Nhà thơ Trần Nhuận Minh, như tôi biết...

Trần Nhuận Minh gắn bó đời mình với văn học khoảng 60 năm nay. Ông đã xuất bản 51 tác phẩm, trong đó có 26 tập thơ, 3 tiểu thuyết, các tập sách phê bình lí luận văn học, cùng 15 tập biên khảo, tuyển chọn và giới thiệu 6 nhà thơ lớn của thế giới, như: Khuất Nguyên, Xécgây Exênhin, Oan Uýtman, Yanit Rítxốt, Nicoola Ghiden… ngoài ra còn hàng ngàn bài báo, những bài nghiên cứu về lịch sử và văn hóa, về nghề văn và công việc bếp núc của sáng tác…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Thơ ông khắc họa, đi cùng số phận con người. Cuộc sống thường nhật tràn ngập trong những trang viết của ông. Từ những anh hùng trong quân đội, anh hùng trong lao động đến người công nhân bình thường ngày đêm sản xuất than cho Tổ quốc; từ anh kỹ sư hai mươi năm cặm cụi nghiên cứu một công trình diệt bụi đến người soát vé trong rạp được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua vì có thành tích moi ra tận cùng những đứa trẻ không tiền mà muốn xem phim; từ người sang trọng đủ đầy đến những số phận còn thiệt thòi trong xã hội…. Ông viết về rừng đước ở Tây Nam Bộ, về Vạn lý Trường Thành trên đất Trung Hoa, về mùa thu vàng ngời ngời những cánh rừng Nga… Thơ ông đề cập nhiều vấn đề xã hội, xưa và nay, con người và thiên nhiên nhưng tựu trung những trang viết về số phận con người, về công nhân cần lao thực sự đậm đặc và tiêu biểu nhất. Rất nhiều những nhà phê bình lý luận, nhà thơ nổi tiếng trong nước như: Phong Lê, Huy Cận, Mai Quốc Liên, Đỗ Ngọc Yên, Trần Mạnh Hảo, Lê Thành Nghị, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Nguyễn Bùi Vợi, Bằng Việt, Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Văn Quảng v.v. đã có những bài viết công phu, nhận xét thẳng thắn, nghiêm túc, giới thiệu những tác phẩm của ông, cả thơ và văn xuôi. Những sáng tác của ông đã nằm trong sách giáo khoa mấy chục năm nay, hướng dẫn cho nhiều thế hệ học sinh biết cái hay, cái đẹp, cái chân, cái thiện của văn chương và của cuộc đời.

Tôi đã gặp nhiều bạn đọc ở vùng miền xa xôi còn hùng hồn, khoái trá, nhấn nhá đọc thuộc lòng từng bài thơ trong Nhà thơ và hoa cỏ cho tôi nghe, khi biết tôi là dân Quảng Ninh. Họ coi văn chương Quảng Ninh tự hào vì có Trần Nhuận Minh, hay trong tâm hồn Trần Nhuận Minh, tự hào có cảnh vật con người Quảng Ninh, thì tôi không hỏi.

Trường ca Đá cháy và Trước mùa mưa bão là hai trong số rất nhiều tập sáng tác của ông đều viết trực tiếp về công nhân mỏ. Những người mà từ lâu tôi đã gắn bó mật thiết. Viết được về họ, không hề dễ dàng. Phải như cách nói của những người lớp trước là ba cùng, tận tâm, tận tụy với họ. Sống, làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi thế nào để học được ngôn từ họ thường dùng, cách thức làm lụng, phương pháp giải quyết sự cố, tên các loại dụng cụ, đồ nghề… mới viết nổi những trang sinh động, đúng tính cách người công nhân như thế.

Nói về văn tài ông, nhiều nhà nghiên cứu phê bình (kể cả trong và ngoài nước) đã tìm hiểu, chọn lọc, nhận xét với những bài viết công phu, cẩn thận. Họ còn đánh giá ông đã có những câu thơ hóa thạch, thách thức với thời gian. Tôi là thợ mỏ, là một nhà văn công nhân nên thường chỉ nghe, không thích nói nhiều về lí luận, thật sự kính cẩn trân trọng trước những gia sản đồ sộ về văn học của ông. Tôi khâm phục và chỉ muốn đề cập những vấn đề khác, những điều tôi nghe và tôi biết về ông.

Thuở còn tráng niên, ông nghe tin một cô gái có thai ngoài ý muốn. Ngày ấy, gia đình và xã hội coi việc chửa hoang là chuyện động trời. Cơ quan đang xem xét, buộc cô phải khai ra người đã gây nên hậu quả đáng lên án ấy. Nếu không khai, cô sẽ bị đuổi việc và còn bao nhiêu hệ lụy kéo theo. Tình thế bắt buộc ngặt nghèo khiến cô gái kia có ý định tự tử. Biết chuyện, ông đạp xe 75km, đến nhà cô, xin lỗi cha mẹ cô và nhận chính ông là tác giả của cái thai ấy. Ông gặp cô, an ủi động viên cô. Rồi ông gặp lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương để nhận trách nhiệm và giải tỏa khó khăn. Việc lôi thôi đó, đâu phải một lúc nhưng rồi cũng xong. Thực lòng mỗi khi nghĩ đến, tôi thấy ông như Don Quijote dám tự dưng đương đầu với khó khăn, chướng ngại, chả dính dáng gì đến mình. Ông còn tặng cô một tháng lương và hai mét vải lụa. Sau khi sinh con yên lành, cô đã gửi thư cảm ơn ông, xin lạy ông một lạy và yêu cầu ông không nên gặp lại cô nữa.

