Phải thật sự đặt niềm tin vào người viết trẻ

Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi trò chuyện với tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những tâm huyết, dự định của ông và Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn khóa X dành cho đội ngũ cây bút trẻ, với mong muốn tập hợp, bồi dưỡng, xây dựng họ sớm trở thành rường cột của văn học nước nhà trong tương lai.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi trò chuyện với tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những tâm huyết, dự định của ông và Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn khóa X dành cho đội ngũ cây bút trẻ, với mong muốn tập hợp, bồi dưỡng, xây dựng họ sớm trở thành rường cột của văn học nước nhà trong tương lai.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NQT): Tôi năm nay 63 tuổi. Khi người ta chớm bước vào tuổi già thì đương nhiên phải nghĩ đến những người trẻ, những người sẽ tiếp bước con đường mình đang đi hôm nay. Chắc các thành viên của BCH cũng chung suy nghĩ với tôi là nhiệm kỳ hoạt động này cùng hướng về thế hệ trẻ. Cách đây một, hai chục năm, tôi và ông là những người trẻ, những nhà văn thế hệ đi trước đã chờ đợi chúng ta, còn bây giờ đã đến lúc chúng ta đợi chờ những người viết trẻ mới.

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Những năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) kết nạp khá nhiều hội viên mới, trong đó có gần 200 hội viên trẻ. Nhưng tôi có cảm giác dường như HNV không còn thật hấp dẫn các tác giả trẻ như trước nữa. Bằng cớ là họ vẫn sáng tác, công bố tác phẩm trên những nền tảng truyền thông khác nhau, nhưng nhiều người lại không mặn mà với chuyện vào hội...

NQT: Những người viết mà chúng ta đang gọi là trẻ thì chỉ mười, hai mươi năm nữa sẽ là chủ nhân quyết định số phận, chân dung của nền văn học tương lai, không ai có thể cưỡng lại quy luật đó. Chính vì thế đặt vấn đề về văn học trẻ, nhà văn trẻ và thực thi nó là nhiệm vụ hàng đầu của BCH nhiệm kỳ này. Lâu nay chúng ta đã có Ban Nhà văn trẻ, chúng ta vẫn tổ chức những hoạt động viết văn trẻ, người viết trẻ không giảm đi, nhưng hình như họ chưa có ý thức bước vào ngôi nhà chung của giới cầm bút là HNV. Lý do thì có nhiều, nhưng chắc chắn có một lý do là họ chưa cảm thấy được niềm tin của thế hệ đi trước. Tôi nghĩ, việc đầu tiên chúng ta phải làm là thật sự đặt niềm tin vào người viết trẻ. Khi họ biết đang được đợi chờ, tin tưởng, hy vọng thì họ sẽ đi cùng chúng ta và trả lời những câu hỏi chúng ta mong muốn trong tương lai.

HV: Trước kia, khi chưa có HNV, đã từng có những nhóm văn bút, tập hợp những người viết cùng chí hướng, nghề nghiệp... tạo nên những trào lưu văn học trước cách mạng. Sau này, trong đời sống văn học nước ta cũng có khá nhiều câu lạc bộ (CLB) văn chương của các cây bút trẻ, nhiều thành viên CLB đã trở thành những nhà văn chững chạc trên văn đàn. Liệu chúng ta có nên mở những sân chơi như vậy nhưng do HNV đứng ra với vai trò tổ chức, dẫn dắt và kết nối những người viết trẻ?

NQT: Tôi nghĩ rằng, bản thân câu hỏi của ông đã là câu trả lời. Đấy là một trong những bước đi mà tôi đang nghĩ đến. Chúng ta đã quan tâm tới giới trẻ nhưng còn ở mức rất hạn chế, theo “chính sách” là chính chứ chưa phải từ sâu thẳm bên trong chúng ta cần họ, đợi chờ họ và muốn đồng hành cùng họ. Tất nhiên ở thời đại công nghiệp 4.0, chúng ta phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận giới trẻ. Và CLB là một hình thức rất quan trọng. Ở đó, cho dù có thể có những khuynh hướng, quan điểm nghệ thuật, lứa tuổi, vùng miền, lĩnh vực khác nhau, nhưng họ vẫn có thể nhóm họp qua sự kết nối của HNV, mà đầu mối là Ban Nhà văn trẻ. Họ sẽ thấy rằng HNV đang tạo sân chơi cho họ, nơi họ thật sự được tôn trọng, chia sẻ, trợ giúp; và khi đó chắc chắn hoạt động sáng tạo của họ sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, sang năm 2021, chúng ta nên tổ chức ngay Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc để điểm danh đội ngũ những người viết trẻ.

