Nữ giảng viên tư vấn về bất ổn trong gia đình khi ở nhà nghỉ dịch

TS Tâm lý học Hoàng Minh Tố Nga cho rằng ở nhà không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các thành viên trong gia đình căng thẳng. Mâu thuẫn xảy ra từ trước nhưng họ đã né tránh.

Từ tháng 6 đến nay, với chương trình tham vấn tâm lý miễn phí cho những ai đang stress trong đại dịch Covid-19, TS Hoàng Minh Tố Nga - giảng viên khoa Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cùng nhóm hỗ trợ, đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp cần can thiệp vào mỗi tuần.

Theo nữ tiến sĩ, các yếu tố gây nên stress trong giai đoạn này là mọi người phải ở nhà thời gian dài, lo lắng về việc lây nhiễm virus, cảm giác bất ổn định về tương lai, không thể tập trung làm việc vì con cái mè nheo; khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình thì không thể tiếp tục né tránh.

"Nếu trước đây, mọi người có thể ra ngoài giải tỏa tâm lý qua những tiếp xúc xã hội và thư giãn trong thiên nhiên, thì bây giờ, khi đối diện với các yếu tố gây stress, chúng ta không thể trốn tránh. Việc không có những kỹ năng ứng phó thích hợp vì chưa bao giờ học những kỹ năng này, khiến mọi người khó chống đỡ trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp", TS Tố Nga nói.

Bà Hoàng Minh Tố Nga là Tiến sĩ trị liệu hệ thống Gia đình và Cặp đôi được cấp bởi ĐH Minnesota (Hoa Kỳ). Ảnh: NVCC.

Tin tưởng trao trách nhiệm cho con

TS Tố Nga nhận định, con cái mè nheo thường do bố mẹ chưa có đủ thời gian chú ý tích cực đến con, lắng nghe và đối thoại với trẻ. Hành động này ở trẻ có thể xuất phát từ nhu cầu mong nhận được sự chú ý của bố mẹ.

Nữ tiến sĩ nhận định, trong thời gian này, phụ huynh vừa có thể làm việc, vừa trò chuyện, lắng nghe, đối thoại và xây dựng mối tương quan hiệu quả với con. Điều này sẽ được thực hiện khi bố mẹ và con cái đã thỏa thuận và hoạch định thời gian rõ ràng.

"Người lớn có những khó khăn trong đại dịch thì trẻ con cũng thế. Việc không được ra ngoài chơi với bạn, đến trường hay gặp gỡ bạn bè… là một số vấn đề có thể làm trẻ căng thẳng, bức bối, cáu gắt và mè nheo. Phụ huynh và con cái cần ngồi lại, bày tỏ cảm xúc của mình, trao đổi với nhau để lắng nghe mong đợi của đối phương, trước khi xác định khung giờ làm việc và thời gian dành cho nhau trong gia đình", TS Tố Nga nói.

Để có thể cho trẻ cảm giác thuộc về gia đình, theo nữ tiến sĩ, phụ huynh cần giao trách nhiệm cho con với thái độ tin tưởng. Bố mẹ có thể bắt đầu trao trách nhiệm và hướng dẫn trẻ những công việc đơn giản. Các bé có thể phụ làm việc nhà, đọc thêm sách, làm thêm bài tập cho những môn chưa học tốt trong năm. Từ đó, trẻ sẽ vui vì được đóng góp sức lực cho gia đình.

"Điều quan trọng nhất là phụ huynh vừa diễn tả tình yêu thương bằng ngôn ngữ con có thể hiểu được, đồng thời không quên xác lập những giới hạn và khung kỷ luật đối với con. Cả bố mẹ và con cái đều cần tôn trọng những quy luật này trong gia đình và tôn trọng nhu cầu của nhau", TS Tố Nga nói.

