Nhớ, viết và đoán về Nguyễn Huy Thiệp

Hiếm nhà văn nào ở Việt Nam mà sau khi ra đi vẫn khiến người ta tranh cãi về mình và tác phẩm của mình nhiều như Nguyễn Huy Thiệp. Nhân 100 ngày mất của ông, cuốn sách 'Về Nguyễn Huy Thiệp' (NXB Dân Trí và nhãn sách Liên Việt) tập hợp bài viết của 34 tác giả trở thành cuốn sách thứ hai về chân dung tác giả 'Tướng về hưu', sau cuốn 'Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp' của Phạm Xuân Nguyên xuất bản cách đây đúng 20 năm.

“Tướng về hưu” được NXB Aube tái bản nhiều lần

Khổ lắm, nhục lắm nhưng thương lắm!

Tôi gặp Nguyễn Huy Thiệp lần đầu khi 20 tuổi. Lúc đó, một người bạn của tôi rất mê văn ông sắp phải đi Pháp để mổ tim. Tôi ra hiệu sách cũ trên phố Bà Triệu, bỏ ra đúng một tháng học bổng để mua cuốn “Tướng về hưu” bản giấy đen in năm 1987 rồi hỏi đường đến làng Cò xin chữ ký tác giả. Khi biết cuốn sách này sẽ trở thành quà tặng cho một người bệnh, ông viết: “Tôi chúc cho bạn đọc sách này những điều may mắn và hạnh phúc. Hãy yêu lấy cuộc sống của mình dù trong hoàn cảnh nào cũng vậy”. Viết xong, ông còn cẩn thận lấy con dấu cá nhân đóng thêm một chữ Thiệp đỏ ở cạnh chữ ký. Cuốn sách ấy sau này theo bạn tôi sang Pháp, cũng đã theo bạn tôi đi xa.

Câu đề tặng này chính là một trong những xác tín của “ông vua truyện ngắn”. Sau này, có dịp quan sát, tôi thấy ông thường dùng câu nói này để nói với những độc giả trẻ khi họ chán đời, hoang mang hay thất bại trong cuộc sống. Thi thoảng, ông đọc nó ở một biến thể khác: “Bởi trần thế tối tăm như hầm mộ, tôi vẫn yêu sự khủng khiếp này...” (Lermontov). Cũng có lần, trong khi giao lưu với bạn đọc ở Trung tâm Văn hóa Pháp, một độc giả trẻ hỏi: cuộc sống trong văn ông u ám như thế, ông có từng chán ghét nó không, nhà văn đọc lại một câu thoại trong “Không có vua” thay cho câu trả lời: “Khổ lắm, nhục lắm, nhưng thương lắm”!

Cuốn sách tưởng nhớ Nguyễn Huy Thiệp xuất bản đúng vào lúc tất cả các hoạt động tập trung đông người đều bị hạn chế để phòng, chống dịch COVID-19, thế là lần đầu tiên ở Việt Nam có một buổi ra mắt sách trực tuyến. Cũng giống như văn Nguyễn Huy Thiệp, các câu chuyện về ông thu hút không chỉ độc giả trong nước, buổi ra mắt có sự góp mặt của GS. Dl.Gebuijs người Hà Lan, của các nhà văn, nhà nghiên cứu ở Đức, Pháp, Nga... và rất nhiều bạn bè, độc giả yêu mến ông.

Cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” ra mắt đúng 100 ngày mất của ông

Rất nhiều bài viết trong sách hầu hết đều đã xuất hiện trên mạng, có những bài thậm chí “mang tính lịch sử” như “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” của GS Hoàng Ngọc Hiến in trong tập truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp, cũng được coi như bài viết “khai phá” về Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà phê bình Văn Giá đánh giá: “Quyển sách như là một câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Thiệp, chứa đựng nhiều thông tin, trong đó có nhiều bài viết mới nỗ lực tìm hiểu giải mã thế giới tinh thần bí ẩn, sâu sắc của nhà văn”.

