Nhà văn Cầm Sơn- người mang đam mê 'Xuyên qua cánh rừng'

Mỗi khi nhắc đến tên anh, tôi nghĩ ngay đến một loài chim rừng, loài chim rừng có cái tên rất đẹp- Cầm Sơn. Con người anh rất chi có duyên, rất chị cần cù, rất chi vui vẻ, càng già thì tiếng hót của loài Cầm Sơn càng bay xa và hay hơn. Mà nói đến'tiếng chim rừng chào mừng bình minh' thì ai chả thích... loài chim rừng bay đi còn để lại tiếng hót, vui tươi, vang ngân, da diết và xót xa...

Anh có tên khai sinh là: Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày : 29/6/1952 . Anh là giai gôc Thủ đô hẳn hoi đấy nhé, ngày anh được mẹ sinh ra và khai sinh giữa phố Đội Cấn chính là ngày hôm nay của 66 năm trước. anh lập nghiệp và trưởng thành ở vùng đất Phú Thọ, bây gio khi đã nghỉ hưu anh lại trở về sống ở thủ đô, anh thường trực rất nhiệt tình và nỗ lực hết mình với trang” Văn nghệ Công Nhân” của Hội Nhà văn Việt Nam và đắm đuối cũng hết mình cho văn chương cùng nhiếp ảnh như một thú”giời đày”. Anh lại có tài dựng video rất đẹp và rất nhanh nữa sau mỗi sự kiện 'quay cóp" siêu đẳng của mình. Có lẽ chút dòng máu của giai Hà Thành với sự lãng tử và ưa ngao du vẫn chảy hoài trong anh đến bây giờ. Tôi chợt nghĩ thế khi nhớ đến tiếng cười sang sảng của anh khi đưa đoàn chúng tôi đi” Xuyên qua cánh rừng" ở Thanh Sơn, Phú Thọ ngày xa xưa...

Ngày xưa, đang là giám đốc Công ty lâm nghiệp Tam Sơn, Phú Thọ một thời lẫy lừng” nói có người nghe, đe có người sợ", đùng phát, anh quyết định về hưu sớm hai năm chỉ để viết văn và làm thơ, he he...Thế mới biết văn chương là thứ ma lực kinh hoàng, Giám đốc chưa là cái đinh gì nhé.

Trước đây anh cũng sáng tác thơ ca hăng hái lắm. Cũng ra đến vài tập thơ, cả hay cũng có, cả vừa vừa cũng có, và mọi người từng biết đến anh với cái danh Thi sỹ Cầm Sơn- Phú Thọ lãng tử. Thế rồi ngoắt một phát, anh quyết định chuyển sang viết văn cái rẹt, ấy là truyện ngắn và tiểu thuyết he he... Ông anh luôn có những quyết định và bước đi bất ngờ nhưng thú vị, đúng là một văn nghệ sỹ đích thực.

Tôi thì phục ông anh quê Phú Thọ này cứ là sát đất, bởi viết tiểu thuyết và truyện ngắn đâu có dễ, tôi luôn đứng từ xa để ngắm và kính phục những nhà viết tiểu thuyết hay.Ấy thế mà ông anh viết thành công ngay, lại còn ẵm luôn mấy giải, thế mới kinh.Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNTVN cho tập truyện ngắn”Đỗ quyên đỏ" 2013 và tiếp tục giải thưởng 5 năm của Hội VHNT Phú Thọ cho tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng' 2015.

“Đỗ quyên đỏ" của anh rất có duyên khi ẵm giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hùng Vương lần thứ 7 (2010-2015)- Giải thưởng cao quý nhất của UBND tỉnh Phú Thọ tặng cho Văn nghệ sĩ 5 năm một lần và chỉ một lần trong đời Văn nghệ sĩ (Tác phẩm sau dẫu có hay hơn cũng không được xét tặng nữa) Kèm theo là Kỷ niệm chương Hùng Vương (Kiểu như Huân chương Lao động của tỉnh). Qua 7 lần trao giải, cả tỉnh với 9 chuyên ngành VHNT cũng mới chỉ có 27 người được nhận giải. Anh nói là”Tiền không nhiều chỉ có 40 Triệu VNĐ thôi nhưng vinh dự"

Trước đây, anh là hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, sau này là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bây giờ mỗi khi anh xuất hiện đâu đó với mái tóc bạc phất phơ và nụ cười tươi rói nổi bật, khi thì cùng bạn bè tào lao bên lề các cuộc hội nghị, hội thảo văn chương, là lại thấy anh lủng củng mang vác những nào là máy quay camera, máy chụp ảnh to đùng và nụ cười giòn giã rất chi ấn tượng của người núi và nụ cười ấy vẫn luôn phớ lớ mỗi khi gặp lũ bạn bè thân thiết mà nghịch như l ũ quỷ sứ chúng tôi .

