Những ngôi sao bạc

Anh lính ạ, bọn em hiểu anh định gửi gắm những điều gì qua bài thơ, nhưng đừng bi quan như thế. Những người con gái ở hậu phương như chúng em vẫn trân trọng, đánh giá cao sự ra đi và luôn hướng về những người ra trận.

Con tầu Thống nhất đã từ từ chuyển bánh để lại mọi sự huyên náo hỗn độn ở lại sân ga. Trên tàu lúc này mọi người cũng đang dần ổn định chỗ ngồi. Một cặp vợ chồng còn trẻ với mớ hành lý lủng củng đang chuyển dịch về phía giữa toa rồi dừng lại trước một hàng ghế. Chị vợ cầm tờ vé soi tìm chỗ ngồi. Thấy vậy, chàng trai trẻ liền chỉ vào phía ghế đối diện, rồi nói:

- Chỗ này còn trống 2 ghế, chắc là của anh chị.

Không đáp lại, anh chồng nói giọng hơi xẵng:

- Em mau đưa mấy cái túi này lên xích đông ngay đi, anh mỏi tay lắm rồi.

Chàng trai nhanh nhẹn đứng dậy, giúp họ nhấc từng túi đồ nặng trĩu lên xích đông phía trên cao. Vẫn còn một túi nữa đành phải tống dưới gầm ghế vì phía trên đã hết chỗ. Anh chồng cằn nhằn:

- Thế này thì bẩn và nát hết, còn gì là quà với cáp nữa!

Cụ già đang gà gật ở sát của sổ cũng phải đứng lên trả lại chỗ cho họ. Anh chồng dằn mình ngồi phịch xuống ghế, giạng chân ra vẻ bực bội. Chị vợ mặc dù đã cố thu người cho nhỏ lại nhưng chỗ ngồi của cụ già cũng chỉ còn rộng không bằng 1 quyển vở, khiến cụ phải lấy cây gậy chống, phụ giúp thì mới có thể ngồi ngay ngắn được. Chị liền nói nhỏ vào tai chồng:

- Anh ngồi gọn vào, để lấy chỗ cho cụ ngồi.

Nhưng anh chồng vẫn ngồi yên như là không nghe thấy. Thấy vậy, chàng trai đứng lên:

- Cụ ơi, chỗ cháu đây, cụ đổi chỗ cho cháu.

Nói xong anh không quên liếc xéo gã chồng một cái. Chỗ của anh sát bên cửa sổ đối diện với người chồng, đó là một chỗ ngồi tốt, rất tiện ngắm phong cảnh và mua bán trên tàu nhưng anh vẫn đổi cho cụ. Quả thực sang chỗ mới, anh cũng chỉ ngồi được một bên mông. Anh nghĩ bụng “ngồi 1 lát thì còn chịu được chứ suốt chặng đường dài mấy trăm cây số thì bố ai chịu nổi”? Và anh bắt đầu cuộc chiến để giành lại chỗ ngồi.

Trước tiên anh chống chân, xê dịch dần cái mông còn lại, chị vợ bị dồn ép nên đẩy chân anh chồng khép lại và dịch vào trong. Khi cái mông đã có chỗ thì tay anh bắt đầu khuỳnh ra. Có thể anh khỏe quá nên chị vợ phải lấy tay đẩy anh chồng ép sát vào vách. Chắc không muốn để vợ ngồi sát với người lạ nên anh ta đứng phắt dậy đổi chỗ cho vợ. Khi ngối xuống, gã cũng ném lại tia mắt hằn học, còn chàng trai thì mỉm cười đắc thắng. Một vài người cũng kín đáo cười theo.

Tàu lắc lư, tiếp tục cuộc hành trình. Lúc này, trời đã ngả về chiều muộn, Ngoài xa, biển thẫm xanh, con tầu vẫn nhẫn nại bò đi men theo bờ biển, có lúc cảm tưởng con tầu đi sát ngay mép nước. Tiếng người vợ reo:

- Anh ơi xem này, sóng biển đẹp chưa kìa.

- Đẹp thì xem một mình đi, để yên cho người ta ngủ.

Cằn nhằn xong, anh ta lại tiếp tục gục gặc cái đầu đang rũ xuống, thấy mà thấy thương cho chị vợ.

