Nhật Bản: Quy định kiểm soát súng khiến các vận động viên gặp khó khăn

Các luật về kiểm soát sở hữu súng đạn nghiêm ngặt ở Nhật Bản đang làm nảy sinh những vấn đề chưa từng có tại Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào tháng 7 tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: bangkokpost.com)

Các luật về kiểm soát sở hữu súng đạn nghiêm ngặt ở Nhật Bản, một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm liên quan đến súng thấp nhất thế giới, đang làm nảy sinh những vấn đề chưa từng có tại Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào tháng 7 tới.

Goran Maksimovic - vận động viên giành Huy chương vàng ở nội dung 10m súng trường hơi nam tại Olympic Seoul 1988, thừa nhận đã rất ngạc nhiên về các quy định kiểm soát súng đạn của Nhật Bản trong quá trình anh dẫn dắt đội tuyển bắn súng quốc gia của "đất nước Mặt trời mọc."

Theo xạ thủ người Serbia, anh không được phép cầm khẩu súng, càng không được sử dụng súng, và điều này đang gây không ít khó khăn cho công tác huấn luyện.

Luật kiểm soát súng và các loại vũ khí nói chung đã tồn tại hàng trăm năm qua ở Nhật Bản. Cho đến nay, chỉ có 500 người ở nước này được phép sở hữu súng hơi.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy định, số người thiệt mạng mỗi năm do súng đạn ở đất nước 125 triệu dân này thường xuyên ghi nhận ở mức một chữ số.

Để được cấp phép sử dụng súng, người làm đơn phải trải qua một quy trình rất lâu và phức tạp, theo đó họ phải có được giấy giới thiệu của Hiệp hội Súng trường quốc gia Nhật Bản và đáp ứng các vòng kiểm tra gắt gao của cảnh sát.

Quy trình xin cấp phép sử dụng súng ở Nhật Bản càng khó khăn hơn đối với người nước ngoài. Đối với Maksimovic nói riêng, anh phải cần sự trợ giúp của một trợ lý người Nhật Bản khi huấn luyện cho đội tuyển bắn súng quốc gia nước này.

Tuy nhiên, trong quá trình Olympic Tokyo phải lùi thời điểm tổ chức do dịch COVID-19, nhà chức trách Nhật Bản đã đưa ra một số biện pháp áp dụng riêng cho sự kiện lần này để giải quyết những khó khăn liên quan việc sử dụng súng.

Theo đó, trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao này, các huấn luyện viên được phép thực hiện "một số chỉnh sửa không đáng kể," miễn là vận động viên là người cầm súng.

Ngoài ra, luật kiểm soát súng cũng được nới lỏng để các nhân viên kỹ thuật có thể kiểm tra đạn dược theo quy định của Liên đoàn Thể thao Bắn súng quốc tế.

Các vận động viên được phép thuê nhà thầu chuyển đạn tới Nhật Bản để luyện tập, tuy nhiên số đạn này phải được giữ ở các khu ngoài điểm thi đấu và chỉ được mang vào trong trường hợp hết đạn.

Các đội cũng có thể mua đạn tại các cơ sở phục vụ Olympic, dù rằng loại đạn có thể khác với loại đạn họ thường dùng.

Theo luật hiện hành ở Nhật Bản, súng ngắn quân dụng bị cấm hoàn toàn, chỉ có súng săn và súng hơi được phép sử dụng.

Luật cũng hạn chế số lượng cửa hàng bán súng, theo đó mỗi tỉnh không được có hơn 3 cửa hàng bán súng và người đã mua súng chỉ có thể mua đạn mới sau khi trả lại các vỏ đạn đã sử dụng từ lần mua trước.

Tội sở hữu bất hợp pháp 1 khẩu súng sẽ phải đối mặt mức án 10 năm tù giam, trong khi tội sở hữu bất hợp pháp hơn 1 khẩu súng sẽ ngồi tù 15 năm.

Tù chung thân là án phạt nặng nhất đối với tội nổ súng trong tàu hỏa, xe buýt hay các không gian công cộng./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

To Top