Những công trình tiêu biểu có ý nghĩa ở An Giang

Năm 2020, tỉnh đã khánh thành nhiều công trình để lại dấu ấn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và tạo tiền đề phát triển du lịch, nông nghiệp... trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là những công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.

Công trình mang tính khát vọng của tỉnh đã được khởi động đúng dịp sinh nhật Bác Tôn 20-8, đó là dự án tuyến nối Quốc lộ 91-tuyến tránh TP. Long Xuyên. Dự án do Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 17,3km, đi qua 8 phường, xã của TP. Long Xuyên. Điểm đầu tuyến kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 91 tại khu vực giáo xứ Cần Xây (phường Bình Đức). Dự án góp phần giải tỏa ùn tắc, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục, kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL.

Ở vùng đầu nguồn biên giới, dự án kết nối Quốc lộ 91, 91C và Tỉnh lộ 957 đi nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông trong tỉnh, phát triển kinh tế khu vực được khánh thành ngày 11-9. Đó là dự án nâng cấp đường phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp với đê ngăn lũ vùng Tứ giác Long Xuyên (Tỉnh lộ 955A). Dự án từ TP. Châu Đốc đi Cửa khẩu Tịnh Biên, dài 21km, tổng kinh phí đầu tư trên 994 tỷ đồng (ngân sách Trung ương, tỉnh). Đây là công trình giao thông quan trọng của tỉnh, là tuyến vành đai biên giới có ý nghĩa rất lớn đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, vừa là tuyến đê bao kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên và các xã đầu nguồn huyện Tịnh Biên và TP. Châu Đốc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 2, bên phải, hàng đầu) cùng Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ 3, bên phải, hàng đầu) khảo sát xây cầu giao thông nông thôn ở huyện An Phú

Một công trình, sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang là TP. Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Lễ công bố quyết định diễn ra tối 20-8. Được công nhận đô thị loại I giúp TP. Long Xuyên phát huy vị trí chiến lược trong vùng, điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và Tứ giác Long Xuyên; trung tâm của vùng tam giác phát triển, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Phnompenh (Campuchia). Đặc biệt, TP. Long Xuyên nằm trên hành lang gắn kết với 5 cửa khẩu của tỉnh An Giang, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế.

Nhà văn hóa Lao động tỉnh

Một công trình đóng vai trò là điểm nhấn văn hóa của tổ chức công đoàn An Giang, thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống văn hóa và tinh thần cho đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động là Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (tọa lạc tại phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chính thức đi vào hoạt động ngày 19-9. Công trình Nhà Văn hóa Lao động đầu tiên trên quê hương Bác Tôn có kiến trúc hiện đại, quy mô khối nhà chính 4 tầng, trên diện tích đất 9.500m2, tổng giá trị xây dựng hơn 60 tỷ đồng.

Khởi công xây dựng Nhà hát tỉnh An Giang

Cùng với đó, tỉnh khởi công xây dựng Nhà hát tỉnh trên diện tích 16.328m2, tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên), quy mô gồm khối nhà hát; khối trụ sở (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang); công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà; giao thông, sân bãi ngoài trời; sân khấu ngoài trời; quảng trường, với tổng mức đầu tư hơn 215 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Nhà hát đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ.

Xã hội hóa cầu giao thông nông thôn

581 cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 806 tỷ đồng (huy động 585 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523m2 đất làm cầu). Nhiều địa phương vượt chỉ tiêu xây dựng cầu nông thôn, như: Chợ Mới (148/99 cầu), TP. Long Xuyên (50/23 cầu), Thoại Sơn (79/64 cầu)... Đó là kết quả của Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn tỉnh An Giang (giai đoạn 2016-2020). Kết quả vận động xã hội hóa vượt xa dự kiến ban đầu 480 tỷ đồng. Đề án đã tạo sức lan tỏa rất lớn đối với người dân khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Những chiếc cầu đã đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới có được cây cầu bê-tông vững chắc, thay cây cầu gỗ gập ghềnh, tạo diện mạo nông thôn khởi sắc.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần chăm lo “An cư lạc nghiệp” cho người nghèo, tỉnh đã cất mới 1.241 căn nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 64,7 tỷ đồng. Đây là công trình hết sức ý nghĩa của UBMTTQVN tỉnh giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được mái ấm khang trang, “An cư lạc nghiệp”, vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

To Top