Bỗng người đàn ông ngồi đối diện ngọ nguậy trên ghế, anh co chân, đổi tư thế rồi nói như bâng quơ:

- Đúng thật, biển rất đẹp và biển cũng như bầu trời thôi, nhiều khi cũng chỉ một màu xanh thẳm, còn những con sóng thì cũng như những đám mây tô điểm cho bầu trời.

- Thế còn những vì sao? Người vợ quay lại hỏi

- À những vì sao thì lại cũng như những con thuyền đánh cá ngoài khơi, mỗi con thuyền đều có hành trình riêng cũng như mỗi vì sao có quỹ đạo riêng của nó. Về đêm, khi những thuyền câu lên đèn thì ta sẽ thấy biển giống hệt bầu trời.

Cuộc đối đáp vu vơ, lại có vẻ văn hoa, chẳng ăn nhập vào đâu và bất ngờ giữa 2 người đã làm cho không khí trên tàu dường như dịu lại, mọi người như là đã sẵn sàng bắt chuyện với nhau, không còn căng thẳng như lúc trước. Riêng người chồng thì vẫn ngáy pho pho. Chàng trai lim dim mắt vờ ngủ nhưng thực ra là để cố theo dõi sự đối đáp của 2 người.

Bây giờ, anh mới có dịp quan sát người đàn ông trước mặt vì khi trước anh ta ngồi cùng phía với anh và bị một bà to béo luôn ngọ nguậy ngồi sát che khuất (hình như bà này buôn gà vịt vì đôi khi cái mùi đặc trưng của phân gà vừa chua vừa khẳn theo gió sộc vào mũi).

Đó là một người cao, gầy, hai cái vai nhòn nhọn nhô cao trong bộ đồ lính đã bạc màu, đôi dép rọ Trung quốc dường như còn mới, cái mũ mềm có gắn sao, đội hờ hững, không che được mớ tóc dài loăn xoăn rủ trước trán. Cái Ba lô con cóc luôn được anh ta ôm khư khư trước bụng cũng đung đưa theo nhịp rung lắc của con tàu. Hình như anh ta đã ngủ vùi từ lúc lên tàu, mặt úp xuống ba lô và ngay cả lúc anh ta đối đáp cũng không thấy ngẩng lên.

- Anh bộ đội liên tưởng hay lắm, đáng ra anh phải là một chuyên gia nghiên cứu về đại dương?

- Vâng, nếu không có chiến tranh thì cũng có thể.

Người đàn ông chậm rãi đáp lại. Im lặng một lát, người vợ lại tiếp:

- Trước chiến tranh anh đã làm gì?

- Tôi đi học, một ngôi trường rất đẹp và hiện đại, một ngành học hấp dẫn.

- Và một cô người yêu nữa chứ? Chị vợ khúc khích, châm chọc.

- Vâng, cũng có lẽ.

- Sao lại cũng có lẽ?

- Bởi tôi không chắc người ta có yêu tôi thật lòng.

- Sao anh lại nghĩ vậy? Thế có nghĩa là lâu nay anh vẫn chưa gặp lại cô gái ấy?

- Vâng, chưa hề.

- Thế còn thư, sao anh không viết thư?

- Cũng chả để làm gì, tất cả dường như đã muộn, tôi cũng vừa mới biết người ta đã lấy chồng và dẫu không có chuyện đó thì tôi cũng không còn ý định gặp lại.

- Anh đã có người con gái khác?

- Không, không hề.

Đến lúc này thì tàu lại đỗ lại ở một ga xép, hành khách lại ùa lên tầu. Tiếng đòn gánh rơi, tiếng giục nhau huyên náo. Liếc nhìn đồng hồ thấy đã 9 giờ tối, chàng trai cất tiếng thở dài "Bây giờ mới đến đây thì bao giờ mới tới được Hà Nội"?

Lúc này, Đất nước mới thống nhất chừng 2 năm, nên nhu cầu đi lại giữa 2 miền còn căng thẳng lắm, việc trễ tàu nhiều khi tới nửa ngày vẫn diễn ra thường xuyên.

