Những gương mặt châu Á từng ghi dấu ấn tại Oscar

Lịch sử 93 năm của lễ trao giải Oscar lưu dấu ấn không ít diễn viên và nhà làm phim châu Á.

Umeki Miyoshi: Năm 1958, Umeki Miyoshi thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar lần thứ 30 cho vai diễn trong bộ phim Sayonara (1957) của đạo diễn Joshua Logan. Tác phẩm đã tái hiện một phần thực trạng phân biệt chủng tộc và định kiến xã hội áp đặt lên quan hệ luyến ái đa sắc tộc. Ảnh: EW.

Sinh thời, bà là ca sĩ hộp đêm tại Nhật trước khi tới New York năm 1955. Sayonara là bộ phim đưa tên tuổi Umeki Miyoshi đến với khán giả. Năm 1959, bà nhận đề cử Tony hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong vở nhạc kịch Broadway Flower Drum Song. Miyoshi nhận hai đề cử Quả cầu vàng cho vai diễn trong bản điện ảnh và truyền hình của The Courtship of Eddie’s Father (1970). Ảnh: IMDb.

Sessue Hayakawa: Hayakawa là người châu Á đầu tiên nhận đề cử ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc cho vai đại tá Saito trong The Bridge on the River Kwai (1957). Trên màn ảnh, đại úy Saito có trách nhiệm đốc thúc các tù nhân chiến tranh người Anh làm việc trên công trường xây dựng đường sắt. The Bridge on the River Kwai nhận 8 đề cử tại Oscar 1958 và chiến thắng 7 trong số đó, nhưng Hayakawa ra về trắng tay. Ảnh: IMDb.

Sessue Hayakawa là biểu tượng quyến rũ gốc Á đầu tiên của Hollywood. Ông cũng là tài tử gốc Á đầu tiên được phương Tây tôn vinh vào thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề. Suốt sự nghiệp, Hayakawa góp mặt trong hơn 80 bộ phim nói tiếng Anh cũng như tiếng Nhật giữa thời kỳ làn sóng tẩy chay Nhật Bản dâng cao hậu Thế Chiến II. Ông nổi tiếng qua vai diễn trong The Cheat (1915), The Bridge on the River Kwai và Swiss Family Robinson (1960). Ảnh: Columbia Pictures.

Haing S. Ngor: Ngor là diễn viên châu Á đầu tiên và duy nhất chiến thắng hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar cho vai Dith Pran trong bộ phim tiểu sử The Killing Fields (1984). Dith Pran là phóng viên ảnh người Campuchia và là nạn nhân sống sót qua nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Ảnh: Getty Images.

The Killing Fields nhận 7 đề cử Oscar và chiến thắng 3 trong số đó. Chiến thắng của Ngor càng trở nên đáng nhớ khi ông không chỉ là diễn viên tay ngang. Ông cũng là một nạn nhân sống sót qua nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Haing S. Ngor tiếp tục làm phim cho tới khi thiệt mạng trong một vụ cướp tại Los Angeles năm 1996. Ảnh: Goldcrest Films.

Steven Yeun: Đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc cho vai người bố trong Minari của Steven Yeun đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một diễn viên Đông Á và người Mỹ gốc Á được xướng danh ở hạng mục này. Gia đình Steven Yeun đã rời Hàn Quốc tới Canada trước khi nhập cư vào Mỹ năm anh lên 4 tuổi. Yeun nổi tiếng với vai Glenn Rhee trong series The Walking Dead. Anh gắn bó với thương hiệu phim ăn khách từ năm 2010 tới 2016. Ảnh: LA Times.

Trước Minari (2021), Steven Yeun từng hợp tác với các đạo diễn Hàn Quốc danh tiếng Bong Joon Ho của Okja (2017) và Lee Chang Dong trong Burning (2018). Trong Minari, anh thủ vai ông bố của một gia đình nhập cư Mỹ gốc Hàn với ước mơ xây dựng nông trại cho riêng mình. Chia sẻ với truyền thông, Yeun cho biết anh nghĩ về bố mình rất nhiều khi hóa thân thành nhân vật này. Ảnh: A24.

Youn Yuh Jung: Bà là diễn viên Hàn Quốc đầu tiên nhận đề cử Oscar tại hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc, cũng là người Hàn đầu tiên nhận giải thưởng của Nghiệp đoàn Diễn viên màn ảnh Mỹ (SAG) cho vai Soon Ja trong Minari. Trả lời báo chí, nữ diễn viên gạo cội gửi lời cảm ơn đạo diễn Lee Isaac Chung vì đã cho mình toàn quyền sáng tạo với nhân vật.

Nữ diễn viên nhận nhiều lời khen từ giới phê bình nghệ thuật cho màn hóa thân thành người bà trong Minari. Báo chí quốc tế cũng dự đoán bà sẽ chiến thắng tại Oscar năm nay. Tuy nhiên, theo Korea JongAng Daily, tại Hàn Quốc, vai diễn Soon Ja của bà lại không được đón nhận quá nồng nhiệt. Ảnh: A24.

