Những chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 8-2021

Bỏ quy định điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức; quy định về nâng bậc lương thường xuyên; mẫu hộ chiếu mới có gắn chip... là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8-2021.

Từ ngày 1-8, nhiều quy định và chính sách quan trọng liên quan tới đời sống của người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực.

Quy định mới về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

Nghị định 77/2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8. Nghị định này quy định rõ thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Người dân trong một khu phong tỏa ở phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM) được tiêm vaccine phòng COVID-19 sáng 2-8. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm thời gian tập sự, thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ một tháng trở lên.

Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.

Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thời gian không làm việc khác ngoài các quy định nêu trên.

Bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Thông tư 02/2021 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, văn thư có hiệu lực từ ngày 1-8.

Theo đó, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004 như sau:

- Ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến 8,00.

- Ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến 6,78.

- Ngạch chuyên viên (mã số 01.003) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98.

- Ngạch cán sự (mã số 01.004) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến 4,89.

- Ngạch nhân viên (mã số 01.005) áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến 4,06.

Công thức tính lương của công chức hiện nay là:

Mức lương = Mức lương cơ sở x hệ số.

Trong đó, mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng.

Cũng theo Thông tư 02/2021 này, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Thay vào đó, Bộ chỉ yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.

Thay đổi quy định về nâng bậc lương

Từ ngày 15-8, Thông tư 03/2021 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ có hiệu lực.

Theo đó, thông tư này bổ sung trường hợp thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Thông tư này cũng đồng thời bổ sung một số trường hợp không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm: Thời gian đào ngũ, thời gian thử thách khi hưởng án treo và thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi. Theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được nâng bậc lương thường xuyên (quy định cũ là “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương).

Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và thu nhập cá nhân

Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1-8.

Về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân.

Những người này có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Ba trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 02/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Thông tư này sẽ siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó quy định rõ ba trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:

- Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ ba tháng trở lên.

- Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý.

- Người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bị tạm giam từ một tháng trở lên.

Thông tư 02/2021 có hiệu lực từ ngày 8-8 nhưng các chế độ, chính sách quy định tại thông tư này được áp dụng từ ngày 1-7.

NGUYỄN THẢO

To Top