Nhà máy cũ thành không gian văn hóa mới - sao không?

Hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ 2019. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sống động. Anh Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới 'Vì một Hà Nội đáng sống', đang góp phần biến điều này thành hiện thực.

282 Design vốn là nhà máy sản xuất mũ cối tại phố Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội- đã trở thành tổ hợp văn hóa đa chức năng phục vụ cộng đồng

Điều gì thôi thúc anh biến những nhà máy cũ trở thành không gian dành cho cộng đồng mà không phải các chung cư hay trung tâm thương mại?

Việc đập bỏ tất cả các nhà máy cũ, thậm chí cả những nhà máy có giá trị di sản, lịch sử theo tôi là thiếu khôn ngoan. Thứ nhất, việc xây chung cư đáp ứng nhu cầu nhà ở là cần thiết, nhưng chúng ta có thể phát triển các đô thị vệ tinh thay vì tiếp tục cắm thêm chung cư vào vùng trung tâm tạo thêm sức ép cho hạ tầng cơ sở đã quá tải. Thứ hai, việc chuyển nhà máy thành không gian sáng tạo sẽ giúp phát triển nền kinh tế văn hóa của thành phố.

Đây chính là hoạt động kinh tế của tương lai, bền vững và có tính lan tỏa tạo động lực cho các ngành công nghiệp, dịch vụ khác phát triển. Thứ ba, việc chuyển nhà máy thành không gian sáng tạo sẽ sinh ra một hệ sinh thái mở cho các các doanh nghiệp lớn nhỏ, các nghệ sĩ, đơn vị tổ chức sự kiện, các tổ chức xã hội hợp tác cùng phát triển. Việc này không những tạo ra kinh tế mà còn tạo ra cơ hội công bằng hơn, nhiều hơn cho các bạn trẻ, những người khởi nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội.

Anh gặp khó khăn gì để thuyết phục các nhà quản lý?

Mọi đổi mới đều khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng trong hơn một năm vận động cho việc này mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” ngày càng có thêm nhiều sự ủng hộ từ công chúng, nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong ngành văn hóa sáng tạo. Chúng tôi cũng đã có cơ hội trình bày ý tưởng này trong Tọa đàm tham vấn của Thành ủy Hà Nội về Đề án phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô ngày 16/6 vừa qua, bước đầu nhận được sự khích lệ của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi tin một ý tưởng tốt khả thi cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường như vậy chắc chắn sẽ còn được ủng hộ nhiều hơn.

Những điểm thuyết phục nhất của dự án này, theo anh?

Thứ nhất, việc chuyển đổi sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa phát triển, từ đó không chỉ tạo ra dòng GDP bền vững mà còn có giá trị kích thích các ngành công nghiệp khác cùng phát triển. Thứ hai, nó góp phần giải quyết các vấn đề môi trường vì không đập bỏ nhà máy thì không tạo ra thêm rác thải, không tốn nguồn lực để xây công trình mới, đây là xu thế để góp phần giải quyết biến đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay. Thứ ba, chuyển đổi giúp tăng thêm không gian công cộng sáng tạo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thành phố. Thứ tư, giữ lại nhà máy sẽ duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp của thành phố, duy trì truyền thống của thành phố thời kỳ công nghiệp hóa. Cuối cùng, việc mở thêm không gian công cộng thay vì xây chung cư sẽ tạo ra sự hài hòa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường cũng như giữa các thành phần xã hội khác nhau vì mọi người đều được tiếp cận.

Lê Quang Bình gặp gỡ báo giới tại Complex 01- nguyên là một nhà máy in ở phố Tây Sơn, Hà Nội

Anh cho biết cụ thể những điểm đặc sắc của vài di tích nhà máy?

Khi nhóm chuyên gia của chúng tôi đi khảo sát thì có rất nhiều nhà máy có giá trị di sản công nghiệp, phù hợp cho việc chuyển đổi thành không gian sáng tạo. Ví dụ như nhà máy xe lửa Gia Lâm xây năm 1905 dưới thời Pháp thuộc có tên gọi là Nhà máy hỏa xa Gia Lâm với diện tích 50ha, 4.500m2 nhà xưởng, 300 công nhân người Việt và Hoa.

Nhà máy được chính phủ ta tiếp quản năm 1954 và tiếp tục hoạt động trở lại với 430 công nhân. Giai đoạn 1965-1968, sau 6 lần Mỹ ném bom, hầu hết nhà xưởng ban đầu bị phá hủy, máy móc được đưa về nơi sơ tán. Đến 1974, nhà máy được khôi phục lần thứ 2 và hoàn thành năm 1988 nhờ sự viện trợ của Ba Lan. Như vậy, ngoài kiến trúc đặc trưng của công nghiệp nặng, khung thép nhịp lớn và các hệ thống máy móc siêu trường siêu trọng thì lịch sử của nhà máy rất xứng đáng để nó được giữ lại và tiếp tục cuộc sống mới trong hình hài không gian sáng tạo.

Tương tự như vậy, nhà máy Bia Hà Nội là nhà máy bia đầu tiên ở Hà Nội, tiền thân là nhà máy bia Hommel (Brasserie Hommel), thành lập 1890 hoạt động đến sau 1954 một thời gian. Về kiến trúc, nhà máy Bia Hà Nội có các công trình xây dựng trong nhiều thời kỳ, nổi bật là 3 biệt thự theo phong cách địa phương Pháp và 3 nhà xưởng xây dựng trước 1945 theo phong cách kiến trúc Art-Deco, trang trí và kết cấu còn hầu như nguyên bản.

Hiện nay nhà máy đã di dời dây chuyền sản xuất ra nơi khác nên nhà xưởng còn lại mà chuyển thành không gian tổ chức lễ hội văn hóa bia, ẩm thực, âm nhạc đường phố, các hoạt động triển lãm, sáng tạo thì thực sự sẽ tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách. Ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến khu Cao-Xà-Lá, biểu tượng của công nghiệp thủ đô một thời, hay Xí nghiệp Kỹ thuật Điện thông ở 404 Bạch Mai có thể trở thành không gian sáng tạo cho sinh viên các trường đại học và người dân quanh đó.

Việc lưu giữ, phát triển các nhà máy cũ thành không gian văn hóa sẽ giúp cho lớp trẻ thêm hiểu về lịch sử phát triển kinh tế xã hội một thời. Quan trọng là cần khảo sát thực tế một cách nghiêm túc để phân loại, từ đó có kế hoạch chuyển đổi phù hợp cho từng nhà máy, tránh đánh đồng dẫn đến việc đập đi xây chung cư rất đáng tiếc như hiện nay.

19/39 nhà máy thuộc dạng di dời ở 2 quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang chung cư thương mại, biệt thự liền kề, 2 vị trí nhà máy khác được thay thế bằng đường trên cao và đại học tư nhân. Không có nhà máy nào được chuyển đổi thành không gian công cộng. Hiện tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người tại Hà Nội chỉ khoảng 2m2, không đạt quy chuẩn của đô thị (khoảng 7 đến 9 m2/người) và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Codet Hanoi - NPV

To Top