Cục nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng (nay là Phân viện Điện tử Viễn thông, thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng). Quân đội đang chuẩn bị cho anh đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô...

Nhưng đó cũng là thời điểm không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống các tuyến giao thông huyết mạch trên đất liền và cả trên biển; trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại nhất hồi ấy như bom từ trường và thủy lôi từ tính nổ chậm, để ngăn chặn các phương tiện vận tải của ta phục vụ hậu cần cho kháng chiến... Điều đó đã khiến cho giao thông đường bộ, đường thủy của ta gặp không ít khó khăn và thiệt hại.

Một nhóm các kỹ sư trẻ của Cục nghiên cứu Kỹ thuật trong đó có Hoàng Kim Giao, được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ cho công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967 – 1972”.

Hoàng Kim Giao đã có đề tài nghiên cứu dùng điện trường để phá bom từ trường. Từ lý thuyết đến thực hành là cả một vấn đề quyết định sự thành công của mỗi đề tài khoa học. Trong điều kiện chiến tranh còn nhiều thiếu thốn, anh Giao đã trực tiếp vào tận tuyến lửa Khu Bốn, nơi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xảy ra ác liệt nhất, cùng một số đồng đội thực nghiệm thành công đề tài của mình ngay tại chiến trường...

Riêng Hoàng Kim Giao đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần, phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đến với nhà khoa học trẻ vào ngày cuối cùng của năm 1968. Anh hy sinh khi bao dự định, ước mơ về các công trình nghiên cứu còn dang dở...

Chị Nguyễn Thị Lan, vợ của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, sau khi nhận được tin chồng hy sinh đã trực tiếp đến thăm đơn vị của anh. Chị đã viết thư cho bố mẹ chồng và kể lại cái chết của nhà khoa học trẻ như sau:

“Ngày 8/3/1969

Cậu mợ kính yêu!

…Hôm nay con đến trường, vì chưa vào học nên đã về thăm gia đình bên ngoại và đến đơn vị anh Giao hỏi một số tình hình như cậu mợ đã dặn.

Thưa cậu mợ, khi con vào đơn vị, đồng chí Khánh thủ trưởng của anh Giao đã kể chuyện cho con nghe tình hình công tác và gương hy sinh của anh Giao: “Được lệnh của trên, ngày 29/9 đơn vị đã cử một đoàn gồm 6 người, trong đó có một đồng chí lái xe, anh Giao làm trưởng đoàn. Trên đường vào khu 4 gặp nhiều khó khăn, bom rải trên đường quá nhiều anh Giao đã nhanh chóng dẫn anh em đi đường an toàn. Phá được nhiều bom nên anh em tin tưởng làm theo.

Khi đoàn đến Hà Tĩnh, địch thả bom chặn đường giao thông, 500 chiếc xe bị ứ đọng. Vì am hiểu kỹ thuật, anh Giao đã lên trên mặt đường một mình để phá bom. Lúc đó địch đến ném bom tiếp, anh đã di chuyển từ hố bom này sang hố bom khác cách nhau 10 mét. Bị sức ép nhiều lần nhưng anh vẫn tiếp tục phá được nhiều bom, anh em trong đoàn và một số đơn vị bạn, các đơn vị thanh niên xung phong thấy tin tưởng vào kỹ thuật đã lên mặt đường cùng phá bom với anh Giao.

Lợi dụng đêm sáng trăng, anh Giao đã tổ chức cho anh em phá bom đến 3 giờ sáng và giải phóng được đoàn xe đi an toàn. Hôm sau được tin ngừng bắn, nhưng địch đã mang bom cố chặn đường giao thông của ta. Anh em trong đoàn rất hoang mang, có người tỏ ra rất bi quan. Anh Giao đã động viên anh em và lên đường phá bom một mình, mãi mới động viên được một đồng chí lên đường làm cùng với anh Giao. Do gương dũng cảm và thấy kết quả nên mọi người khác lại làm theo.

Có lần địch thả bom trên sông, anh Giao đã nhảy xuống sông để phá bom trước mọi người... Nhân dân địa phương và các đơn vị bạn đã học tập gương dũng cảm của anh từ khi còn sống.

Tiếp đó đoàn anh Giao đi sâu vào Quảng Bình... Đến đâu các anh cũng làm rất tốt và được nhân dân, các đơn vị bạn quý mến học tập.

