Patricia Highsmith - thiên tài cô độc của giới văn học

Nhà văn Patricia Highsmith được biết đến là bậc thầy của thể loại tiểu thuyết trinh thám và tâm lý kinh dị.

Patricia Highsmith (1921-1995), tên thật là Mary Patricia Plangman, là nhà văn nhận được nhiều sự công nhận của độc giả, cũng như giới phê bình ở thể loại truyện trinh thám và kinh dị.

Patricia thường được biết tới với Tom Ripley, nhân vật thông minh, tài năng nhưng cũng rất tàn nhẫn trong series truyện cùng tên.

Năm cuốn tiểu thuyết kể về câu chuyện của Tom Ripley - kẻ mạo danh, người yêu nghệ thuật và kẻ giết người hàng loạt đáng sợ. Series truyện này đã được chuyển thể thành phim.

Các ngôi sao nổi tiếng như Matt Damon, Jude Law, Gwyneth Paltrow và Cate Blanchett đã đảm nhiệm những vài diễn quan trọng trong The Talented Mr. Ripley (Ngài Ripley tài ba) năm 1999.

Trong quá khứ, Patricia có tuổi thơ không êm đềm. Ảnh: DW.

Cây bút tài năng

Patricia Highsmith có tuổi thơ không mấy suôn sẻ. Bố mẹ Patricia ly hôn trước khi bà ra đời. Năm 1927, bà theo mẹ và cha dượng chuyển đến sống tại New York, Mỹ. Tuy nhiên, cuộc sống mới tại thành phố hoa lệ không khiến Patricia có nhiều kỷ niệm đẹp.

Từ bé, Patricia đã được đánh giá là đứa trẻ có năng khiếu và thường tìm đọc các tác phẩm văn học dành cho người lớn từ khi còn nhỏ. Ở tuổi 14, bà cảm thấy mình bị thu hút bởi những cô gái ở trường. Mẹ của Patricia đã cố gạt bỏ suy nghĩ này trong đầu con gái mình. Nhưng bản thân bà luôn tự thấy mình "là người đàn ông trong cơ thể phụ nữ". Đây là điều mà nhà văn này đã viết lại trong cuốn sổ ghi chép năm 1950.

Chủ đề chính trong các tiểu thuyết của Patricia Highsmith thường là vấn đề nhạy cảm hoặc những nhân vật phản anh hùng, luôn sẵn sàng làm mọi việc để thỏa mãn ước muốn của mình.

Trong tiểu thuyết The Price Of Salt (Tận đáy cảm xúc), Patricia tập trung câu chuyện tình yêu đồng giới giữa Therese, thiếu nữ 19 tuổi, và Carol (có một con, chuẩn bị ly hôn). Đáng nói, tác phẩm này ra đời vào năm 1952, khi những vấn đề liên quan chủ đề đồng tính đang bị nhìn nhận hết sức căng thẳng.

Bên cạnh đó, những suy nghĩ xung quanh "cái ác" hay "nhân vật phản diện" cũng luôn là chủ đề mà Patricia đau đáu. Tại sao những người bình thường lại trở thành kẻ giết người? Khi nào họ từ bỏ đạo đức của mình?... Những câu hỏi trên nhanh chóng trở thành trọng tâm trong hầu hết tác phẩm của bà.

Bước đột phá của Patricia Highsmith là cuốn tiểu thuyết Strangers on a Train (Người lạ ở trên tàu) được xuất bản năm 1950. Tác phẩm kể về tội ác hoàn hảo của hai người đàn ông. Họ gặp nhau trên tàu và cùng lên kế hoạch cho một vụ giết người.

Đạo diễn Alfred Hitchcock đã chuyển thể tiểu thuyết này thành phim điện ảnh năm 1951 và mua bản quyền câu chuyện của tác giả 30 tuổi với giá 8.000 USD.

Thời điểm đó, cô vừa tốt nghiệp Đại học Barnard ở New York, Mỹ và đang làm việc trong cửa hàng truyện tranh kiếm sống qua ngày.

Strangers on a Train là tác phẩm hiếm hoi mà một phần độc giả có thể thấu hiểu cho những giằng xé, khó xử, bứt rứt trong tâm tư của kẻ phạm tội.

Không dừng lại ở đó, Patricia thực sự tạo ra phong cách sáng tác của riêng mình với hình tượng nhân vật chính là kẻ giết người hàng loạt như Tom Ripley, kẻ máu lạnh sẵn sàng tiêu diệt mọi kẻ thù. Minh chứng rõ nhất cho thành công của The Talented Mr. Ripley là việc nữ nhà văn được đề cử giải thưởng Edgar Allen Poe Award.

Patricia nổi tiếng với series tiểu thuyết về kẻ giả mạo thông minh có tên Ripley. Ảnh: Book Marks.

Thiên tài cô độc

Năm 1963, bà chuyển đến châu Âu sinh sống. Đầu tiên, Patricia đến Italy, sau đó là Anh, Pháp và cuối cùng tới Thụy Sĩ.

Trong các tác phẩm của mình, bà thường lựa chọn chủ đề chính: "Tội lỗi, bản ngã và sự đánh mất đạo đức". Và thực sự, Patricia đã thành công với điều đó, đặc biệt là series tiểu thuyết về Ripley.

Đối với nghiệp viết lách, dường như Patricia luôn tìm được cách để sử dụng ngôn từ tinh tế trong câu chuyện có nội dung chặt chẽ, tiết tấu nhanh. Các tác phẩm của bà hiếm khi là câu chuyện tình yêu đôi lứa thông thường, mà sẽ là những nhân vật đứng trên lằn ranh giới thiện ác. Chính chuyển biến trong tâm lý của họ là điều tạo nên sự khác biệt và thu hút đối với độc giả.

Trong cuộc sống, Patricia cũng "đặc biệt" không kém. Bà từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng mình có sở thích nuôi ốc sên. "Chúng thật thú vị. Bởi vì, chúng không thay đổi trong hàng triệu năm".

Với tính cách như vậy, không khó hiểu khi Patricia Highsmith có đời sống cá nhân khá rắc rối. Các mối quan hệ thân mật của bà thường không kéo dài lâu. Tệ hơn, chứng nghiện rượu của Patricia ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian và tuổi tác. Đó cũng là nguyên nhân khiến bà thường tự nhận mình là một người cô đơn, chán nản và vô cùng bi quan.

Mặc dù bị cho là người không thích điện ảnh nhưng với 28 bộ phim được chuyển thể từ chính các tác phẩm của bà, Patricia Highsmith vẫn là cái tên quen thuộc, đầy sức nặng đối với công chúng. Năm 1978, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng giám khảo quốc tế của Liên hoan phim quốc tế Berlin.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng nhanh chóng trở nên quá sức đối với nữ nhà văn này. Bà bị ám ảnh bởi công việc của mình và thường tự tách mình ra khỏi các hoạt động cộng đồng.

Patricia Highsmith dành những năm cuối đời ở Ticino, Thụy Sĩ. Bà ấy qua đời vì bệnh ung thư sau một thời gian dài chỉ có một mình chống chọi với nó trong bệnh viện.

Hứa Mộc

To Top