Nhạc sĩ Trịnh Bảo Bàng : Âm nhạc cần được lan tỏa trên nền tảng số

Thuộc thế hệ 7X năm cuối, nhạc sĩ Trịnh Bảo Bàng hoạt động sáng tác từ năm 2011

Trịnh Bảo Bàng đã giành 4 huy chương Vàng và 3 huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, từ 2014 đến 2020, chưa kể rất nhiều giải thưởng khác cho các ca khúc.

Nhạc sĩ Trịnh Bảo Bàng

Là một nhạc sĩ trẻ, có tiềm năng sáng tác ca khúc khá đa dạng về thể loại, ca khúc của Trịnh Bảo Bàng không chạy theo xu hướng âm nhạc thị trường, theo các trào lưu của giới Vpop để chạy đua trong các top trending, hay ở các bảng xếp hạng như zingchart, Hot14, youtube… Anh thiên về những cảm thức tinh thần mang vẻ đẹp trong sáng, vui tươi. Những ca khúc về tình yêu của Bàng không có cái sướt mướt thê lương não nùng của tình tay ba, thất tình hay cô đơn, mà thường là những giai điệu da diết ngọt ngào đầy cảm xúc sâu lắng…

Nhạc sĩ Trịnh Bảo Bàng có thiên hướng “bắt” nhanh, nhạy những đề tài truyền thống, chính luận, phả vào đó những giai điệu tươi trẻ, sôi nổi, theo “trend” nhạc trẻ đương đại, để ca khúc mang sự mới mẻ, nhưng không thiếu chất hào hùng, hay sự mượt mà, dễ được giới trẻ yêu thích... Có thể nói ở mảng ca khúc này, Trịnh Bảo Bàng khá thành công như: “18 đời Vua Hùng”. “54 dân tộc anh em”, “Ngày miền Nam giải phóng”, “Nhớ mãi lời dạy của Bác”, “Thành phố thông minh, thành phố xanh sạch đẹp”…

Đặc biệt ca khúc “54 dân tộc anh em”, lời ca giản dị, giai điệu hào hùng, khỏe khoắn, tiết tấu nhanh, mang chút âm hưởng của thể loại hùng ca, đã mang đến giải Vàng trong Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2016 cho Bàng. Hỏi cảm nghĩ khi sáng tác ca khúc này, Bàng chia sẻ: “Vì Việt Nam Tổ quốc mình có 54 dân tộc anh em và chúng ta cùng đoàn kết tạo nên sức mạnh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cùng giao lưu văn hóa, kinh tế, học tập nhau để chung tay dựng xây đất nước Việt Nam vững mạnh, trường tồn”.

Những ngày giãn cách xã hội dịch bệnh COVID-19 lần thứ hai này, Bàng làm gì?

Em đang muốn hoàn thiện chơi tốt hơn đàn piano, hỗ trợ việc sáng tác rất nhiều. Và em cũng đang chỉnh lý cho tốt hơn và viết luôn phần phối khí cho một số ca khúc vừa sáng tác gần đây như: “Tự hào lắm Việt Nam ơi!”, “Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước”, “Nhớ lắm tuổi học trò”, “Điểm 10 cho ba”,“Hậu Giang quê tôi”, “Mùa xuân lại đến”...

Muốn ca khúc của mình được lan tỏa thì nhạc sĩ cần phải làm gì?

Hiện tại bây giờ không thể “hữu xa tự nhiên hương”, mà người nhạc sĩ muốn ca khúc của mình lan tỏa, ngoài việc ca khúc đó có giai điệu ca từ “đốn tim” khán giả, thì nhạc sĩ cũng rất cần có những mối quan hệ với các trang âm nhạc trên nền tảng số, các hãng truyền thông media, các nhà sản xuất âm nhạc…, để những nơi này sẽ giúp mình quảng bá giới thiệu tác phẩm.

Người nhạc sĩ cũng nên biết chọn ca sĩ “ruột” tác phẩm của mình, hoặc chọn ca khúc của mình cho các ca sĩ thành danh, các show ca nhạc lớn… Và ở một khía cạnh khác, nhạc sĩ sáng tác cũng rất cần đầu tư hình ảnh cho ca khúc của mình, để làm những MV, hay Album…

Theo Bàng, điều gì quan trọng nhất với một người nhạc sĩ sáng tác ca khúc là gì ?

Trước hết là làm sao để công chúng nhớ đến ca khúc của mình, thích, yêu mến, được hát- biểu diễn, lan tỏa, chứ không phải là nhớ đến tác giả. Và muốn thế, bản thân mình cần có cảm xúc, trí tưởng tượng để sáng tạo ra giai điệu phù hợp cho ca khúc mà mình muốn sáng tác. Ngoài ra còn phải có trách nhiệm với ca khúc sáng tác của mình, để mỗi tác phẩm là một thông điệp chân- thiện- mỹ cuộc sống truyền đến công chúng khán giả.

Hoài Hương

To Top