Cuối tháng 12-1968, đoàn của anh Giao được lệnh của cấp trên gọi về ra Hà Nội báo cáo kết quả chuyến công tác. Ngày 30 tháng 12, đoàn tới địa phận xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An), thấy Đảng bộ cùng nhân dân địa phương cần phá một số bom đang làm cản trở việc sản xuất, anh đã quyết định cho đoàn dừng lại...

Đã phá được nhiều bom, nhưng chưa lần nào ở Nam Hưng lại gặp một trường hợp khó như thế: Có một quả bom cắm dọc, nửa dưới đất, nửa trên mặt đường, dù đã 3 lần nhân dân địa phương dùng bộc phá để phá nhưng bom không nổ. Lần thứ tư, anh Giao phá theo phương pháp mới, bom vẫn không nổ.

Anh Giao đã quyết định phá quả bom này bằng phương pháp cổ truyền. Sau khi trực tiếp vào đào hố, làm lộ quả bom xong, anh ngồi bên cạnh quả bom và ra hiệu cho người lái xe mang bộc phá vào. Nhưng khi anh lái xe chỉ còn cách mục tiêu khoảng 2m thì quả bom bất ngờ phát nổ...

Anh Giao đã hy sinh ngay, còn anh lái xe sống thêm được 3 ngày nữa. Chi bộ, nhân dân địa phương và các đơn vị bạn đã mai táng cho các anh.

Trong đám tang anh Giao, tất cả mọi người đều khóc…

Đơn vị đã họp một tuần lễ để nêu gương, phát động phong trào học tập người thực việc thực, gương chiến đấu và hy sinh dũng cảm của anh Giao. Đơn vị đã ghi lại thành tích của anh và báo cáo lên cấp trên, trong đó có đoạn nêu: “Riêng đồng chí Giao đã phá 32 quả bom nổ chậm và 40 quả bom từ trường”...

Cậu mợ kính yêu! Tình hình con đến đơn vị anh Giao là như vậy. Nếu có điều gì cần trao đổi thêm, xin cậu mợ viết thư cho đồng chí Khánh. Hòm thư: 22.99KP (đồng chí Khánh dặn con thế); ở đơn vị có sơ đồ mộ chí của anh Giao. Theo con, sức khỏe của cậu mợ hiện nay không tốt lắm, nên để lúc nào khỏe hãy đi thăm mộ, vì đường xá xa xôi, trời đang rét, con chỉ lo cho cậu mợ bị ốm. Do vậy gia đình phải bàn kỹ, thống nhất rồi viết thư báo tin cho con biết...

Kính thư.

Con của cậu mợ: Nguyễn Thị Lan.

Hoàng Kim Giao và gia đình

***

Ngày 23-12-2004, nghĩa là gần tròn 36 năm sau khi Hoàng Kim Giao hy sinh, khi đến thăm phòng truyền thống của Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, chị Hoàng Liên Thái cùng gia đình đã được đơn vị trao tặng một số bức ảnh của anh trai và một bức tranh sơn mài có dòng chữ:

Viện kỹ thuật quân sự - Bộ quốc phòng tặng đồng chí Hoàng Kim Giao, vì đã có đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình: “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 – 1972”, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm cuộc đời của nhà khoa học trẻ đã dũng cảm xả thân vì Tổ quốc, chúng tôi xin giới thiệu một số lá thư của anh đã gửi cho người em gái đang học đại học ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên); thư gửi cho vợ và lá thư cuối cùng gửi cho cha mẹ trước khi hy sinh...

Hoàng Kim Giao đã viết những lá thư cho cha, mẹ, vợ và em gái với một tình cảm yêu thương vô bờ bến. Anh hoàn toàn ý thức được nhiệm vụ nguy hiểm mà mình đang làm: Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào! Anh đã tiên cảm được sự đi xa của mình. Vì thế, trong những trang thư viết cho người thân, đã nhiều lần anh đã bình thản nhắc đến cái chết... Anh căn dặn em gái và vợ mình ý thức học tập, tu dưỡng làm người và không được khóc nếu anh hy sinh. Anh ao ước sẽ được đoàn tụ, sum họp với gia đình...

Không chỉ có vậy, điều quan trọng hơn là qua những trang thư ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của cả một thế hệ thanh niên đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại của dân tộc.

