Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và câu chuyện về 2.238 cuốn sách

Tôi rất may mắn khi công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, nơi đặt tủ sách của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998).

Tủ sách với trên 2.000 cuốn sách quý của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được lưu giữ tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao).

Còn nhớ rõ, hôm đó là một ngày mùa Thu đẹp trời năm 2018. Chúng tôi nghe tin gia đình cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch quyết định dành tặng một trong những kỷ vật đáng quý nhất của ông cho Học viện Ngoại giao. Đó là tủ sách với 2.238 cuốn sách mà ông Nguyễn Cơ Thạch đã sưu tầm trong suốt quá trình công tác và cả nghỉ hưu lúc sinh thời.

Gia đình ông hy vọng những cuốn sách này sẽ phát huy vai trò của mình và góp phần vào công tác nghiên cứu của Viện nói riêng và Học viện nói chung.

Tôi cùng các cán bộ trẻ của Viện đã được huy động để hỗ trợ công tác phân loại và sắp xếp số sách này vào dãy tủ sách lớn trong phòng đọc của Viện.

Trong quá trình sắp xếp đó, được trực tiếp tiếp xúc với những cuốn sách từng được cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đọc, tôi có thể phần nào hiểu được quan tâm nghiên cứu và phong cách con người của ông. Những cuốn sách có nội dung đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là những cuốn sách để phục vụ đàm phán Paris, quá trình giải quyết vấn đề Campuchia và nhiều sự kiện khác.

Đặc biệt, tủ sách có khá nhiều (khoảng 100 cuốn) là về kinh tế thị trường. Hẳn những cuốn sách này đã góp phần không nhỏ trong những đóng góp rất ý nghĩa của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào công cuộc đổi mới về kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế, hoạch định chính sách phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, đường hướng cải cách kinh tế, mở cửa và hội nhập, thực hiện cơ chế một giá, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.238 cuốn sách trong tủ sách Nguyễn Cơ Thạch tại Học viện Ngoại giao là minh chứng sống động cho tấm gương tự học và đam mê nghiên cứu không ngừng của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. (Nguồn: Sách ảnh "Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch")

Cầm trên tay những cuốn sách về kinh tế của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi lại nhớ đến cuốn Giáo trình Kinh tế học của Paul Samuelson bản tiếng Việt từng một thời là sách gối đầu giường của tôi. Chính ông Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao dịch cuốn sách này để phổ biến kiến thức kinh tế thị trường, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định và triển khai các chủ trương của Đảng ta về đổi mới kinh tế.

Di sản sách quý giá mà cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để lại cũng có số lượng không ít các đầu sách thuộc lĩnh vực văn học – nghệ thuật và cả tiểu thuyết. Ông Nguyễn Cơ Thạch thường nói, làm ngoại giao nếu chỉ biết chính trị, kinh tế thì chưa đủ, mà còn cần nghệ thuật nữa. Nhờ vậy, ông có được kiến thức văn học-nghệ thuật đủ để gây ấn tượng và tìm được sự đồng cảm của bạn bè quốc tế.

Với phong cách cuốn hút, kinh nghiệm ngoại giao điêu luyện, ông Nguyễn Cơ Thạch đã chủ động biến những cuộc họp báo quốc tế thành kênh tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam với cộng đồng thế giới.

Số tiểu thuyết trong tủ sách chính là những cuốn ông mua về làm quà tặng vợ vì biết bà thích đọc. Ông thường lắng nghe bà chia sẻ về cốt truyện và tư tưởng của tác giả.

Việc đam mê đọc sách và những trải nghiệm thực tế đã giúp ông dần tự hun đúc được phong cách ngoại giao bậc thầy, nhận được sự khen ngợi, nể trọng của không chỉ đối tác mà còn cả đối thủ trong suốt cuộc đời ngoại giao. Ông Gareth Evens, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Australia, nói: “Ông Nguyễn Cơ Thạch là người hết sức thông minh, đàng hoàng; đồng thời cũng rất hài hước và hòa đồng. Ông là một nhà ngoại giao hoàn hảo”[1].

Lật giở những cuốn sách cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để lại, tôi rất ấn tượng khi đọc được dòng bút tích của ông về công tác nghiên cứu: “Nghiên cứu là nêu ra để đi tìm, là phải đập nát vấn đề ra để xem thực chất bên trong”.

2.238 cuốn sách trong tủ sách Nguyễn Cơ Thạch đang được đặt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao là minh chứng sống động cho tấm gương tự học và đam mê nghiên cứu không ngừng của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, mẫu mực của ông Nguyễn Cơ Thạch trở thành tấm gương sáng cho thế hệ kế cận học hỏi và noi theo. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế của thời đại mới, từ tâm thế phát triển mới của đất nước hôm nay, tầm nhìn và tư duy chiến lược tuyệt vời, đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có ý nghĩa và tính thực tiễn cao trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Việc học hỏi và làm theo tấm gương các thế hệ đi trước nói chung và cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cho thế hệ thanh niên ngoại giao hiện nay.

* Tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch” do Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể, Bộ Ngoại giao tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921-15/5/2021).

[1] Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Phim tài liệu “Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch – Người Cộng sản kiên trung, nhà ngoại giao lỗi lạc”, Đài truyền hình Việt Nam, https://vtvgo.vn/kho-video/phim-tai-lieu-dong-chi-nguyen-co-thach-nguoi-cong-san-kien-trung-nha-ngoai-giao-loi-lac-826009.html

To Top