Hơn bốn chục năm gắn bó với núi rừng trung du Phú Thọ, Sơn La, anh lăn lộn với công việc từ khi còn là một công nhân lâm nghiệp cho đến khi thành danh với vai trò một giám đốc tài ba.Cái tên Đức Sơn hay Cầm Sơn thì cũng đều gắn với núi rừng cả thôi. Quay ngoắt một phát từ”nghề giám đốc" với cái tên Đức Sơn để anh đến với văn chương với cái tên Cầm Sơn, lãng mạn hơn nhưng cũng gian truân và nghiệt ngã hơn.Tôi thì thích cái tên Cầm Sơn hơn nhiều, nó mang hơi thở và tiếng hát của rừng . Chẳng thế mấy tập thơ của anh đều mang tên là Tình rừng (tập thơ ) NXB Hội Nhà văn 2009, rồi đến Tình núi (tập thơ) NXB Hội Nhà văn 2010, anh tiếp tục ra mắt tập thơ” Miền xanh" - Những cái tên rất gợi về núi rừng với muôn vàn đắm mê và bí ẩn..

Sau cuốn tiểu thuyết “Xuyên qua cánh rừng’', Cầm Sơn vừa ra mắt bạn đọc cuốn truyện ngắn mang tên “Đỗ quyên đỏ" nơi anh có vô vàn câu chuyện, vô vàn kỷ niệm đã in đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Mường và người Thái vùng núi phía Bắc. Mới đây anh vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn mang tên “Bùa Ngải” khá ấn tượng. Nhà văn Nguyễn Loan đã viết về Bùa Ngải như sau:

"Bùa ngải” – NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018, gồm 260 trang, tập hợp 17 truyện ngắn mới nhất của tác giả. Với nguồn cảm hứng về cuộc sống, nền văn hóa và con người vùng cao,”Bùa ngải đã đi sâu khai thác những vẻ đẹp, những nét mới lạ trong tập tục và đời sống của các đồng bào dân tộc ít người. Với giọng văn hài hước, lối kể chuyện mạch lạc, đan xen lẫn sử dụng những ngôn ngữ riêng của người dân tộc, nhà văn Cầm Sơn đã khắc họa chân thực cuộc sống tâm linh, tình cảm, tập tục kết hôn của người dân vùng cao:”Thác Ấu Hùng”,”Bùa ngải”. Bằng những câu chuyện giản dị xung quanh cuộc sống đồng bào, xen lẫn những đoạn tả cảnh, người đọc dường như được tận mắt thấy cảnh sắc tươi đẹp và tính cách bộc trực, thẳng thắn của những người dân vùng cao ấy:”Giàng Sín Lủ”,”Mùa hoa tam giác mạch”… Bên cạnh đó,”bùa ngải” còn cho thấy sự xung đột, cuộc đấu tranh giữa lẽ phải, lương tâm với sự cám giỗ, sa ngã trong chính mỗi con người trong cuộc sống đầy bon chen và thủ đoạn:”Đêm trước phiên tòa”,”Đào ngũ”,”Lá phiếu cuối cùng”…

Thơ của thi sỹ Cầm Sơn giản dị thuần khiết nhưng cũng đa giọng điệu.của một tâm hồn phóng khoáng và giàu trải nghiệm. Nhà thơ Cầm Sơn từng sáng tác từ những năm còn trẻ ở lưa tuổi đôi mươi như là một nhu cầu tự thân cần phải viết ra. Thấy tôi vẫn miệt mài theo đuổi nghiệp thơ, có lần anh bảo rằng làm thơ rất khó mà muốn có được thơ hay thì còn khó hơn nhiều. Có thể vì thế mà anh từ giã nàng thơ để đến với văn xuôi chăng? Dù thế nào anh cũng đã thành công và đã '’ Xuyên qua cánh rừng" văn xuôi để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Bây giờ anh lại say sưa công việc thường trực trang website ”Văn nghệ công nhân” với những bài vở, video và cả dàn dựng bố cục cho trang văn luôn mới, luôn hay và luôn bổ ích cho bạn đọc.Chúc cho nhà văn Cầm Sơn luôn đam mê với những giấc mơ đẹp về văn chương và nơi đó, trang Văn nghệ công nhân” luôn rộng mở với những nụ cười, nơi những bạn bè văn chương đến giao lưu và gặp gỡ anh cùng đồng nghiệp hàng ngày.

Hôm nay là ngày sinh nhật của anh Cầm Sơn, tự nhiên tôi nổi hứng muốn viết vài dòng về ông anh quý mến. Nhà văn Cầm Sơn- Một người anh, một người bạn văn thân thiết mà tôi yêu mến. Các cuộc vui của lũ bạn văn chúng tôi mà thiếu đi tiếng cười phớ lớ của anh thì cũng chán lắm. Thế cho nên anh rất khổ khi cứ phải đi dự, cứ phải quay các thể loại video, rồi về dựng băng, lồng nhạc và đọc luôn lời bình cho các video của mình. Nhà trồng đươc nên khổ lắm anh ạ, anh cười tít mắt bảo là mấy khi được khổ vì bạn bè, mà có khổ vì bạn bè mới sướng chứ cô em, he he...”

Thế là từ lễ sinh nhật, cho đến ra sách hay giới thiệu một tác giả thơ ca bạn bè nào đó, chúng tôi lại ríu rít gọi”anh Cầm Sơn, anh Cầm Sơn ơi, ôi trời, loài chim rừng bay đến, cần cù và đam mê. Cầm Sơn - loài chim khi bay đi còn để lại tiếng hót giữa rừng xanh !

PTPT - Hà Nội 29/6/2018

Phạm Thi Phương Thảo

To Top