Tàu ra khỏi ga và sự im ắng đã trở lại, hầu như mọi người cũng đều đã ngủ. Chắc thấy câu chuyện cũng có vẻ hay hay, chàng trai liền nhỏm dậy lắng nghe. Bỗng có tiếng của chị vợ:

- Phải, Chiến tranh, chiến tranh đã chôn vùi bao dự định, chia lìa bao lứa đôi. Lẽ nào anh lại ở trong số đó?

Ngập ngừng một lát, người đàn ông trả lời, giọng buồn buồn:

- Tránh sao được hả chị.

Nói xong liền thở dài. Phía bên kia, cũng có tiếng thở dài đáp lại.

- Hỏi thật anh nhé, anh có tiếc không?

- Tiếc chứ, mối tình đầu mà.

- Nếu có thể, anh kể lại được không?

- Chỉ sợ làm phiền mọi người thôi.

Chàng trai bỗng lên tiếng:

- Kể đi anh bộ đội, mọi người đã ngủ hết rồi, chỉ còn lại ba chúng ta, anh không cho là tôi đã theo dõi câu chuyện của hai người ngay từ đầu là bất nhã đấy chứ?

- Thôi cũng được, anh cứ nghe đi. Tôi sẽ kể:

“ Năm ấy, miền Bắc huy động một đợt tuyển quân khổng lồ từ sinh viên các trường đại học và tôi là một trong số đấy. Trong kỳ huấn luyện tân binh, sau khi bắn đạn thật đạt loại giỏi, tôi được thưởng 3 ngày phép. Nhà ở gần trường nên ngay tối đầu tiên, tôi đã mò vào Ký túc xá. Không nói cũng đủ biết bọn ở lớp mừng vui như thế nào. Sau một hồi huyên náo thì tôi cùng 2 thằng bạn thân rủ nhau đi dạo. Trường tôi học nằm cạnh một công viên lớn của Thủ đô, sát ngay con đê cũ từ thời Pháp. Thời đó còn vắng vẻ lắm, suốt cả một đoạn phố dài tịnh không có một nhà dân nào, chỉ có mấy cái cột đèn, ánh sáng đỏ đòng đọc. Cả bọn đang lang thang thả bộ như phát vãng thì nghe tiếng pháo nổ đì đùng, lạc lõng vọng lại từ đâu đó, chắc là từ một đám cưới. Một thằng bỗng nói:

- Buồn quá chúng mày ạ, tao có một đề nghị, bây giờ thi làm thơ, lấy tiếng pháo làm chủ đề, thằng làm hay nhất có quyền bắt 2 thằng còn lại chiêu đãi kem.

Tất cả đều đồng ý vì ở lớp, 3 thằng chúng tôi đều khá nổi về cái khoản làm thơ tán gái. Vốn đang cám cảnh phận lính, tôi tưởng tượng ra tiếng pháo đó là ở trong tiệc cưới của người yêu, nên hý hoáy viết xong ngay và đọc cho cả bọn nghe. Nghe xong, tất cả đều lặng đi và bọn chúng đã nhìn thấy mi mắt tôi cũng đang rơm rớm. Cuối cùng thì một thằng nói:

- Thôi khỏi bàn cãi hoặc nghe thêm bài nào nữa, bài này là hay nhất rồi nhưng nghe kinh bỏ mẹ và có vẻ có vấn đề đấy! Việc còn lại là tiền có bao nhiêu, tao có 1 đồng nhưng phải giữ lại 3 hào cắt tóc và đóng Đoàn phí, chỉ cúng vào 7 hào thôi.

Tất nhiên là tôi không chịu, tôi bắt bọn kia phải đọc bài của mình nhưng bọn chúng nhất quyết không nghe. Loanh quanh một hồi rồi cũng góp được 1 đồng rưỡi, thế là hứa hẹn sẽ được 1 trận kem ra trò.

Trên đường đến Quán Gió ven hồ, chúng tôi bắt gặp 3 cô gái đi ngược chiều, nhìn dáng điệu có vẻ là sinh viên cùng trường. Một thằng đánh bạo tiến đến:

- Xin chào các bạn, đoán các bạn cũng là sinh viên trường ta, hôm nay chúng tôi quyết định mở một tiệc kem để chiêu đãi một người, chúng tôi muốn được mời các bạn cùng tham dự, mong các bạn không từ chối?

