Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 5)

Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng thế giới như: Croce Benedetto, D'annunzio Gabriela

Croce Benedetto (1866-1952) là nhà triết học, sử học, nhà phê bình, chính khách tự do. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng lớn ở Italy trước Thế chiến II (theo chủ nghĩa Hegel mới, coi trọng tính lịch sử). Về mĩ học, ông quan niệm nghệ thuật là trực cảm trữ tình.

Tác phẩm chính: Mĩ học với tính chất là khoa học thể hiện và ngôn ngữ học đại cương (1902).

Mĩ học với tính chất là khoa học thể hiện và ngôn ngữ học đại cương là tác phẩm triết học và mĩ học chủ yếu của Croce. Chống lại khuynh hướng thực chứng trong nghiên cứu và phê bình văn học, ông có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa Italy nửa đầu thế kỷ XX.

Croce nhấn mạnh tính thống nhất cụ thể, năng động của tinh thần, giữa hoạt động lý thuyết và thực tiễn. Phần đầu tác phẩm dành cho “triết học tinh thần”: nhiệm vụ của mĩ học là tìm ra tri thức trực giác, khác với tri thức logic và độc lập với thực tiễn. Phần thứ hai là lịch sử những tư tưởng thẩm mĩ từ cổ đại Hy Lạp - La Mã cho đến nay (để minh họa phần trên).

Qua tác phẩm này và những trước tác về sau của Croce, tuy về phương pháp có thay đổi, một số nguyên tắc phê bình được xác định: phê bình nhằm mục đích chuyển cảm tưởng trực giác thành phán xét, có lý luận; hình thức và nội dung gắn chặt với nhau trong sự thống nhất của óc sáng tác...

***

D’annunzio Gabriela (1863-1938) là nhà thơ, nhà viết kịch, viết tiểu thuyết và chính khách.

D’annunzio Gabriela (1863-1938) là nhà thơ, nhà viết kịch, viết tiểu thuyết và chính khách (nghị sỹ bảo thủ, được coi là tư tưởng gia của chủ nghĩa Phát xít). D’annunzio chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên và duy thực, ca ngợi ý chí, “người hùng”, khoái lạc, duy mĩ.

Tác phẩm chính: Ca ngợi trời, biển, đất và những người anh hùng (1903) - Thơ, Lửa thiêu (1900) - Tiểu thuyết, La Gioconda (1899) - Kịch.

Ca ngợi trời, biển, đất và những người anh hùng là tập thơ tiêu biểu của D’Annunzio, một đại diện của khuynh hướng văn nghệ decadentismo, “suy biến” (một khuynh hướng xuất hiện vào khoảng hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX - phản ứng lại tư tưởng thực chứng luận dựa vào lý trí, chống công thức, tìm thú vui giác quan, tình dục, duy mĩ, phá tan xiềng xích Thiên chúa giáo).

Tác giả định viết bảy quyển, nhưng mới soạn xong được bốn quyển. Quyển I (Maia) mở đầu cho sách, ca ngợi Ulysse (Odysseus), nhân vật cổ Hy Lạp nổi tiếng về các cuộc phiêu lưu. Quyển II ca ngợi thiên nhiên và chủ nghĩa phiếm thần, đề cao siêu nhân.

Trong tập này có bài thơ chủ yếu là Laus Vitae dài 8.400 câu, kể về một chuyến đi Hy Lạp và một chuyến đi tưởng tượng. Quyển II đặt tên là Electre; quyển III là Alcyale; quyển IV là Métrope gồm 10 bài ca, đưa ra những siêu nhân, những anh hùng dân tộc. Nói chung, thi hứng nghèo nàn, phong cách quá đậm uyên bác và hình thức phô trương.

Lửa thiêu ca ngợi lý tưởng duy mĩ, phi luân lý, cuộc sống sôi nổi, sự tàn bạo, ý chí, quyền lực “người hùng” với tư tưởng sô-vanh và phát -xít. Sáng tác chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa tượng trưng. Lửa thiêu hàm ý thiêu cuộc đời của hai tình nhân, hoặc ngọn lửa sống hừng hực của siêu nhân.

Sách xuất bản đã gây “bê bối” vì phản ánh một cuộc tình duyên bão táp có thật của D’annunzio với nữ diễn viên Eleonora Duse. Tác phẩm viết về mối tình giữa nhân vật nữ diễn viên La Foscarina và nhà thơ trẻ Stellio trong khung cảnh thơ mộng thành Venezia. La Foscarina đau khổ vì cảm thấy tuổi xuân sắp tàn, vì vinh quang cũ quá huy hoàng, nên đành tự hy sinh rút lui để khỏi trở thành gánh nặng cho người tình trẻ hơn mình.

La Gioconda là tác phẩm mà D’annunzio tặng cho nữ diễn viên Eleonora Duse, người tình và cũng là người đóng vai chính vở kịch này. Nhà điêu khắc Settala phân vân giữa tình thương vợ là Silvia và tình yêu Gioconda, người mẫu và nguồn cảm hứng của mình.

Để tự thể hiện bản thân, Settala vượt hàng rào luân lý và điên cuồng lao vào tình yêu với Gioconda. Nhưng có lần Gioconda tưởng mình bị bỏ rơi nên đã phá một pho tượng của người tình. Silvia vội cố cứu tác phẩm của chồng và do đó, đôi bàn tay đẹp của nàng bị hủy hoại.

“Siêu nhân” Settala tự tử do không giải quyết được mâu thuẫn nội tâm. Chủ đề hấp dẫn hơn cả là hình tượng người phụ nữ hy sinh vì tình yêu (chủ đề một tác phẩm của D’annunzio). Kịch của ông nói chung mang tính chủ quan, biểu tượng nên rất ít kịch tính

HỮU NGỌC

To Top