Theo đó, khi giao việc, phụ huynh nên cung cấp lý do vì sao trẻ cần thực hiện công việc này và thời gian thực hiện là bao lâu, bố mẹ sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần nêu rõ hậu quả nếu trẻ không hoàn thành công việc được giao và tìm những cách khác nhau để khích lệ, ghi nhận, khen thưởng nếu trẻ cố gắng thực hiện công việc đó.

TS Tố Nga khuyên phụ huynh nên tận dụng khoảng thời gian này để bên cạnh con cái nhiều hơn. Đây cũng là lúc bố mẹ có thể thực hiện những dự định bản thân đã mong muốn được làm cùng với con, giúp con thay đổi những hành vi không phù hợp, trong bầu không khí yêu thương, lắng nghe và đối thoại đúng cách.

TS Hoàng Minh Tố Nga, cùng nhóm hỗ trợ họp trao đổi về các trường hợp cần can thiệp tâm lý vào mỗi tuần. Ảnh: NVCC.

Quản lý cảm xúc khi có mâu thuẫn

Nhiều người cho rằng, việc các thành viên trong gia đình liên tục ở cạnh nhau vào thời gian nghỉ dịch, đã làm xuất hiện thêm mâu thuẫn. TS Hoàng Minh Tố Nga nhận định, việc ở nhà không phải là nguyên nhân chính.

"Mâu thuẫn đã xảy ra từ trước, nhưng thời điểm đó, chúng ta không đối diện để giải quyết, mà tìm cách né tránh. Bây giờ, khi không thể né tránh bằng bất cứ cách nào, các thành viên buộc phải đối diện với mâu thuẫn, từ đó, vấn đề bùng phát và rõ ràng hơn", TS Tố Nga nói.

Chương trình tham vấn tâm lý miễn phí của nữ tiến sĩ. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo nữ tiến sĩ, nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn này là do thiếu đối thoại, lắng nghe và thấu hiểu giữa cách thành viên.

"Đôi khi, cách dạy của ba mẹ lại làm con cái cảm thấy sợ và xa cách. Nhiều trường hợp, con cái xung đột với ba mẹ đến mức dị ứng, cả hai bên đều hiểu lầm là đối phương không yêu thương và lắng nghe mình. Chúng ta được dạy một văn hóa ít khích lệ nói lên ý kiến, nhu cầu và cảm xúc của bản thân. Vì vậy, cảm xúc thường bị dồn nén, cho đến khi không chịu nổi nữa, bản thân chúng ta sẽ trở nên hung hăng, hoặc ức chế đến mức làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tâm thần", TS Tố Nga nói.

Để giải quyết vấn đề này, nữ tiến sĩ khuyên mọi người nên học lại các kỹ năng giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và lắng nghe.

"Dám bộc lộ cảm xúc là tôn trọng bản thân và đó không phải là việc làm ích kỷ. Chúng ta có thể học cách điều tiết cảm xúc tiêu cực để bộc lộ cảm xúc đúng mực, tôn trọng và không làm tổn thương người nghe, với niềm tin là cả hai bên đều muốn tốt cho nhau", TS Tố Nga nói.

Nữ tiến sĩ nhận định, khoảng thời gian nghỉ dịch, mọi người có thể tận dụng để tạo cơ hội cho bản thân học cách truyền đạt tốt, và thực hành những kỹ năng kết nối yêu thương hiệu quả. Đây là một "cơ may" giúp mỗi người đối diện và giải quyết vấn đề thay vì né tránh như trước kia.

TS Hoàng Minh Tố Nga, cùng nhóm hỗ trợ gồm 11 sinh viên sắp tốt nghiệp Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đang thực hiện chương trình tham vấn tâm lý miễn phí cho các đối tượng gặp lo âu, hoảng sợ, stress trong thời gian dịch bệnh. Những người có khả năng chi trả có thể đóng góp một mức phí tượng trưng cho dịch vụ này. Chương trình dự kiến hoạt động đến khi tình hình dịch Covid - 19 ổn định trên cả nước.

Nguyễn Hằng

To Top