Nhạc cụ dân tộc trong dòng chảy đương đại

Nhạc cụ dân tộc Việt Nam rất phong phú, gắn liền với mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên làm cách nào để giữ gìn và phát huy những giá trị của nhạc cụ dân tộc trong thời đại hội nhập không phải là câu chuyện mới nhưng cũng lại là vấn đề chưa bao giờ cũ.

ThS Đặng Hoài Thu, Quản lý Phòng trưng bày Viện Âm nhạc Việt Nam đã chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Một tiết mục trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, năm 2021.

PV: Nhạc cụ dân tộc Việt Nam phong phú, bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và đa dạng sắc tộc. Chị có đánh giá gì về giá trị của sự phong phú này?

ThS Đặng Hoài Thu: Việt Nam là một đất nước phong phú và đa dạng về nhạc cụ dân tộc. 54 dân tộc anh em trong cả nước đều có đại diện đặc trưng cho loại hình âm nhạc. Ví dụ ở dân tộc Tây Nguyên có đại diện rất là nhiều các loại nhạc cụ như cồng chiêng, đàn T’rưng, sáo và các loại nhạc cụ được làm từ tre, lứa… Còn ở dân tộc người Tày, người Nùng người ta lại có đàn tính Tày và tính Then. Dân tộc Việt lại nổi tiếng về những nhạc cụ như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn đáy… Chính vì thế đã tạo nên những sắc màu dân tộc.

Những nhạc cụ của mỗi dân tộc có giá trị, vai trò như nào đối với cuộc sống sinh hoạt, văn hóa?

-Ví dụ ở dân tộc Tày hoặc dân tộc Dao hát then trong lẽ hội hoặc khi làm lễ để cúng cầu cho khỏi bệnh. Hoặc người Tây Nguyên có lễ hội đâm trâu để nói về văn hóa Cồng chiêng… Nhạc cụ gắn với văn hóa Việt có trống đồng rất nổi tiếng. Trống đồng được xem là một di vật tượng trưng cho buổi bình minh trong lịch sử dân tộc. Trống đồng là sản phẩm trong thời kỳ cực thịnh của nhà nước Văn Lang, đã đi vào lịch sử nước ta như một kỳ công tuyệt diệu. Vào những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, trống đồng thường được dùng làm lễ khai hội tượng trưng cho văn hóa người Việt.

Âm nhạc Cung đình Huế ngày xưa thường dùng dàn nhạc Đại nhạc và Tiểu nhạc biểu diễn trong các tiệc lớn của triều đình. Họ sử dụng 8 loại nhạc cụ khác nhau.

Hội nhập, nhạc cụ dân tộc đang có sự kém hấp dẫn khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Chị có nhìn nhận gì về thực tế này?

-Hầu hết giới trẻ hiện nay thích những nhạc hiện đại như nhạc Pop, Rap… hoặc người ta đánh đàn piano hay guitar, rất ít giới trẻ quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Cũng chính vì điều đó, hiện nay Viện Âm nhạc chúng tôi cũng đang đưa những hình thức âm nhạc này vào trong giới trẻ. Ở các trường học sinh phổ thông thì Viện Âm nhạc cũng đang phát động phong trào để mời các trường đến để thăm quan và giới thiệu cho các em về nhạc cụ dân tộc, biểu diễn các loại hình âm nhạc dân tộc để các em hiểu, biết được âm nhạc Việt Nam mình rất là phong phú và đa dạng.

Có nhiều cháu học sinh đến đây không biết tên một số nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, đấy là sự thiệt thòi đối với các em học sinh. Chính vì thế mà các nghệ sĩ cũng đã tìm hiểu, tìm tòi, đánh những bản nhạc phổ thông để giới trẻ để người ta hiểu hơn nền âm nhạc dân tộc. Nếu đánh những bản nhạc cổ ngày xưa thì các cháu không thể hiểu được.

ThS Đặng Hoài Thu với đàn T’rưng.

Phương hướng nào để đưa nhạc cụ dân tộc tiếp cận giới trẻ?

-Hiện tại ở Viện Âm nhạc Việt Nam có bảo tồn nhiều loại nhạc cụ khác nhau như ở đây có phòng sưu tầm và nghiên cứu để giữ được truyền thống giới thiệu đến du khách. Du khách không thể đến tận nơi các vùng dân tộc để xem nhạc cụ đó. Chính vì vậy Viện Âm nhạc Việt Nam đã mang âm hưởng và nhạc cụ về đây để trình diễn và giới thiệu cho du khách và các cháu sinh viên để tận mắt chứng kiến. Đấy chính là cách bảo tồn sống trong âm nhạc Việt Nam.

Chị có đánh giá như nào về phương pháp đưa nhạc cụ dân tộc vào trường học?

-Việc đưa nhạc cụ vào học đường trở thành một môn học là một phương pháp rất là đúng đắn. Từ đó giúp các em phần nào hiểu biết và nắm bắt được Việt Nam mình có những loại nhạc cụ gì. Để từ đó các em biết được những giá trị về những loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nói được văn hóa của những nhạc cụ đó.

Thời gian gần đây có một số nhạc sĩ trẻ kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm nhạc đương đại đã đem lại hiệu ứng nhất định, thu hút được sự quan tâm của một số bạn trẻ. Chị nghĩ sao về cách làm này?

-Đấy là sự tìm tòi đa dạng và được đánh giá cao. Bởi có sự sáng tạo mới không ngừng phát triển. Nếu bảo tồn mà không có sự sáng tạo thì không bao giờ phát triển, đây là hai việc luôn luôn song hành cùng nhau. Các nghệ sĩ kết hợp với âm nhạc đương đại để đưa âm nhạc dân tộc vào là một cách làm hay vì giới trẻ nắm bắt được nền âm nhạc đó rất là chuẩn. Khi người ta đánh những bản nhạc đó mang âm hưởng dân gian nhưng kết hợp âm nhạc hiện đại để lan tỏa ra nhiều người là một cách làm hay.

Trân trọng cảm ơn chị!

Phạm Sỹ (thực hiện)

To Top