Những lưu ý để đạt điểm cao bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Văn (Trường THPT Chuyên Thái Bình) đã chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp các thí sinh làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

Đối với bất kỳ môn thi nào, việc đầu tiên, thí sinh nên đọc lướt một lượt để xác định câu dễ và câu khó, phần khó và phần dễ nhằm đưa ra những định hướng giải quyết đề và phân bổ thời gian hợp lý. Các em nên làm những câu dễ, phần dễ trước; câu khó, phần khó làm sau.

Tuy nhiên, với môn Ngữ văn, thí sinh nên làm phần đọc hiểu và nghị luận xã hội trước vì ở hai phần này, kỹ năng làm bài rất rõ ràng và chắc chắn, do đó nên làm xong nhanh, gọn để tạo đà và hứng khởi cho phần cuối của đề thi – nghị luận văn học (5 điểm) vốn cần nhiều đến kỹ năng, kiến thức và cảm xúc.

Trong quá trình làm thủ tục và chờ thầy cô giám thị phát đề, thí sinh nên tính sẵn thời gian ra giấy nháp cho từng phần để quá trình làm bài luôn chủ động về thời gian, tránh sa đà vào một phần nào đó.

Phân bổ thời gian làm bài thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT thế nào?

Cụ thể, phần đọc hiểu nên làm trong 20-25 phút; nghị luận xã hội nên làm trong 20 phút. Thời gian còn lại, thí sinh nên sử dụng khoảng 75 phút cho nghị luận văn học và 5 phút còn lại dành để soát lại bài từ tên, số báo danh đến nội dung, chữ nghĩa.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Văn, Trường THPT Chuyên Thái Bình

Đối với phần đọc hiểu, các em áp dụng kỹ năng cho từng dạng câu hỏi để trả lời theo quy tắc: đề hỏi gì - trả lời đó. Các em nên trình bày rõ ràng về mặt ý, không cần thiết phải viết đoạn văn nếu đề không yêu cầu. Đọc hiểu là phần dễ lấy điểm nhưng các em không nên chủ quan; làm nhanh nhưng không đồng nghĩa với làm ẩu, sơ sài.

Đối với nghị luận xã hội, thí sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận qua các từ khóa ở đề bài; đồng thời áp dụng các bước để tạo lập đoạn văn theo chủ đề cho sẵn ở đề bài. Thí sinh cần tập trung nhiều nhất vào phần bàn luận (hệ thống ý cần trúng, đúng, hay, sâu, phong phú). Dẫn chứng không nên lấy nhiều, chỉ nên dừng lại ở 1 đến 2 dẫn chứng và cần phù hợp với vấn đề nghị luận, mang tính thời sự, là những câu chuyện truyền cảm hứng trong cuộc sống đời thường. Hình thức đoạn văn cần đảm bảo, tránh viết thành bài văn thu nhỏ. Dung lượng cần phù hợp với yêu cầu “khoảng 200 chữ” mà đề bài đặt ra.

Đối với nghị luận văn học, thí sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận. Để làm điều này, người viết nên chú ý câu lệnh đề bài đặt ra. Cũng từ đó, học trò sẽ định hình được hướng đi và hệ thống ý cần triển khai trong bài.

Ví dụ đề yêu cầu cảm nhận đoạn văn, cảm nhận nhân vật hay một khía cạnh của nhân vật trong đoạn văn? Có công việc nâng cao hay không? Dẫn chứng dài hay ngắn?... Trong quá trình viết bài, các em cũng cần làm đầy đủ bố cục vì phần nào cũng có điểm.

Với dẫn chứng, tránh diễn xuôi văn bản. Quá trình phân tích, cảm nhận dẫn chứng, ngữ liệu, cần phải hướng đến vấn đề nghị luận để bài viết đúng trọng tâm. Lưu ý phần khái quát nghệ thuật hay bị bỏ qua mà phần này đều phải có trong bất cứ dạng đề nào.