Năm 1984, nhân dân và trực tiếp là công nhân mỏ Quảng Ninh đang bị đói. Gạo tiêu chuẩn mấy tháng Nhà nước nợ, không có bán. Trẻ đá bóng trong lòng kho lương thực. Tôi sớm lên mỏ, chiều về không biết ăn gì. Con cái túm tụm, nheo nhóc. Ông Đỗ Sáng, Phó giám đốc đời sống mỏ than Đèo Nai nói với chúng tôi: Bây giờ, người trong quê ra, sau cái mừng rỡ là lo lắng. Miệng cười mà lòng bời dạ rối. Không có gì cho họ ăn. Mang tiếng chết!

Vậy mà có một ông ăn xin tìm vào nhà tôi. Trời nắng chang chang. Quần áo vá víu chằng đụp, không nhận ra nguyên thủy màu gì. Chiếc nón bung cạp không còn chóp, sùm sụp che khuôn mặt nhàu nhĩ. Người ông run rảy, đi như chực ngã. Tôi vét đi vét lại đáy hòm, giấu vợ mang ra một vốc gạo đổ vào miệng túi vải đang được căng ra, rồi vừa tiễn vừa xua như sợ nhỡ ông ta chết ở nhà mình.

Thời gian sau, tôi nghe kể Trần Nhuận Minh có khách lạ đến ăn xin chiều ba mươi tết. Hỏi ra, biết người khách ở xa, nhỡ đường không mua được vé về. Ông giục vợ dọn cơm mời khách ăn cùng, rồi lai xe đạp đưa người không quen biết ra bến, nói với quản lý bến, mua một vé ưu tiên, ngồi ở bên lái xe, để ông được về ăn tết tại quê nhà. Nghe tin ấy, tôi cứ thấy mình có lỗi với người ăn xin trong một buổi chiều nắng nóng năm 1984 ấy.

Một lần, Trần Nhuận Minh hẹn tôi đến nhà vì công việc gì đó. Khi tôi tới, không thấy ông. Cũng là chuyện bình thường trong những năm điện thoại di động còn là thứ xa lạ, xa xỉ. Một tuần sau gặp lại, ông tâm sự, được tin bà K mất, mãi tận trong Bình Dương, ông vội đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng), mua vé bay vào TP Hồ Chí Minh, rồi thuê xe taxi đến tận nhà viếng. Bà ấy là người cùng xóm. Cái năm đói quay quắt, mỗi ngày, cứ khoảng 8 -9 giờ tối, bà ấy lại gói một bát cơm còn nóng hôi hổi bọc trong lá khoai nước, giấu chồng con, mang cho ông. Bà ấy chỉ gọi một tiếng rất nhẹ, vậy mà ông nghe thấy ngay. Ông ra bụi tre ngăn cái vườn nhỏ của nhà ông với con đường xuyên xóm nhỏ, mang về chia cho các em ăn vã.

Có lần tôi gợi lại kỉ niệm ấy, ông đã bật khóc. Có lẽ vì đói khổ mà ông nên người, mà ông biết thương người, mà thơ ông tràn đầy các số phận người.

Những năm sau này, khi là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, Trần Nhuận Minh hứa rồi thực hiện thật chu đáo cả những việc nhỏ nhỏ, con con. Với những tác giả trẻ có bài đăng trên các báo tỉnh ngoài, ông đọc được, thì thường giữ lại, chuyển đến tay, tặng lại họ. Ông thường căn dặn chúng tôi: Các em viết gì cũng được, nhưng trước hết nên viết về nhân dân. Chỉ có thế, tác phẩm của mình mới có thể sống lâu được.

Có năm, tôi bị bệnh tưởng chết. Ông bảo ông Lê Chính, Chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khi ấy thay mặt Hội đến thăm ngay, vì ông đang đi họp xa. Ông Lê Chính mang đến cho tôi một cân đường giữa những ngày nắng nóng và mệt mỏi. Tôi rất cảm động và thấy cân đường ấy nặng lắm.

Sau ngày nghỉ hưu, Trần Nhuận Minh khi ở nhà, khi đi họp. Tôi vẫn thấy ông chu đáo, nhẹ nhàng trong từng công việc. Một bạn viết có bài đăng báo Văn nghệ, ông gọi điện thoại, chúc mừng. Anh bạn ấy phấn khởi, khoe khắp. Nhân tiện, nhà văn Nguyễn Duy Liễm vào chơi thấy vậy, điềm tĩnh kể: Ông ấy là một người chu đáo. Tôi vừa đoạt giải tư cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm. Trần Nhuận Minh gọi điện nhưng không được. Ông đã nhờ nhà văn Dương Hướng nếu điện thoại hoặc gặp, thì gửi lời thông báo, chúc mừng tôi.

Tôi nghĩ trong công việc, Trần Nhuận Minh là một nhà thơ, nhà văn, nhà sáng tác với những khai phá không ngừng nghỉ, mong dâng hiến cho cuộc đời những tác phẩm in hằn, khắc họa dấu ấn một thời. Còn trong cách sống, ông là con người đúng mực, chỉn chu, nghĩa tình.

Nhà văn Trần Tâm

To Top