Thư số 1:

Gửi em gái đang học ở nước ngoài

Ngày 22/12/1965

Em yêu quý của anh!

Em ơi! Hôm nay 25/11 âm lịch rồi, trong nước mới là những ngày lạnh đầu tiên. Năm nay rét đến chậm, còn chỗ em học có lẽ đã có tuyết rồi em nhỉ, em ơi, lần đầu các em thấy tuyết em có vui không. Các em có được phát đủ quần áo để đi chơi tuyết không, các em có bị rét không? Anh nghe nói ở Triều Tiên rét lắm. Mới là những ngày đầu tiên nhưng ở miền Bắc nước ta rét lắm. Ước gì đừng có mùa rét thì tốt biết bao. Năm nay rồi sẽ có nhiều người bị rét lắm! Cảnh các gia đình sơ tán, quần áo thiếu thốn. Trước kia một cái chăn đắp được nhiều người, nhưng bây giờ cũng cái chăn ấy chỉ một người đắp thôi. Trước kia một cái áo ấm hai chị em gái cùng mặc, nhưng năm nay cũng cái áo đó chỉ một người được ấm thôi. Những ngày rét buốt này các em nhỏ phải sống xa gia đình trong các khu rừng heo hút, hoặc ở tạm những nơi sơ tán, cái rét càng rét hơn.

Năm nay do chiến tranh, các anh bộ đội không có chăn bông nữa mà đắp bằng chăn dạ Nam Định mỏng. Anh đã nằm thử tấm chăn đó, rét lắm em ạ! Các bạn em học ở trong nước có người đủ, nhưng cũng có người không có được ba bộ quần áo vải đâu, chứ đừng nói áo ấm chăn bông. Có người có tiền ăn học, nhưng cũng có mấy đứa bạn em không có tiền để đóng tiền ăn. Hãy suy nghĩ về những điều đó em ạ. Suy nghĩ không phải rồi để tự trách móc mình, than thân trách phận sao không được chịu thay cho mọi người những khó khăn đó. Không dễ gì ai cho em chịu thay đâu!

Em yêu quý của anh! Mấy tháng mới được viết thư cho em sao anh lại nói với em về điều đó? Có trách anh không ?

Trách anh mới phải, nhưng nên trách sao anh chậm viết thư cho em khi em xa đất nước đã 4 tháng rồi, còn đừng trách anh vì đã chỉ cho em thấy, nói lại cho em nghe lời nói thiết tha chân thành ấy của Tổ quốc, của quê hương ta.

Anh biết em và các bạn em không phải sống, học tập trong điều kiện thuận lợi. Các em cũng chịu thiếu thốn với nhân dân trong nước cho chiến thắng ngày mai. Tổ quốc ta sẽ còn trải qua thử thách lớn hơn, các em sẽ còn khó khăn hơn. Các em không chỉ thiếu thốn về vật chất, nhưng hơn thế nữa các em còn thiếu thốn trong cả đời sống tinh thần. Xa nhà, xa nước, xa Tổ quốc đang ngày đêm rực lửa chiến tranh và bừng bừng khí thế sản xuất, anh nghĩ rằng không có gì xót xa bằng, không có gì dằn vặt hơn. Người có lương tâm, biết yêu, biết ghét không ai tránh khỏi cơn giầy vò tai ác đó.

Em yêu quý của anh! Anh biết rằng em nghĩ rất nhiều và có lẽ em buồn nhiều hơn vui, nhưng em hãy nhớ, hãy nghĩ rằng những hy sinh mất mát của em là nằm trong hy sinh chung của đất nước. Không phải em mới có dằn vặt đó, mà còn bao nhiêu bạn khác của em tuy không phải xa Tổ quốc, nhưng cũng phải sống xa gia đình, xa trận chiến đấu trực tiếp với quân thù. Vì ngày mai tươi đẹp của Tổ quốc, vì ngày mai ngày mà những em bé được sống với sự ấp ủ của cha mẹ trong những ngày lạnh giá, ngày mà những thanh niên nam nữ có quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi. Vì những con người hôm nay đang lăn lộn trên chiến hào và trên mâm pháo mà Tổ quốc đã chắt chiu để gửi các em đi học và một số bạn em tiếp tục được học trong nước, quân thù sẽ phải rùng mình kinh sợ trong tương lai, không phải chỉ là sức mạnh bạo lực của chúng ta mà còn là sức vùng dậy mạnh mẽ của chúng ta sau trận chiến đấu. Làm được điều đó chính là do các em. Không thể nào em tưởng tượng sức phát triển của chúng ta bây giờ đâu, nhưng anh tin rằng ngày mai sẽ nhìn hôm nay như chàng trai nhìn thời thơ ấu của mình…