Hiroshi Teshigahara: Teshigahara là nhà làm phim châu Á đầu tiên được đề cử tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc cho bộ phim Woman in the Dunes (1964) tại Oscar 1965. Đây cũng là bộ phim nổi tiếng nhất của ông. Trước đó, vào năm 1964, Woman in the Dunes giành giải Special Jury Prize tại Liên hoan phim Cannes và nhận đề cử Phim nước ngoài xuất sắc tại Oscar. Ảnh: Wikipedia.

Woman in the Dunes kể câu chuyện của Niki Junpei (Eiji Okada), một thầy giáo kiêm nhà côn trùng học nghiệp dư. Anh bị lạc giữa cồn cát trong một chuyến thám hiểm. Người dân sống tại đây đã mời Junpei lưu lại một đêm. Kết quả, Junpei đã sà vào vòng tay của một góa phụ sống nơi cồn cát. Ảnh: Sogetsu.

Lý An: Vị đạo diễn gốc Đài Loan là người châu Á đầu tiên chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc với bộ phim Brokeback Mountain (2005) vào năm 2006. Bộ phim cũng chiến thắng ở các hạng mục kịch bản chuyển thể và nhạc phim xuất sắc. Trước đó, năm 2000, bộ phim Ngọa hổ tàng long của ông cũng nhận 10 đề cử và chiến thắng 4 giải trong số đó tại Oscar 2001. Năm 2012, ông tiếp tục giành giải Đạo diễn xuất sắc cho bộ phim Life of Pi. Ảnh: ABC.

Trong bài luận A Never-ending Dream, viết sau thành công của Brokeback Mountain, Lý An dành lời tri ân vợ, cảm ơn sự ủng hộ vô điều kiện của bà dành cho mình. Nhờ có vợ một tay quán xuyến chuyện gia đình, Lý An có thể chuyên tâm theo đuổi giấc mơ làm phim. Bà cũng là người vực dậy tinh thần ông trong những giờ phút Lý An hoang mang nhất. Ảnh: The Independent.

Bong Joon Ho: Bong Joon Ho là nhà làm phim châu Á đầu tiên có tác phẩm chiến thắng hạng mục Phim xuất sắc tại Oscar và Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes với Parasite. Không chỉ đại thắng tại các giải thưởng điện ảnh, Parasite của Bong Joon Ho còn thu về hơn 258 triệu USD từ phòng vé toàn cầu cùng vô số lời tán dương của báo chí, giới phê bình và khán giả. Ảnh: ABC.

Bong Joon Ho được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất năm 2020. Anh cũng trở thành người Hàn đầu tiên đảm nhận vị trí chủ tịch ban giám khảo quốc tế tại Liên hoan phim Venice 2020. Các tác phẩm nổi bật trước đó của Bong Joon Ho phải kể đến gồm: Memories of Murder (2003), The Host (2006), Mother (2009), Snowpiercer (2013) và Okja (2017). Ảnh: Getty Images.

Lee Isaac Chung: Bộ phim Minari của đạo diễn Lee Isaac Chung ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Sundance năm 2020 và chiến thắng hai giải Grand Jury Prize và Audience Award. Từ đó tới nay, phim đã giành hơn 100 chiến thắng lớn nhỏ, bao gồm giải cho Phim nước ngoài xuất sắc tại Quả cầu vàng 2021. Phim nhận thêm 6 đề cử Oscar, trong đó bao gồm các hạng mục phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc và kịch bản gốc xuất sắc. Ảnh: Getty Images.

Đạo diễn Lee Isaac Chung thực hiện bộ phim đầu tay năm 2007. Sau ba tác phẩm không mấy tiếng vang, ông quyết định chuyển sang dạy học. Lee viết kịch bản Minari trong thời gian làm giảng viên tại Hàn Quốc dựa trên những kỷ niệm ấu thơ của chính mình. Ảnh: Emily Assiran.

Chlóe Zhao: Zhao là nhà làm phim nữ châu Á đầu tiên nhận đề cử Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Chị cũng là nhà làm phim nữ nhận nhiều đề cử từ Viện Hàn lâm nhất, với sáu lần được nhắc tên. Chlóe Zhao cùng Emerald Fennell (Promising Young Woman) làm nên lịch sử khi là hai nữ đạo diễn đầu tiên cùng cạnh tranh danh hiệu xuất sắc trong một mùa Oscar. Ảnh: Vogue.

Zhao là nhà làm phim nữ thứ hai nhận giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice và người châu Á đầu tiên chiếc thắng tại hai hạng mục phim chính kịch xuất sắc và đạo diễn xuất sắc của Quả cầu vàng với Nomadland. Nomadland là bộ phim thứ ba trong sự nghiệp của Zhao, ra mắt tại Venice năm 2020 và nhận được nhiều lời ngợi khen từ báo chí, giới phê bình cũng như khán giả. Ảnh: Cor Cordium Productions.

Anh Phan

To Top