Sau khi ngắm chúng tôi kỹ lưỡng từ đầu đến chân, thấy có vẻ cũng đáng tin cậy, một cô nhí nhảnh reo lên:

- Ôi ăn kem, thích thế, nhận lời thôi chúng mày ơi!

Quay sang chúng tôi cô nói luôn:

- Chúng em cám ơn các anh và xin nhận lời ạ!

Thế là cả bọn kéo nhau vào Quán Gió. Sau khi gọi cho mỗi đứa 2 que kem loại 1 hào thì 1 đứa trong bọn tôi mới kể lại chuyện thi làm thơ, các cô mới nhao nhao bắt đọc lại bài thơ đó. Lúc bấy giờ bọn họ mới phát hiện ra tôi là bộ đội, bởi đôi quân hàm binh nhì trên ve áo. Giữa nền đỏ rực của 2 miếng tiết, 2 ngôi sao bạc bằng nhôm sáng long lanh, đậu trên ve áo có thể đã khiến gương mặt rám nắng của tôi dưới ánh điện càng thêm rắn rỏi. Khi một ai đó trao cho họ mảnh giấy ghi lại bài thơ, tôi thấy họ chuyền tay nhau đọc kỹ lắm, rồi một cô gái nói:

- Không cần các anh phải nói ai là tác giả, bọn em cũng đã đoán ra, đó là anh bộ đội này, vì chỉ có anh ấy mới có đủ cảm xúc để viết lên những câu thơ cào xé ruột gan như vậy!

Kể đến đây, dường như bị xúc động nên người đàn ông ngừng lại và lục tìm cái gì trong túi áo. Trong suốt quá trình kể chuyện anh không ngẩng lên mà vẫn cúi mặt xuống chiếc ba lô trước ngực. Lát sau, có vẻ như tìm được một viên thuốc, anh kín đáo bỏ nó vào miệng và nghiêng bi đông nước tu một hơi.

Lúc này, chàng trai mới xen vào:

- Cái bài thơ đấy, anh còn nhớ không, có thể đọc cho chúng tôi nghe được không?

- Có thể vẫn nhớ, dù đã nhiều năm trôi qua, dù cũng đã trải qua nhiều biến cố.

Nói xong, anh yên lặng một lúc như để lục lại trong trí nhớ, rồi thong thả đọc:

“Em lên xe hoa trong tràng pháo nổ

Xác pháo tàn hay cánh hoa rơi?

Từng chiếc nối đuôi, châm đầu vào lửa

Bỗng hóa thân, cốt để lại tiếng cười.

Em về bên hạnh phúc của Người

Có thấu, tim anh đang giằng xé?

Tiếng phảo nổ ròn, điệu cười ai thế?

Xác pháo cuối cùng là tiếng thét lòng anh!

Xe hoa chìm dần trong ánh nhạc xanh...”

Một không khí im lặng bao trùm, chị vợ thoáng nhìn nhanh ra cửa sổ, rồi lấy khăn chấm mắt. Có thể bị bụi vào mắt hoặc cũng có thể là xúc động.

Đúng lúc này thì Nhân viên coi toa cũng đã đi nhắc nhở hành khách đóng các cửa sắt của cửa sổ lại, đề phòng bị trẻ con dưới đường ném đá hoặc các vật bẩn lên tàu. Một lúc sau, chị vợ khẽ hỏi:

- Sau đó thế nào nữa, kể tiếp đi anh?

- Sau đó thế nào à? Sau đó thì tôi đã yêu 1 người trong số 3 cô gái ấy, nhưng chuyện đó còn dài.

Trầm ngâm một lát, anh tiếp:

“Lúc đó, cô xinh nhất mà cũng chính là cái cô nói đã đoán ra tác giả bài thơ, quay sang tôi:

- Anh lính ạ, bọn em hiểu anh định gửi gắm những điều gì qua bài thơ, nhưng đừng bi quan như thế. Những người con gái ở hậu phương như chúng em vẫn trân trọng, đánh giá cao sự ra đi và luôn hướng về những người ra trận.

Dường như thấy tôi vẫn còn chìm đắm trong sự hoài nghi, nàng đã đặt tay lên vai tôi, vừa nói vừa lắc nhẹ.:

- Đừng đánh mất đức tin, anh lính nhé, Anh luôn nhớ tới những ngôi sao bạc trên ve áo!

