Những mảnh ghép chân thực về 'vua truyện ngắn Việt Nam' qua trang viết của bạn bè, đồng nghiệp

Cuốn sách 'Về Nguyễn Huy Thiệp' là tập hợp hơn 30 bài viết gồm đa dạng, phong phú các thể loại: tản văn, ký, phê bình văn học và phỏng vấn... mà các tác giả nhớ về, nghĩ về, viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng một số bài viết, ảnh tư liệu của/về chính ông. Hơn cả nén tâm nhang, tiếng lòng yêu mến, da diết nhớ thương mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho người đã khuất, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu hơn, đến gần hơn với cuộc đời, quan điểm sống và viết của ông 'vua truyện ngắn Việt Nam', 'chàng hiệp sĩ' trong những đêm đầy gió – Nguyễn Huy Thiệp.

Cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” (nhiều tác giả, NXB Dân trí) như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân 100 ngày ông rời xa nhân thế.

Con người là thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật với mặt xã hội và chẳng bao giờ có thể khước từ, trốn chạy khỏi quy luật sinh – tử nghiệt ngã của cuộc đời. Tuy nhiên, với người nghệ sĩ nói chung, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, quy luật sinh – tử ấy không được hiểu theo ý nghĩa đơn thuần về vòng đời sinh ra và mất đi mà được tính từ khi độc giả chứng kiến sự xuất hiện trên bầu trời nghệ thuật cho đến khi độc giả hoàn toàn lãng quên họ. Nói như vậy để thấy được rằng: Cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” (nhiều tác giả, NXB Dân Trí) xuất bản nhân 100 ngày ông rời xa cõi tạm chính là sự khẳng định về sức sống bền bỉ từ những trang văn – trang đời của ông trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và độc giả trong nước và cả quốc tế.

Sau cuốn “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, “Về Nguyễn Huy Thiệp” là cuốn sách thứ hai tập trung các bài viết về chân dung tác giả “Tướng về hưu”. Cuốn sách tập hợp hơn 30 bài viết gồm đa dạng, phong phú các thể loại: tản văn, ký, phê bình văn học và phỏng vấn... của nhiều tác giả tên tuổi như: Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Ngô Văn Giá, Khuất Bình Nguyên, Lê Thiếu Nhơn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Võ Thị Xuân Hà, Thụy Khuê... Không chỉ có bạn bè, đồng nghiệp trong nước, cuốn sách còn có sự hiện diện của nhiều tác giả nước ngoài như: Marion Hennebert, Peter Zinoman, Thomas A.Bass, Thierry Leclere...

“Về Nguyễn Huy Thiệp” là cuốn sách của ký ức, kỷ niệm, hoài niệm... Mỗi người nghĩ về, nhớ về, viết về theo cách khác nhau, tạo nên những mảnh ghép chân thực, sinh động giúp bạn đọc hiểu hơn, đến gần hơn với cuộc đời, quan điểm sống và viết của “ông vua truyện ngắn Việt Nam”.

Đó là một con người giản dị, gần gũi hết mực nhưng cũng là số phận cô đơn, mang nhiều thương đau. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hiện diện trong ký ức của Đặng Ngọc Thái với hình ảnh “ngồi lặng lẽ đăm chiêu, trên bàn là cuốn sách đang đọc dở, mấy củ khoai lang luộc chờ mời bạn và cốc bột sắn dây truyền thống” (Nhớ anh Thiệp). Sau tiếng gọi váng lên “chú Thiệp ơi” của Vi Thùy Linh, độc giả thích thú khi bắt gặp bóng dáng nhà văn “khuất trong khu vườn cây cao um tùm, da ngăm đen hắt nắng chiều, mắt sáng đan cành xanh khế mọng” (Những ngọn gió thổi từ Hua Tát). Gần gũi thế, giản dị thế, mến yêu thế nhưng dường như đọc bất kỳ bài viết nào trong cuốn sách cũng thấy một nỗi buồn thẳm sâu, nỗi cô đơn thường trực đè nén trong ông, đúng như Đỗ Thu Hà viết: “... Chỉ với 40 truyện ngắn đã công bố của Nguyễn Huy Thiệp, văn đàn Việt Nam thế kỷ 20 có thể tự hào vì ông, ngọn núi sừng sững cô đơn đợi những cơn gió hoang vu thổi ngược lên từ thung lũng Hua Tát, hay tiếng hát vọng về từ rất xa, rất xưa, thời Nguyễn Du phong phanh manh áo mỏng thất thần giữa phố phường Thăng Long”. Chính ông, trong một buổi giao lưu sách đã từng bộc bạch: “Nghề văn là một nghề thổ tả! Để viết thật chân thực anh phải dày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi”.

Khác với con người giản dị, gần gũi ngoài đời thực; với văn chương, Nguyễn Huy Thiệp sắc sảo, đanh đá, phũ phàng, nghiệt ngã, “ác khẩu”... “Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân” – không “huỵch toẹt”, “trắng phớ” và cay nghiệt như thế thì đâu phải văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Ông là một “người hiền náo động cõi văn chương”. Sự náo động của một tài năng, một nhân cách cao đẹp.

Với hàng loạt truyện ngắn hay, sâu sắc, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả như: “Tướng về hưu”, “Những bài học nông thôn”, “Con gái thủy thần”, “Sang sông”, “Không có vua”, “Huyền thoại phố phường”, “Muối của rừng”, bộ ba tác phẩm: “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”..., nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sắm vai “chàng hiệp sĩ” cùng “thanh gươm ngôn từ” lặng lẽ ngược chiều gió thổi, ngược bão táp mưa sa, mặc khổ đau đến “bầm nát tim mình” kiên định trên con đường “đi tìm đạo cho dân chúng”.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã dành cả nghiệp văn của mình để đi “tìm đạo”. Ẩn sau những câu văn sắc sảo, đanh đá, nghiệt ngã, ác khẩu... là một tấm lòng tha thiết yêu thương con người, trân trọng cuộc sống này. “Văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật... Văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người... Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người... Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên. Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình” (Điếu văn vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà thơ Việt Nam).

Khi còn là một tác giả trẻ, khi “Tướng về hưu” vượt giông bão bước vào làng văn, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến từng gửi tặng ông câu nói sau trở thành “kinh điển”, theo ông suốt nghiệp văn: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Ông mong muốn Nguyễn Huy Thiệp được thử thách trong giông tố công luận “để trưởng thành hơn, tin hơn ở bản thân mình và con đường mình đi, tin bạn bè và đồng chí hơn, càng tin tưởng hơn ở tương lai của văn học dân tộc”.

Giờ đây, khi Nguyễn Huy Thiệp đã rời xa nhân thế, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ độc giả thương mến đều mong ông được an yên, tự tại, thanh thản ở một cõi khác. Làm sao để có được điều đó? Chẳng có cách nào ngoài việc mỗi con người đang hiện diện trong cõi đời này hãy thức tỉnh lương tri, hãy sống thật tốt với mình, với người, với đời... Đó chính là nén tâm nhang quý giá nhất để tưởng nhớ ông – người đã dành cả đời người – đời văn của mình đi tìm đạo cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Nguyên Linh

To Top