Bài viết cần phải tạo ý, tách đoạn linh hoạt và phù hợp, bởi nhìn hệ thống luận điểm, đoạn văn, người chấm sẽ thấy được rõ tư duy của người viết. Cần viết văn bằng cả một trái tim giàu cảm xúc. Bài viết với tư duy mạch lạc qua hệ thống ý tứ rõ ràng, với sự sáng tạo qua những liên hệ mở rộng, những bình luận sâu sắc, độc đáo, với dòng cảm xúc dạt dào… chắc chắn sẽ chinh phục thầy cô.

Cuối cùng, các em hãy mang theo một tinh thần không bỏ cuộc vào bài thi. Nhìn, đọc bài thi của các học trò, thầy cô chấm thi sẽ thấy rõ cả một hành trình nỗ lực hết mình, sự nghiêm túc cùng khát vọng lớn mà các học trò gửi vào từng chữ từng câu. Văn là người - hãy để người chấm bài nhìn thấy hình ảnh đẹp nhất của các em qua bài thi.

Cô Thúy chụp cùng thủ khoa thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Thái Bình và thủ khoa vào Trường THPT Chuyên Thái Bình năm 2020

Bên cạnh đó, trước ngày thi, các em cũng cần lưu ý những điều sau để giữ tinh thần tốt nhất trước khi bắt đầu bước vào kỳ thi quan trọng này.

Lập tức phải giảm cường độ học

Chúng ta đã có quá nhiều hôm thức xuyên đêm, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương để tận tâm tận lực cho việc học. Bây giờ, kiến thức và kỹ năng của các em cũng đã chắc, việc cần thiết lúc này là giữ sức khỏe để có một thể lực khỏe mạnh nhất, năng lượng dồi dào nhất cho những ngày thi.

Do đó, các em nên tránh thức khuya, tránh cày đêm ngủ ngày. Hãy đưa cơ thể về với nhịp sinh học bình thường, luyện tập ngủ sớm và dậy sớm hơn để có trí tuệ minh mẫn nhất, sức khỏe tốt nhất trong những ngày thi sắp tới.

Phân chia thời gian ôn tập hợp lý, hiệu quả

Hãy tận dụng những ngày cuối cùng này để ôn thi thật tốt. Những ngày này có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cả kỳ thi. Vì thế, các em hãy cố gắng tập trung cao nhất để việc học không mất quá nhiều thời gian mà vẫn hiệu quả.

Các em nên có những hình thức ghi nhớ nhanh. Với môn Văn, khối lượng kiến thức nhiều, nên điều quan trọng là hãy rà soát lại để nắm chắc kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài của các phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Những ngày cuối cùng các em nên đọc lại các bài viết hay để tăng thêm cảm hứng khi viết bài thi cuối cùng.

Cần hướng đến những suy nghĩ tích cực và làm chủ cảm xúc của bản thân

Những ngày cuối này, tâm lý của học trò thường rất lo lắng, đôi khi hoang mang vì càng học càng thấy trống rỗng. Những lúc như thế, hãy tin vào bản thân mình và nghĩ đến những điều tốt đẹp: “Mình sẽ làm được bài”; “Thi xong rồi mình sẽ về quê thăm ông bà, sẽ cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm chút cho căn phòng của mình hơn”;… Suy nghĩ tích cực rất cần trong những ngày này để bản thân tự tin hơn và sẽ có tâm thế tốt nhất để bước vào “trận chiến” đặc biệt.

Giữ cho bản thân ở trạng thái an toàn tốt nhất

Những ngày này nên hạn chế ra ngoài. Thời tiết đang rất khắc nghiệt khi liên tiếp có những ngày nắng như đổ lửa. Do đó, các sĩ tử nên tránh để cơ thể ốm, mệt mỏi vì nắng nóng. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, vì thế sĩ tử nên tránh đến những nơi đông người, tránh tụ tập và phải tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch, thực hiện 5K để bản thân an toàn và khỏe mạnh, đủ điều kiện được dự thi.

ThS Nguyễn Thị Thúy (Giáo viên Trường THPT Chuyên Thái Bình)

To Top