Như một đứa em phạm lỗi bị chị nhắc nhở, tôi có vẻ tự ái:

- Vâng, những ngôi sao, nhưng đó chỉ là những ngôi sao BẠC.

Tôi đã cố tình dài giọng ra khi nói tới chữ BẠC.

- Lại thế rồi, anh lính!

Nói xong nàng thong thả bỏ đi, để lại tôi ngồi một mình. Lũ bạn tôi cùng với các cô gái khác cũng đã bỏ về từ lúc nào. Lòng tôi trống rỗng và buồn bã vô cùng. Bất giác tôi nghĩ đến các vì sao trong truyện ngắn cùng tên của Aphôngxơ Đođê và ước rằng nàng chính là một trong các vì sao ấy.

Hôm sau, tôi thay bộ thường phục, vào Ký túc xá thật sớm để cùng lũ bạn bầy mưu tính kế. Chúng tôi đã lượn khắp Nhà ăn để tìm tông tích 3 cô gái tối hôm qua, nhưng không thấy, “Chả lẽ 3 cô ấy không phải sinh viên trường mình”? Nhưng đến tối thì bọn chúng ra nhà, báo cho biết là đã tìm ra. Hóa ra các nàng ở khoa bên cạnh và hôm ấy đã lấy cơm về phòng nên chúng tôi không tìm thấy ở Nhà ăn thì cũng phải.

Hôm sau nữa, chính là ngày phép cuối cùng, tôi diện quân phục, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, vào Nhà ăn và tiến thẳng về phía các nàng. Từ xa, như là đã nhìn thấy tôi, 2 cô gái kia đã lỉnh đi để lại một mình người tôi cần gặp. Tôi thông báo ngắn gọn về sự trả phép và xin địa chỉ để về đơn vị sẽ viết thư. Sau đó quay gót, kiêu hãnh bước thẳng ra bến xe “Phải cứng rắn, nhất định không thể để nàng có thể coi thường”. Bên tai tôi lúc này như văng vẳng câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Người ra đi, đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”.

Nghe kể đến đây bất cứ một kẻ hóng chuyện nào cũng thấy rất khoái. Cái anh lính này thật tuyệt, cứ thử hình dung bóng anh đã trải dài theo vệt nắng bên thềm đá, vừa liêu trai lại vừa có vẻ kiếm hiệp, như Hạng Võ trong “Tiếng Địch sông Ô" ”Tráng sỹ đi, tráng sỹ đã đi rồi”.

Đang mải loay hoay với hình ảnh vừa nghĩ ra đó, không có ai để ý chị vợ đã kín đáo lấy khăn ra lau nước mắt. Lần này dứt khoát là xúc động chứ làm gì có hạt bụi nào!

Dừng lại một lát, như không để ý đến xung quanh, người đàn ông lại kể tiếp:

“Về tới đơn vị là tôi lao vào viết thư ngay cho nàng, sau đấy còn gửi nhiều thư nữa, lần nào cũng được nàng hồi âm, chúng tôi còn làm cả thơ tặng nhau. Nàng khen tôi đã có nhiều chuyển biến trong tư tưởng, không còn thấy chất tiểu tư sản đậm như trước kia, nhưng tôi thì biết rõ đấy là lên gân thôi chứ mấy tháng tân binh làm sao mà gột rửa hết được.

Cũng phải công nhận, Từ hôm trả phép, tôi tiến bộ hẳn lên. Phần vì đã chuyển sang huấn luyện với khí tài mới nên tụi lính sinh viên nắm bắt rất nhanh, đặc biệt mỗi khi nhớ đến nàng là trong tôi lại tràn đầy nhiệt huyết. Tôi lao vào tập luyện như điên khiến Chỉ huy và đồng đội cũng phải ngạc nhiên. Lúc nào tôi cũng muốn nghĩ ra một việc gì đó để được lập công, để được thưởng phép, và để về thăm nàng. Trong đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến nàng. Có lúc tôi phải bật cười khi nghĩ tới một nghịch lý Mẹ cha sinh thành và dưỡng dục mình đến ngày hôm nay thì công lao cũng có thể sánh với Trời Bể, thế mà mình chẳng nhớ nhung bằng nhớ nhung một người con gái chỉ mới tháng trước thôi vẫn còn xa lạ.