“Thiên tính nữ” tỏa sáng dịu dàng

Trong số hơn 30 tác giả viết về Nguyễn Huy Thiệp, có một người chưa từng xuất hiện, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Đó là bà Marion Hennebert (nguyên Giám đốc NXB Aube - Pháp) - đơn vị xuất bản đầu tiên ở nước ngoài tổ chức dịch và in tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (ông là nhà văn đương đại đầu tiên của Việt Nam được in sách ở Pháp kể từ sau chiến tranh Đông Dương). Những bản dịch do Kim Lefèvre - một nhà văn người Pháp gốc Việt thực hiện đã được tái bản nhiều lần. Thậm chí bà Marion không giấu tham vọng sẽ đề cử giải Nobel cho Nguyễn Huy Thiệp, như bà đã từng làm thành công với Cao Hành Kiện. Nhiều người khi thấy Nguyễn Huy Thiệp nhắc đến giải thưởng danh giá này đã nói rằng ông lấy đâu ra tự tin để phát biểu như thế. Chính là Marion đã đem đến sự tự tin ấy cho ông.

Trong nhiều năm, L’Aube đã thực sự đối xử với Nguyễn Huy Thiệp như một tác giả triển vọng để tranh giải. Họ dịch và in các tác phẩm của ông khá đầy đủ, từ truyện ngắn, đến tiểu luận, kịch và sau này là tiểu thuyết. “Tuổi 20 yêu dấu” in lần đầu ở Pháp (bản dịch của Sean James Rose), hơn mười năm sau mới xuất bản ở Việt Nam. L’Aube cũng rất tích cực tìm cách giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp trên những diễn đàn văn chương quan trọng và trên báo Pháp như: Le Monde, Libération, Le Nouvel Observateur, L’Humanité... Đồng thời, NXB tổ chức rất nhiều chuỗi tiếp xúc độc giả, ra mắt sách cho Nguyễn Huy Thiệp ở nhiều tỉnh thành của Pháp từ Paris đến Toulouse, Bordeaux...

Sau này, có nhiều lúc nghe ông nói về giải Nobel trong dịp này dịp kia, thậm chí tôi có cảm giác nếu giải Nobel không kèm theo số tiền thưởng 1 triệu đô la, có lẽ đối với ông nó cũng không hấp dẫn đến thế. Liên quan chuyện tiền và giải thưởng, còn có một chuyện khác, đó là khi đại diện chính phủ Pháp hỏi ý kiến ông về việc trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, ông hỏi giải thưởng có tiền không, họ bảo không, ông bảo thế thì không nhận! Nhưng đến ba năm sau, người Pháp vẫn trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh về văn học nghệ thuật cho Nguyễn Huy Thiệp.

Trở lại với cuốn sách, GS Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết mang tính tiên đoán của mình đã đánh giá “thiên tính nữ tỏa một ánh sáng dịu dàng, huyền diệu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp”. Ngẫu nhiên, trong buổi ra mắt, rất nhiều ý kiến thú vị về tác phẩm của ông là của những nhà văn nữ.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói chị yêu tính nhạc trong văn Nguyễn Huy Thiệp và hình dung nó như là khúc nhạc của đá, của nước nguồn, thoạt tiên nghe trầm và lạnh, ngang ngạnh, nhưng đọc kỹ sẽ thấy buồn da diết và rất kiêu hãnh.

Nhà văn Lê Minh Hà đánh giá: “Văn Nguyễn Huy Thiệp như “Kiếm sắc” (tên một tác phẩm nổi tiếng của ông): phanh, chặt làm người ta không yên khi đọc”.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ trên trang cá nhân: “Người đời thường nói "sống lâu chết chóng". Vừa mới đấy đã 100 ngày Nguyễn Huy Thiệp rời cõi nhân gian, tới một cõi khác. Nhưng cuộc đời của một nhà văn không được tính từ khi chào đời đến khi nhắm mắt, mà được tính từ khi bạn đọc nhớ tên đến khi bị quên tên. Như Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ chúng ta sẽ không tính được tuổi của ông”.

HẠNH ĐỖ

To Top