Có lẽ em sẽ nói rằng tại sao anh lại nói với em những điều chung chung đó! Những điều đó đúng là rất chung đối với mọi người, nhưng là người thanh niên Việt Nam anh hùng thì phải thấy trong cái chung đó tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Là người thanh niên Việt Nam đất nước đang đứng ở vị trí tiên phong của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, của thế giới đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì phải có hoài bão, có lýyý́ tưởng cách mạng to lớn.

Em không được phép nghĩ ngợi hay tính toán gì đến tiền đồ sự nghiệp của em. Tổ quốc đã lo cho em rồi, tuy chưa trọn vẹn nhưng không thể hơn được. Em không dược phép nghĩ rằng mình sẽ làm nghề này hay nghề khác, sẽ có khó khăn này khó khăn kia. Đừng nghĩ nhiệm vụ của em là học bài ở trường. Em phải nghĩ rằng em đang làm nhiệm vụ cách mạng và chuẩn bị sức mạnh tinh thần với kiến thức khoa học toàn diện và thực tiễn để nhận nhiệm vụ cách mạng sau này! Chỉ được nghĩ thế thôi! Trong nước ta ở ngoài mặt trận thì không nói còn ở hậu phương bây giờ làm việc là thế này: Làm việc sao đảm bảo nhu cầu chiến trường. Công việc không tính số giờ và số người đâu em ạ. Làm 12 giờ không xong thì làm cả 24 giờ. Không có nhiều người để làm thì làm một người. Sức con người có hạn thôi sao chịu được 24 giờ làm việc? Sao thay được 10 người? Nhưng tình hình chiến trường có cho chúng ta lý lẽ thế đâu. Yêu cầu của hậu phương như vậy so với chiến trường còn thấp lắm em ạ.

Em yêu quý của anh! Đừng bao giờ bó hẹp lại trong khuôn khổ nào cả, đừng bao giờ để mọi người thấy các em chỉ là những cô cậu học sinh hay những cô gái, mà phải để cho mọi người thấy các em là những thanh niên Việt Nam anh hùng! Có phong cách Việt Nam trong cách sống, có ý chí Việt Nam trong công việc… Tổ quốc chúng ta đã và đang tạo ra những thành tích kỳ diệu làm việc đó được chính chúng ta với ý chí cách mạng với tinh thần sáng tạo mà chiến thắng những khó khăn không ai tưởng tượng nổi. Tự hào vì Tổ quốc phải có tinh thần tự trọng là một người Việt Nam. Anh biết rằng em rất hay suy nghĩ và am hiểu rất nhiều. Anh vẫn vui mừng vì có một cô em thông minh có lẽ em sẽ giận anh nhưng không nhắc nhở em anh thấy áy náy trong lòng…

Thôi anh không nói chuyện chung nữa, anh nói những ý nghĩ mà anh đã viết ở hàng chục lá thư mà em chưa nhận được. Anh lại nói với em như ngày nào anh em ta ngồi trên bể nước, anh nghịch tóc em và nghe em kể về các bạn em. Chỉ cho em những bức tranh đẹp nhất mà con người có thể thấy. Nói cho em nghe những lý lẽ mà người ta chỉ hiểu được, khi trong lòng người đang bừng bừng khí thế, bước vào cuộc sống và đang yêu cuộc đời với tình yêu ngây thơ, trong trắng, tươi trẻ, thiết tha nhất.