Trong những lá thư nhận được, tôi thấy nàng có vẻ đọc nhiều và hiểu rộng, thế là những lúc nghỉ, tôi cũng tích cực la cà trên Thư viện của đơn vị, đọc hết quyển này đến quyển khác. Hết sách văn học, logic học lại đến triết học và Chính trị kinh tế học, miễn sao có nhiều kiến thức để có thể đàm đạo với nàng. Tôi cứ tưởng tượng ra lúc nàng mở to cặp mắt tròn xoe để thán phục sự hiểu biết của tôi.

Bài thơ về tiếng pháo không ngờ lại trở thành tai tiếng bởi bị nàng phê bình kịch liệt. Nàng cho rằng bài thơ ấy không chỉ sáo về ngôn từ, ủy mị về tình cảm mà còn có vấn đề về quan điểm, lập trường “Anh là người lính, hình tượng từng quả pháo theo nhau châm đầu vào lửa, hóa thân để lại tiếng cười ám chỉ cái gì?... Lại còn chuyện 2 ngôi sao bạc nữa, Anh cố tình dài giọng để ám chỉ chữ BẠC là bạc bẽo chứ gì?...” Nói chung là tôi bị “chần” cho đến nơi đến chốn. Tôi đã phải hứa với nàng là sẽ khắc phục tiến tới loại bỏ hoàn toàn tư tưởng hữu khuynh, tiểu tư sản.

Cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, sau nhiều lần đắn đo, dèn dứ thì tôi đã chính thức ngỏ lời yêu. Phải 1 tháng sau tôi mới nhận được lời chấp thuận của nàng, 1 tháng ấy tôi đã sống trong nỗi phấp phỏng đợi chờ. Câu trả lời của nàng đã khiến tôi trở thành một kẻ hạnh phúc nhất trên cõi đời. Nhưng chiến tranh đã cướp mất của tôi hạnh phúc ấy, chúng tôi được cấp tốc điều ra mặt trận mà không kịp đến gặp nàng để từ biệt. Tôi ra trận đã mang theo tình yêu cùng với lời thề nguyền hẹn ước.

Trong đáy Balo này của tôi có một chiếc hộp sắt đã hoen gỉ chứa những lá thư của nàng gửi ra mặt trận theo hòm thư đơn vị và sau này, nó lại chứa đầy những lá thư của tôi viết cho nàng mà không bao giờ gửi.

Đúng! Những lá thư đó đã không bao giờ được gửi, tôi đã viết và giữ suốt bên mình như là chút kỷ niệm còn sót lại của mối tình lớn nhất, mối tình đầu tiên và cũng có lẽ là mối tình duy nhất. Tôi đã không còn xứng với nàng nữa, tôi không muốn nàng phải khổ sở, không muốn cột chặt cuộc đời nàng với tôi. Vì sao ư? Vì tôi đã trở thành một phế nhân, một thương binh nặng và rất khó mang lại hạnh phúc cho một ai. Một mảnh đạn pháo đã tiện đứt chân trái của tôi nhưng tệ hơn cả là bom Napal đã hủy hoại khuôn mặt tôi, đã cướp đi của tôi một con mắt”.

Bây giờ thì người phụ nữ đã không thể kìm nén được nữa, chị đã bật lên tiếng nấc khiến anh chồng choàng dậy:

- Lại chuyện gì nữa đây? Rõ khéo mau nước mắt. Trong chiến tranh, hy sinh mất mát là lẽ thường. Liệt sỹ thì đã được Tổ Quốc ghi công, Thương binh thì đã được hưởng trợ cấp...

Chứng tỏ là gã đã tỉnh giấc từ lâu, chỉ vờ ngủ để tránh cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người mà thôi, và như vậy gã đã nghe được phần sau của câu chuyện. Nhưng chị vợ lại càng khóc to hơn,

Đến lúc này, ngay cả chàng trai trẻ cũng không thể kìm được cơn giận của mình nữa, anh huých cho gã 1 phát và gần như quát lên:

- Này anh! Anh có thôi ngay cái mớ lý luận giẻ rách đó được không? Anh có biết rằng đối với những người đã ngã xuống hay đã để lại một phần cơ thể của mình nơi chiến trận, thì nhân dân và đất nước này dẫu có tri ân đến bao nhiêu chăng nữa thì cũng không thể bù lại những mất mát, hy sinh mà họ đã phải gánh chịu.

