Những 'núi rác' văn hóa trên không gian mạng từ việc livestream

'Facebook của tôi. Mạng xã hội của tôi thì chia sẻ gì là quyền của tôi. Nói gì là quyền của tôi'. Đây chỉ là một trong số những lời biện minh của nhiều người khi ngày ngày có những livestream thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Những lý lẽ không thể chấp nhận được cho việc phát đi nội dung trực tiếp để văng tục, chửi bậy, khoe thân, 'bóc phốt', bán hàng giả hàng nhái... trên không gian mạng.

Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội phát triển giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Những hình ảnh đẹp, nhưng nội dung bổ ích từ nhiều lĩnh vực cũng được chia sẻ và tiếp nhận bởi nhiều người. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, ngày càng có nhiều vấn nạn trên mạng xã hội, mà nổi bật lên trong thời gian gần đây chính là việc bát nháo livestream. Từ việc bán hàng “rởm” đến "bóc phốt", khoe thân đều được trưng lên và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Hỗn tạp văn hóa nơi không gian mạng

Bất kể sự việc gì “hot” đều được phát sóng trực tiếp từ bất cứ ai mà không cần xem xét đến nội dung hay tính nhân văn của nó. Điển hình là hình ảnh đám tang của một nghệ sĩ ở Việt Nam. Trong lời chia buồn có lẽ ai cũng mong người xấu số yên nghỉ. Nhưng nghỉ yên làm sao được khi mà có hàng ngàn người đưa máy lên để livestream. Thậm chí một nghệ sĩ nổi tiếng khác khi dự đám tang này còn livestream và cố tình đưa camera tận khuôn mặt của người đã khuất.

Đó chỉ là một trong số nhiều vấn nạn khi việc phát đi hình ảnh trực tiếp trên mạng xã hội hay còn gọi là livestream ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Ai ai cũng có thể livestream, nội dung thì hậu xét.

Kem trộn, hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Phổ biến nhất của việc livestream hiện nay là bán hàng online. Thứ gì cũng có thể bán qua mạng nhưng chất lượng thì không ai kiểm soát. Kem trộn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đều có thể bán qua livestream để thu lợi nhuận, có ngày livestream chốt được hàng trăm đơn hàng. Đó là lý do họ bất chấp tất cả.

Cũng không thiếu các cô gái lên mạng khoe thân, bao gồm cả những người đẹp xuất hiện dày đặc trên báo. Đó mới chỉ là trên những nền tảng phổ biến, nhiều người dùng. Còn khi vào những nền tảng livestream chuyên biệt, những phòng chat riêng tư hơn thì có cả những cô gái sẵn sàng cởi đồ, làm những hành động gợi cảm, làm những hành động theo yêu cầu để đổi lấy quà tặng của người xem. Không chỉ dừng lại ở đó, những người livestream trong những nền tảng chuyên biệt còn dụ người xem vào chơi những trò cá cược hay bài bạc bất hợp pháp.

Nguy hiểm hơn đó là những kẻ sử dụng livestream để chửi bới, thách thức nhau. Thậm chí bôi nhọ chế độ gây thù hận chia rẽ dân tộc. “Facebook của tôi. Mạng xã hội của tôi thì tôi chia sẻ gì là quyền của tôi. Nói gì là quyền của tôi”. Đó là lời biện minh của nhiều người. Mà rõ ràng đó là lý lẽ không thể chấp nhận được khi mà làn sóng văng tục, chửi bậy, thách thức nhau, khoe thân, bóc phốt đã như một loại virus đã len lỏi khắp nơi trên mạng xã hội.

Ai cũng thấy, ai cũng biết và rất nhiều người cảm thấy bức xúc. Nhưng vấn đề là làm thế nào để chấn chỉnh hiện tượng này? Đây là bài toán khó có câu trả lời ngay.

Ai là người hưởng lợi?

Sau những livestream hàng ngàn đơn hàng, thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì không ai biết được những mặt hàng đó có gây hại cho sức khỏe người dùng hay không, chất lượng ra sao.

Nội dung "bóc phốt", công kích nhau ngày càng phổ biến trên Facebook. (Ảnh: Đỗ Thủy)

Rất nhiều người trở thành nạn nhân, kể cả người nổi tiếng sau những ngôn từ gây tổn thương, xúc phạm người khác của những chủ tài khoản livestream trên Facebook. Những livestream đó lại nhận được hàng ngàn lượt like, lượt share. Người đồng tình, người phản đối. Nhưng nghịch lý là rất ít nạn nhân tìm đến luật sư, tòa án để bảo vệ danh dự của mình.

Quả thực, nếu ý thức của người dùng mạng không được nâng cao thì không gì dọn nổi “núi rác văn hóa khổng lồ” của hàng triệu tài khoản xả ra mỗi ngày. Hậu quả của nó đã có thể thấy ngay. Rất nhiều tài khoản TikTok, Facebook xuất hiện video, livestream nói tục, chửi bậy, thách thức nhau của các em nhỏ trong độ tuổi 10-15 tuổi.

Đã đến lúc thế giới livestream cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Giải pháp cho môi trường văn hóa trên không gian mạng

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “ Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Trong quyết định số 874 QĐ-BTTTT được ban hành, ở Điều 4, Chương II – Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân có ghi: Sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của các tổ chức, cơ quan; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không sử dụng từ ngữ thù hận, kích động.

Tuy nhiên, với sự hỗn tạp livestream hiện nay thì Bộ quy tắc ứng xử này cần cụ thể hóa hơn cho từng đối tượng, từng nghề khác nhau như: nghệ sĩ, người bán hàng…

Bên cạnh những biện pháp từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, mỗi người cần có ý thức thực hiện quy tắc để tự điều chỉnh hành vi của mình trên mạng xã hội. Người dùng mạng xã hội cần có cách ứng xử phù hợp những nguồn nội dung, thông tin tiêu cực, trái với chuẩn mực văn hóa, góp phần tạo nên một môi trường văn minh trên không gian mạng./.

Đỗ Thủy

To Top