Ngày tháng rồi sẽ qua đi, những điều hôm nay sẽ không có trong ngày mai và sẽ không bao giờ được ta gọi là ngày mai. Mùa xuân với vẻ đẹp tươi mát của nó, mùa hè với tất cả ước mơ của một năm học, mùa đông với cái ấm cúng ngày Tết và mùa thu với cái đẹp lãng mạng mà tuổi trẻ… Còn bao nhiêu nữa, bao nhiêu ngày tháng, bao đêm trăng đẹp đẽ, bao kỷ niệm êm đềm tất cả đều đã không bao giờ đợi em. Bây giờ có lẽ em sẽ quên đi cả những con người trước kia em hết lòng yêu mến! Tất cả những điều đó đã bị ngày tháng cuốn trôi. Đã bị thác lũ của cuộc đời thô bạo dồn vào dòng đời mênh mông, như những rác bẩn trên một dòng nước lũ, đều giống nhau ở một điểm. Điểm đó là cái vẻ diêm dúa bề ngoài của sự vật. Trên đời này em có tìm được một cái gì để mà mãi mãi giữ được vẻ đẹp của nó đâu. Dù có vẽ ra một cái gì đẹp hơn thần tượng My-lô, thì người đời vẫn sẽ nhìn bức tranh của em vô tâm nhất. Những điều đó đã là đáng đau lòng lắm rồi khi anh nói với em. Nhưng nó còn tê tái hơn nếu khi thực tế nói với em. Sẽ có những người nói rất hay, vẽ ra cho em trăm ngàn viễn cảnh mỹ lệ nhưng với mọi người chưa chắc người ta đã không đánh giá nó là một tên nói khoác. Có những người như vẽ ra chân lý thế mà không ai thoát khỏi sự trói buộc của cái mà người ta quen gọi là “cuộc đời”.

Cuộc đời như vậy đấy! Nó có vẻ tàn nhẫn của nó. Nhưng nếu ai nói cuộc đời tàn nhẫn với anh, thì bản thân anh cũng không bao giờ căm ghét nó đâu, anh chỉ yêu thôi, yêu nhất là cuộc đời. Cuộc đời không nuông chiều ai cả. Em cứ nghĩ mà xem, nó có trăm nghìn cái bẫy, trăm nghìn thử thách nhưng không nhất thiết ai cũng đều phải bước chân vào, nhất thiết là đều không thể vượt qua. Ngã rồi phải biết đứng dậy, biết chịu cái cay đắng tái tê của cuộc đời thì mới tiến lên được. Đừng nhìn cuộc đời là chuỗi ngày tháng với rác bẩn trong dòng thác lũ, hãy quý trọng từng ngày từng tháng, nghiêm túc trong việc nhỏ nhất. Tất cả sẽ qua đi nhưng lý tưởng Cộng sản Chủ nghĩa không qua đi được, hãy sống vì lý tưởng đó!

Có lẽ anh nói với anh thì đúng hơn. Nhưng chắc em sẽ không giận anh đâu, em đã giận anh suốt những năm qua rồi còn gì nữa phải không em. Em ơi, hãy giữ lấy tuổi trẻ, giữ lấy mùa xuân của đời mình, để khi anh em mình gặp nhau thì những ngày trong ký ức của em sẽ không còn phải là xa lạ, giữ lấy tuổi trẻ để mà anh em ta không phải xấu hổ khi nhìn thấy nhau. Giữ gìn điều đó khó lắm em ạ!

Xa em anh nhớ em, thương em quá. Anh thích nhìn về quá khứ, trong đó có hình ảnh em hiện lên khi đêm tối. Anh nhìn vào màn đêm tìm hình ảnh em. Anh đã vui sướng vì em, đau khổ nữa cũng vì em, yêu mọi người vì em và giữ gìn bản thân anh cũng vì tương lai của em. Em không cần điều đó, nhưng đối với anh nó là như thế. Thấy em vui mừng, anh cũng vui. Thương em mà vẫn dằn vặt em, anh biết rằng anh tàn nhẫn lắm. tâm hồn tiểu tư sản đã làm anh em mình đau khổ, nhưng tất cả không gì phá vỡ nổi đó là lòng thương em tha thiết của anh.

