Những người đưa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an đến gần hơn với bạn đọc

Họ là những CBCS thuộc quân số của Công an tỉnh Điện Biên nhưng công việc luôn gắn liền với hình ảnh của camera, máy ảnh, cây bút. Đó là những nhà báo mang sắc phục Công an, những 'nhà báo' không được cấp thẻ nhưng lại là người chủ công, xung kích trong công tác tuyên truyền các hoạt động xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an tỉnh Điện Biên.

Hôm nay, họ đang thực hiện phóng sự về hoạt động huấn luyện, chiến đấu của lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Điện Biên. Để chuẩn bị tốt cho mỗi phóng sự thì ngay từ khi nhận nhiệm vụ, mỗi phóng viên đã chủ động chuẩn bị kỹ về kịch bản, tài liệu liên quan cũng như việc liên hệ với đơn vị phối hợp để thực hiện việc ghi hình đảm bảo nhanh chóng, đầy đủ và chính xác nhất.

Với biên chế hiện tại gồm 5 CBCS và 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách trực tiếp, mặc dù quân số mỏng, khối lượng công việc nhiều nhưng mỗi CBCS luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ đảm bảo chất lượng chuyên môn cao nhất. Mỗi CBCS luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác đối với người làm báo: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào”… với động cơ và cái tâm trong sáng nhất của người chiến sỹ CAND, từ đó tích cực tự học, tự rèn, tự đào tạo, tự rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng trong mỗi chuyên trang, chuyên mục.

Nhóm phóng viên Công an tỉnh Điện Biên trên đường tác nghiệp.

Bén duyên với “nghề báo” và cũng trưởng thành từ các tin bài, phóng sự ANTV Điện Biên, hơn ai hết, Trung tá Dương Thành Trung hiểu rõ những công việc thường ngày của CBCS tổ tuyên truyền, Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị. Là anh cả, cũng là người gắn bó với nghề lâu năm nhất trong tổ, anh luôn chia sẻ, động viên cũng như khích lệ sự sáng tạo của anh em trong công việc, bởi theo anh: “Những tác phẩm báo chí thành công thường xuất phát từ sự đam mê, nhiệt huyết và phải thật sự có “máu lửa” với nghề. Bên cạnh đó thì mỗi người chiến sĩ Công an làm báo còn cần phải học tập, rèn luyện nghiệp vụ và có lập trường, quan điểm chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”.

Mỗi lần đồng hành cùng các đơn vị nghiệp vụ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực cách ly, hay tăng cường xuống cơ sở, họ - những người chiến sĩ Công an làm báo cũng thức trắng đêm, ăn lán ngủ rừng, cũng chấp nhận sự hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và hơn hết, thông qua những hình ảnh, trang viết của mình, các anh, các chị mong muốn lột tả được những khó khăn, nguy hiểm, sự hi sinh lặng thầm, những cố gắng không ngừng nghỉ và đưa những hình ảnh đẹp của mỗi chiến sĩ Công an nơi mảnh đất biên cương xa xôi của Tổ quốc đến với bạn đọc.

Có lẽ, chỉ có những ai đã từng lăn lộn với thực tế làm nghề mới hiểu được, để độc giả tiếp nhận được những phản ánh về tình hình ANTT thông qua hình ảnh, chữ viết là một chặng đường đầy thử thách ý chí của những người làm công tác báo chí - tuyên truyền trong lực lượng CAND. Năm 2019, 2020 vừa qua, thực hiện chủ trương xây dựng nhà xã hội hóa cho người nghèo do Bộ Công an phát động, hàng trăm lượt CBCS Công an tỉnh Điện Biên xung phong lên đường vào những bản làng xa xôi nhất của hai huyện Mường Nhé, Nậm Pồ để làm nhà cho người dân. Đường sá xa xôi, thời tiết vào mùa mưa, các điểm được xây dựng nhà hầu hết đều phải dùng sức người vận chuyển nguyên liệu.

Để có thể phản ánh kịp thời tiến độ làm nhà cho bà con nhân dân, tổ tuyên truyền đã cử phóng viên liên tục vào địa bàn các xã xa xôi nhất để viết bài, đưa tin tuyên truyền. Từ đó, nhiều thước phim, bức ảnh, bài viết chân thực đã kịp thời phản ánh được ý nghĩa, hiệu quả tích cực của chủ trương này tới đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

“Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của mỗi người làm báo. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Chúng tôi sử dụng ngòi bút của mình để phản ánh chân thực, chính xác và kịp thời nhất hình ảnh của đồng đội mình trên trận tuyến đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.…”. Đó là những chia sẻ của Thượng tá Đỗ Thị Giang, Phó trưởng Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Điện Biên.

Đọc, tìm hiểu và trực tiếp được làm báo, chị nhận ra một điều: “Đây là một nghề không đơn giản chỉ là “cầm bút, cầm máy, gõ phím”, mà đó là nghề của sự sáng tạo, nghề của niềm đam mê và cống hiến”. Mỗi chuyến cùng xuống cơ sở, chúng tôi càng thêm hiểu, thêm cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết và cả sự dấn thân, hy sinh. Bởi vậy, đàn ông làm báo vất vả một thì phụ nữ làm báo còn vất vả hơn nhiều lần. Bởi họ vừa phải đảm nhận vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ, nhưng khi có nhiệm vụ thì khi trời đã về đêm, họ vẫn mở máy tính viết bài, sẵn sàng xách ba lô lên đường công tác hay xông pha tác nghiệp ở hiện trường bất cứ lúc nào.

Trung tá Dương Thành Trung, phóng viên Công an tỉnh Điện Biên tác nghiệp tại hiện trường.

Gần 1.300 buổi phát sóng chuyên mục truyền hình “An ninh Điện Biên”, chuyên mục phát thanh “Vì An ninh Điện Biên”; hơn 11.000 tin, bài, phóng sự về Gương người tốt - việc tốt, ống kính phóng viên, ống kính cảnh sát, lần theo dấu vết tội phạm và các phóng sự được phát trên sóng truyền hình của tỉnh, của Trung ương. Những tấm huy chương Vàng, Bạc tại Liên hoan Phát thanh Truyền hình CAND do Bộ Công an tổ chức, những giải A, B tại các kỳ liên hoan phát thanh - truyền hình tỉnh Điện Biên hay các giải báo chí Trung ương và địa phương chính là động lực, là niềm vui đối với nghề, để mỗi người chiến sĩ đằng sau ống kính ấy có nhiều cống hiến hơn nữa góp phần lan tỏa hình ảnh người CBCS Công an Điện Biên bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Những dấu chân lặng lẽ xuống cơ sở, những ánh mắt miệt mài tâm huyết với công việc, những đêm không ngủ để mỗi chương trình được phát sóng, mỗi tin tức sự kiện nóng hổi được đăng tải - đó là tất cả những cống hiến, nỗ lực cố gắng của mỗi CBCS làm báo Công an Điện Biên. Phía sau ống kính, họ càng thấm thía hơn về nghề “phu chữ” đầy nhọc nhằn nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Từ đó càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, càng quý trọng những con người làm báo trong CAND.

Và mỗi chiến sĩ ấy luôn cháy lên trong mình ngọn lửa đam mê với nghề, ngọn lửa nhiệt huyết để xứng đáng với phẩm chất người chiến sỹ ở Công an tỉnh Điện Biên Anh hùng.

Thu Trang

To Top