Có lẽ nhìn thấy lửa trong ánh mắt của anh mà gã đã phải ngồi im chịu trận. Mấy người khác cũng hùa vào phê phán thái độ của gã, duy chị vợ thì vẫn còn thổn thức.

Người thương binh từ nãy đã không nói gì, mặt vẫn nhìn xuống balo, bỗng lên tiếng :

- Thôi em đừng khóc nữa, Trâm Anh! Anh đã nhận ra em ngay từ lúc em mới lên tàu.

Lúc này không chỉ gã chồng mà hầu như hết thảy đều ngơ ngác, họ hết nhìn chị vợ, nhìn anh chồng rồi chuyển sang người thương binh. Chị vợ ngước lên, khuôn mặt xinh đẹp đẫm lệ của chị bỗng trở nên đẹp lạ lùng. Chị quay sang nói với chồng:

- Đây là anh Hùng, người mà bao nhiêu lần anh đã ghen tỵ với anh ấy. Cả lần này nữa, anh vẫn không thể bằng được.

Đúng lúc này thì tàu đã đến Gôi, một ga xép. Anh chồng đứng dậy sửa soạn hành lý, giục vợ xuống tàu. Mọi người bảo anh cứ xuống trước, rồi sẽ giúp vợ anh chuyển hành lý qua cửa sổ xuống sau. Trù trừ một lát, anh ta cũng miễn cưỡng nghe theo.

Khi người chồng vừa biến khỏi, người vợ đã sụp xuống ôm lấy anh thương binh. Và cũng với khuôn mặt đẫm lệ ấy, chị thổn thức nói :

- Anh Hùng! Cám ơn anh đã nhận ra em, em cũng nhận ra anh ngay sau khi anh đọc bài thơ, em biết là anh đã cố tình gợi lại những kỷ niệm của chúng ta. Không ngờ sự tình sau này lại thảm thương đến thế. Hóa ra lý do về sự không nhận được tin tức của anh bấy lâu là do anh đã cố tình giấu em và mọi người về việc mình đã bị thương. Thế mà lúc đầu em đã hờn giận, trách móc, thậm chí tuyệt vọng và đã nghĩ là anh đã hy sinh hoặc đã thay lòng đổi dạ. Sao anh ác thế? Bây giờ thì còn làm gì được nữa, em đã lấy chồng, anh ấy là lãnh đạo của em, cũng là người tốt nhưng đôi lúc cũng nhỏ nhen, ích kỷ. Chúng em mới cưới nhau, lần này về thăm quê.

Ngừng lại một lát, chị tiếp:

- Đã đến lúc em phải xuống tàu, thời gian không còn nhiều nữa, em xin được nói lời này: Cho em xin lỗi vì đã không chờ đợi được anh. Em không ngờ bài thơ năm xưa lại vận đúng vào anh như vậy, cả những ngôi sao bạc nữa. Anh đã dự cảm đúng như là một định mệnh!

Mọi người vừa chuyển đồ giúp chị, vừa dõi theo câu chuyện, ai cũng bàng hoàng và xúc cảm. Dưới sân ga, người chồng đã giục toáy lên:

- Nhanh lên em ơi! Làm gì mà lâu thế, tàu sắp chạy bây giờ!

Nhân viên coi toa cũng đang đứng cạnh chúng tôi từ bao giờ, trên khuôn mặt anh cũng nhạt nhòa nước mắt. Anh tiến tới người thương binh và thốt lên:

- Anh Hùng, Đại đội trưởng Hùng, anh còn nhớ em không, em là Huy “tóp” đây. Lúc lên tàu, nhìn thấy những vết sẹo trên cánh tay anh em đã ngờ ngợ, không ngờ còn được gặp lại anh. Cả đơn vị đều mong tin anh từ ngày anh được chuyển về tuyến sau.