Thân nhân bên mộ Liệt sỹ Hoàng Kim Giao

Em yêu quý của anh! Những bức thư em gửi cho anh có lẽ là những lá thư anh giữ trọn vẹn nhất. Anh vẫn nhớ một câu mà mỗi lần nhớ đến còn tê tái hơn trăm mũi kim đâm. Em đã viết cho anh thế này: “Mực hòa nước mắt em viết thư cho anh. Mọi người xa cách, người ta gần nhau mà chỉ cách xa hơn trăm cây số, sao anh em mình mãi vắng tin nhau”... Em ơi, biết lấy gì trả cho em những giọt nước mắt đau khổ đó, cả đời anh ư? Đối với anh như vậy vẫn không quá khắt khe. Anh đã viết cho em rất dài trong đó có câu: Anh sẽ không để em đi một mình trên con đường của em. Nhưng đúng là em đã đi như vậy, đi một mình. Anh ở bên em, nhưng không phải dắt tay em, mà dõi theo em… Anh không còn được chăm sóc em, chiều chuộng em như mọi người anh trai chiều em gái của mình. Chúng ta chẳng bao giờ được gặp nhau, còn có bao giờ nữa không em? Em được đi học đối với anh cũng là một niềm vui, vui vì tương lai em được bảo đảm. Ước gì niềm vui đó lớn bằng một phần mất mát của đời anh. Em đi học xa, hay em đi xa để anh không bao giờ gặp mặt nữa. Anh tìm lại kỷ niệm của em, ngoài bạn bè em anh không thấy gì hơn. Không biết có bao giờ được gặp lại em không?

Có lẽ như vậy thôi! Nên như vậy thôi, phải không em. kể cho anh nghe đi: Em sống ra sao, bạn bè em thế nào, em học cái gì… có lẽ những câu hỏi còn nhiều hơn thế nữa rất nhiều và chắc em sẽ hiểu phải không em. Kể cho anh nghe đi em ơi! Kể chuyện những thư từ của gia đình, của bạn bè em. Anh mong tin em lắm em ạ.

Em ơi! Những lời anh muốn dành cho em có thể nói với em rất nhiều và có lúc anh đã nghĩ rằng có thể viết mãi. Hồi trước, tuy không viết thư cho em, nhưng mỗi buổi tối thứ bẩy hay chủ nhật, khi mọi người viết thư thì anh mua giấy, mua rất nhiều. Lúc thì anh nghĩ rằng viết cho em một lá thư, nhưng có lẽ không có lá thư nào hết một gam giấy. Có lúc anh nghĩ rằng viết thư để anh xem vậy, nhưng chỉ viết cho em hoặc cho anh. Anh mới dùng tờ giấy này, nó không đẹp đâu, nhưng mang nặng nghĩa tình. Em đã kể cho anh nghe một câu chuyện, đúng hơn là một lời trách khéo: Chuyện cô y tá viết bức thư của cô ta. Tiếc rằng anh không phải là một cô gái và cũng không nên là một cô gái. Nhưng hình như anh cũng hơi giống cô y tá của em rồi.

Em yêu quý của anh ơi! Bao giờ lại được vui đùa, chia sẻ với em những chuyện vui buồn, còn bao giờ nữa không em?

Thôi tạm biệt em hôm khác lại gặp lại.

Không ngỡ mãi tới hôm nay, một tuần đã qua kể từ hôm cầm bút viết thư cho em, anh mới lại tiếp tục được làm công việc luôn canh cánh bên lòng.

Hôm nay 22/12, ngày thành lập quân đội và cũng hôm nay chiếc máy cuối cùng của đơn vị được đưa về phục vụ chiến đấu. trong tháng 12 này tình hình bắn phá của địch có thưa thớt. Việt ngừng bắn tạm thời chỉ là một thủ đoạn chiến tranh tâm lý thôi, nó biểu hiện sự bế tắc của chiến thuật… Hải Phòng đã bị bắn phá nhiều lần và bây giờ Hải Phòng làm việc về đêm.

Em yêu quý của anh! Anh viết đã dài quá rồi, nhưng anh biết từ giờ đến Tết em sẽ chỉ nhận được một lá thư này của anh, nên muốn kể chuyện Tết với em.

Tết này anh sẽ không về nhà, các em và mợ không biết có về được không. Nhưng chắc rằng Tết này sẽ không bằng được Tết mọi năm đâu em ạ. Hằng năm, mỗi lần Tết em có biết bao nhiêu việc không? Những việc đó có lẽ trước kia em ghét lắm, nhưng trong đời em có còn bao giờ được làm lại những công việc đó nữa không? Về qua nhà vắng em, anh thấy trống trải. Tết đến vắng em, anh càng thấy trống trải hơn. Năm tháng chiến tranh đã cướp đi những ngày tháng thật đẹp. Những kỷ niệm đó không giống bông hoa cầu kỳ để thêu lên áo, lên khăn, nhưng sao mà đẹp đẽ vậy. Ngày tháng qua đi và có lẽ không bao giờ anh còn được ăn tết ở gia đình nữa, không bao giờ được gặp em nữa. Nhưng dù cho ngày tháng trôi qua và dù cho khói lửa của chiến tranh có tàn phá gia đình ta, dù cho anh có không bao giờ gặp lại em thì hình ảnh em với ngọn lửa ấm áp của đêm giao thừa không bao giờ mờ nhạt, giá lạnh trong anh.

