Nhiều kiểu loại gia đình mới có xu hướng gia tăng

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong xã hội hiện đại, nhiều kiểu loại gia đình mới như hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân... có xu hướng gia tăng.

Làm mẹ đơn thân. Ảnh minh họa

Hiện tượng hôn nhân gia đình mới

Nghiên cứu của bà cho thấy, 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân. Mức độ này được chấp nhận cao hơn ở nữ giới và nhóm xã hội mang nhiều đặc điểm hiện đại. 28,4% có nhu cầu, mong muốn sống thử trước khi kết hôn; 58,3% không ủng hộ sống thử. Như vậy, nhóm người theo khuôn mẫu truyền thống trong kết hôn vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng không mang tính gần như tuyệt đối như trong xã hội truyền thống.

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, người phụ nữ không lấy chồng mà có con thường phải chịu sự lên án gay gắt của xã hội, cộng đồng và gia đình. Hiện nay, hôn nhân vẫn là quyết định hệ trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. "Tuy vậy, cùng với sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và quyền cá nhân ngày càng được pháp luật bảo vệ, người phụ nữ ngày càng có quyền quyết định việc kết hôn và có con. Quyền làm mẹ không chỉ thể hiện sự biến đổi trong nhận thức mà còn là biểu hiện của sự nhân văn trong bảo vệ quyền của phụ nữ", PGS.TS Trần Thị Minh Thi khẳng định.

Ảnh minh họa

Khuyến nghị chính sách trong bối cảnh mới

Trước những biến đổi mô hình gia đình từ truyền thống sang hiện đại, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để giúp gia đình hạnh phúc hơn, phát triển đúng định hướng là hạt nhân của phát triển kinh tế-xã hội.

Trước hết, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới. Cần tiếp tục phổ biến, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình; hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho xã hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa...

Hai là, xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình hiện nay, nhất là xu hướng gia đình mới. "Trong giai đoạn tới, Việt Nam nên chuyển mục tiêu từ "xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội" sang "xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phồn thịnh, là thiết chế quan trọng của các quá trình kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực ổn định, chất lượng" để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, đặt gia đình trong mối quan hệ "động" hơn với các quá trình kinh tế - xã hội chung", PGS.TS Trần Thị Minh Thi khuyến nghị.

Nhật Lam

To Top