Rồi quay sang những người xung quanh, anh nói:

- Đây là Đại đội trưởng cũ của tôi, một Chỉ huy tài ba, một người anh hùng. Tôi là lính cũ của anh ấy, sau giải phóng tôi đã chuyển ngành sang làm công việc này.

Chàng trai trẻ nói với anh ta:

- Phiền anh báo cho đầu tàu để xin thêm ít phút nữa, hãy để cho họ có đủ thời gian từ biệt nhau.

Anh ta nghe xong thì gật đầu và lao ngay đi.

Người phụ nữ nói giọng khẩn thiết:

- Anh Hùng! Anh nói gì đi chứ? Sao anh cứ im lặng mãi thế? Anh hãy ngẩng lên để em ngắm khuôn mặt của anh nào?

Người Thương binh chậm rãi, bỏ ba lô xuống và từ từ đứng dậy, anh cất chiếc mũ ra khỏi đầu. Không biết ai đó đã thét lên.

Trời ơi! Kinh khủng quá, nhiều người đã quay mặt đi! Dấu vết của bom Napal đã tàn phá gương mặt anh một cách thảm hại. Nửa bên trái của khuôn mặt là một đám da bùng nhùng những sẹo, mũi cũng chỉ còn 2 cái lỗ đỏ hỏn phập phồng, môi đã bị biến dạng, tai trái cũng không còn, chân trái của anh là chân giả được gắn chặt vào chiếc dép rọ. Trên khuôn mặt, từ con mắt lành và từ cái lỗ, nơi trước kia từng là con mắt trái, ứa ra 2 hàng nước đùng đục chảy xuống ướt hết cả cằm và cổ áo. Anh cứ đứng vậy mặc cho chị đã áp mặt của mình vào mặt anh hồi lâu. Không hiểu đó có thể gọi là hôn được không? Nếu phải thì nụ hôn này đã có một giá quá đắt!

Dưới sân ga, người chồng đã lại gào lên, chị vợ cuống quýt dúi vào tay anh mảnh giấy ghi địa chỉ và số điện thoại cơ quan rồi lại cuống cuồng chạy đi, còn lại anh thẫn thờ đứng mãi, mảnh giấy tuột khỏi tay chao liệng vài cái rồi rớt xuống sàn tàu, cũng chẳng có ai buồn nhặt.

Tất cả vẫn chưa qua khỏi những giây phút bàng hoàng. Hồi lâu, chàng trai đỡ anh ngồi xuống, chiếc Balô lại được đặt vào chỗ cũ. Cả toa hầu như im lặng.

Đến ga Nam Định thì chàng trai trẻ cũng xuống.

Không ai biết sau này họ có còn gặp lại nhau không? Họ có đến được với nhau như hẹn ước? Chị có dám bỏ người chồng ích kỷ, tàn nhẫn mà gắn chặt vào cuộc đời anh?

Ước gì chị sẽ là những vì sao mà Thượng đế gửi xuống, đậu lên vai anh như đã từng đậu trên vai chàng chăn cừu trong truyện ngắn của Văn hào người Pháp, để những ngôi sao trên ve áo của anh sẽ không còn là NHỮNG NGÔI SAO BẠC.

Và trên tàu, người lính cũ Huy “tóp” sẽ tận tình săn sóc anh. Tại nơi cuối hành trình của đoàn tàu, anh sẽ được những đồng đội của anh, những người Thủ trưởng cũ cùng các nhân viên Điều dưỡng đón và ôm anh trong vòng tay thân thiết.

Rồi anh sẽ được phẫu thuật chỉnh hình khuôn mặt, sẽ được nối tai và trả lại con mắt. Anh sẽ trở lại với cuộc sống đời thường, anh sẽ đi học lại và có thể trở thành một Chuyên gia giỏi. Rồi anh sẽ tìm thấy chị hoặc giả một người con gái khác có tấm lòng nhân hậu và tràn đầy tình yêu thương.

Rồi anh sẽ lại xuất hiện trong các Lễ kỷ niệm của những người lính sinh viên, bên những đồng đội cũ./.

DCB Đăng lại câu chuyện này nhân kỷ niệm 49 năm ngày "Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ", 6/9/1971- 6/9/2020.

CCB Cong Bac Duong

To Top