Chiến tranh sẽ còn khốc liệt vì: “Càng về sáng trời càng lạnh”. Nhưng dù trong trường hợp nào anh cũng sẽ vì nguồn vui, vì hạnh phúc của mọi gia đình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!

Nhắc đến ngày Tết mà nhìn trước thấy cảnh chia lìa. Thật đáng buồn và khi nhận được thư anh có lẽ ngày Tết cũng săp đến rồi. Các em chắc không có ngày Tết đó, nhưng cố nén lại, biến đau buồn thành sức mạnh để công tác và học tập. Xa Tổ quốc, xa ngày Tết cổ truyền, ngày thấm sâu mầu sắc hương vị quê hương, các em phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Xa gia đình phải biết yêu quý bạn bè cùng cảnh ngộ với mình và sống trong hạnh phúc của gia đình đó. Đừng buồn nhiều và nhất là đừng để lòng mình yếu đuối…

Em ơi đã bao nhiêu lần anh thấy em khóc rồi, em hay khóc lắm! Anh không trách em vì không phải bao giờ và cái gì em cũng khóc. Mỗi lần em khóc, lòng anh se lại tái tê. Tết này em đừng khóc em nhé! Nhìn thấy em phải khóc đối với anh nó nặng nề, gay go hơn tất cả mọi thử thách anh phải chịu. Anh không tưởng tượng được em cười, nhưng nếu em cười có lẽ lòng anh lúc đó dù xa vạn dặm cũng khoan khoái vô cùng.

Em yêu quý của anh! Thế là anh em ta chẳng bao giờ được gặp nhau nữa. Bây giờ thì chưa nói trước được thế nào, nhưng anh vẫn tin có ngày lại được trông thấy em ăn Tết. Ngày đó sẽ đến, ngày Tết đó em sẽ được sum họp với gia đình, em sẽ lại được làm, hay đúng hơn lần đầu tiên em sẽ lo liệu cho gia đình có một ngày Tết thật vui. Ngày Tết đó em sẽ được sống với hạnh phúc riêng của em và nếu được gặp lại em có lẽ trong những ngày đầy hoa đó em sẽ lo cho hạnh phúc của anh chị, của gia đình. Nghĩ như vậy để mà cố gắng em nhé.

Anh rất mong tin em để biết em sống thiếu đủ thế nào, mong nhận được thư em lắm. Lâu lắm anh chưa viết thư và cũng chưa được đọc thư, không biết Tết này có được đọc thư em không?

Gần đây anh có gặp Thư, bạn em. Bạn em gặp nhiều khó khăn. Anh cố gắng để bạn em không phải sống thiếu thốn. Làm việc đó anh thấy ít nhiều như đã giúp được em, em đừng lo gì về bạn em cả. Còn chuyện riêng của anh cũng không được vui lắm. Cậu mợ để anh tự quyết định hạnh phúc của anh, nhưng anh lại muốn cậu mợ quyết định cho anh… Anh chưa biết nên thế nào? Thôi vội quá, thư sau sẽ nói nhiều.

Thương em và nhớ em nhiều lắm! Em yêu quý của anh! Anh mong tin em.

Anh trai của em.

Hòm thư: 9817HK.

(Còn tiếp)

Trích từ cuốn: “Những Lá Thư Thời Chiến Việt Nam” của Nhà văn Đặng Vương Hưng- Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.

Theo Trái tim người lính

***

Hãy tìm đọc thêm các bài viết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/. Chuyên trang có nhiệm vụ phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông tin, giới thiệu những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Văn hóa gắn với phát triển xã hội. Thông tin chuyên sâu về các chuyên đề: Toàn cảnh hội nhập; Kết nối xanh; Dòng chảy văn hóa; Đồng hành Việt...

Logo của Chuyên trang Hội nhập https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

Hà Minh Sơn (sưu tầm)

To Top