Nhật Bản dẫn đầu 'cường quốc tầm trung' định hình tương lai châu Á

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh giành quyền lực địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt, vai trò của các 'cường quốc tầm trung' như Nhật Bản ngày càng quan trọng và mang tính xây dựng trong việc định hình tương lai của châu Á.

Ông Abe (trái) trong chuyến thăm Philippines năm 2017. Ảnh: AP

Vai trò quan trọng đó của Nhật Bản được thể hiện rõ nét ở Ðông Nam Á, nơi Tokyo không chỉ đi đầu trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển mà còn nhận được thiện chí của giới lãnh đạo cũng như công chúng tại khu vực. Ðơn cử như tại Philippines, bất chấp những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại trong những năm gần đây, quốc gia Ðông Nam Á này luôn xem Tokyo như một đối tác quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng. Mặt khác, Nhật Bản cũng dần trở thành nơi hỗ trợ an ninh hàng hải quan trọng cho các nước Ðông Nam Á trước chủ nghĩa bành trướng hải quân của Trung Quốc.

Bước chuyển mình của Nhật Bản

Trong suốt lịch sử hiện đại của châu Á, Nhật Bản đã chuyển từ một đế quốc vào nửa đầu thế kỷ 20, sau thất bại trong Thế chiến thứ 2, trở thành cường quốc kinh tế từ những năm 1970-1980. Tuy nhiên, cuộc suy thoái kéo dài vào đầu thế kỷ 21 đã làm giảm vị thế toàn cầu của Nhật Bản và tạo điều kiện cho Trung Quốc nổi lên. Song, Nhật Bản vẫn khiến nhiều cường quốc khác phải dè chừng nhờ sở hữu nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, với lực lượng hải quân tiên tiến nhất châu Á và là nơi tọa lạc của nhiều công ty bậc nhất toàn cầu. Trong thập kỷ qua, chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến nước Nhật chuyển mình thành một “cường quốc tầm trung”.

Mặc dù không có cách tiếp cận quân sự và ngoại giao như Mỹ hay Trung Quốc, Nhật Bản đã tích cực đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường liên minh với các cường quốc cùng chí hướng trên khắp khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, từng bước phát triển khả năng phòng thủ vững chắc trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng ở châu Á, qua đó trở thành nhân tố quan trọng trong việc định hình kiến trúc an ninh thế kỷ 21 của châu Á, nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực, chẳng hạn như Philippines.

Trong nhiệm kỳ của mình, cả Tổng thống Rodrigo Duterte và người tiền nhiệm Benigno Aquino III đã nhiều lần đến thăm Nhật Bản, nhấn mạnh sự ưu tiên dành cho quan hệ song phương. Ông Duterte dù muốn xa lánh Mỹ và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc nhưng vẫn ca ngợi Nhật Bản là “người bạn thân thiết hơn anh em và không giống bất kỳ người bạn nào”. Ông gọi đó là “một tình bạn đặc biệt mà giá trị của nó vượt xa mọi thước đo”, qua đó phản ánh mối quan hệ thân tình kéo dài hàng thập kỷ giữa Manila và Tokyo. Ðến nay, Nhật Bản vẫn là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức số 1, nguồn đầu tư, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Philippines.

Đông Nam Á không phụ thuộc siêu cường

Các nền kinh tế Ðông Nam Á năng động là một phần không thể thiếu trong chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Nhật Bản. Với chính sách ngoại giao tinh tế, Tokyo đã xây dựng và duy trì quan hệ với một loạt nước Ðông Nam Á, cho phép Nhật đóng vai trò như một bức tường thành chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực. Ðiều này đã được thể hiện rõ trong chuyến thăm của ông Abe tới Philippines hồi năm 2017, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Manila dưới thời chính quyền Duterte gây nhiều tranh cãi. Sau đó, cựu lãnh đạo xứ hoa anh đào còn trở thành trung gian, hòa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Mỹ. Tại Philippines, Nhật Bản nỗ lực đưa ra giải pháp thay thế khả thi đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Theo đó, Tokyo tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Philippines, như dự án xây dựng tàu điện ngầm, đường sắt.

Thực tế là tại Ðông Nam Á, Nhật Bản vượt qua Trung Quốc về tổng giá trị đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Gần đây, Nhật Bản còn bắt tay với các cường quốc cùng chí hướng ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo. Sự đầu tư của Nhật Bản đặc biệt hấp dẫn, bởi nó khác với Trung Quốc ở chỗ là không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn quản trị tốt, bền vững môi trường mà còn tạo ra việc làm cho người dân địa phương.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng trở thành đối tác quốc phòng quan trọng của các nước Ðông Nam Á. Trong những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng hỗ trợ các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia hay Indonesia phát triển khả năng giám sát và phòng thủ trên biển.

Sự đóng góp và hợp tác ngày càng tăng của Nhật Bản đối với Ðông Nam Á cho thấy tương lai khu vực này không phụ thuộc vào cuộc cạnh tranh “một mất, một còn” giữa 2 siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo Japan Times)

To Top