HV: Cha tôi kể lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở chiến khu Việt Bắc, nhiều cây bút trẻ, trong đó có cha tôi đã được “ghép đôi” với những nhà văn đi trước để được trao đổi, truyền nghề. Họ còn là những “cặp đôi cùng tiến”, ký với nhau “giao ước” thi đua sáng tác. Mô hình ấy về sau từng được áp dụng ở Trường viết văn Nguyễn Du, khá hiệu quả. Phải chăng, từ những CLB văn học như ở trên, chúng ta sẽ mời các nhà văn tên tuổi tham gia ghép đôi sáng tạo với những cây bút trẻ?

NQT: Tôi biết lâu nay vẫn có những nhà văn trẻ tìm đến những nhà văn thế hệ trước như một người thầy, một người bạn vong niên, một người đồng đạo. Tôi cũng có những nhà văn trẻ như vậy và chắc là ông cũng thế. Nhưng đó mới là quan hệ tự phát. Nếu chúng ta thành lập các CLB văn chương dọc theo đất nước, mỗi nơi, người viết trẻ được kết nối với các nhà văn tên tuổi đi trước thì rất hay. Lâu nay các thế hệ đang bị tách rời, những khoảng cách đó chúng ta phải san bằng. Ban Nhà văn trẻ sẽ thực thi việc gắn kết các thế hệ nhà văn lại. Những nhà văn đi trước sẽ hiểu lớp trẻ hơn, thấy tương lai của văn học sẽ thế nào và có trách nhiệm với tương lai đó. Trong đời sống sáng tạo, những người viết cách biệt nhau 40 - 50 tuổi vẫn có những điều chung để chia sẻ, có thể chúng ta không trực tiếp “thò tay” vào trang viết của họ, nhưng sẽ gợi mở cho họ bằng kinh nghiệm, cảm hứng sống. Đây là một mô hình rất hay.

HV: Đầu vào như vậy, còn đầu ra, đương nhiên là tác phẩm. Muốn “ra” thuận lợi thì phải có bà đỡ tốt. Cách đây không lâu tôi có trao đổi với một số nhà xuất bản (NXB), họ hào hứng và sẵn sàng đứng ra đăng cai các cuộc gặp gỡ văn chương, đặc biệt của những người trẻ. Hiện nay, các NXB đang thiếu bản thảo tốt còn nhiều người viết trẻ lại thiếu những bà đỡ mát tay...

NQT: Điều ông nói khiến tôi nghĩ tới hai điều. Một, chúng ta cần có một Giải thưởng Nhà văn trẻ hằng năm bên cạnh giải thưởng HNV hiện nay. Giải thưởng sẽ tặng cho những tác phẩm đã được xuất bản, thậm chí đang ở dạng bản thảo của những nhà văn dưới 35 tuổi nhưng có những dấu hiệu về triển vọng văn chương trong tương lai. Chúng ta sẽ thẩm định, trao đổi về tác phẩm, sẽ in ấn, và kết nối với những NXB tốt nhất. Hai, chúng ta cần thành lập một quỹ phát triển văn học từ nguồn xã hội hóa với sự tham gia của những doanh nhân, các nhà tư vấn tài chính yêu văn chương và sẵn sàng đồng hành cùng các nhà văn. Một phần từ quỹ này sẽ dành làm giải thưởng, sau đó đầu tư đào tạo các nhà văn trẻ ở trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho họ tập trung ngồi viết, in sách cho họ, thậm chí tổ chức dịch và giới thiệu những tác phẩm tốt ra thế giới.

HV: Giải thưởng sẽ gồm những hạng mục nào?

NQT: Tôi nghĩ, cơ bản tập trung vào ba lĩnh vực: văn xuôi, thơ và lý luận phê bình, cho dù chúng ta cũng vô cùng cần những người dịch văn học giỏi. Trong tương lai, chúng ta phải tiến hành dịch, quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Nhưng đó là một câu chuyện khác.

HV: Trong những nội dung chúng ta đề cập phía trên, hỗ trợ đào tạo nhà văn trẻ rất quan trọng. Chúng ta có thể gửi họ đến các trung tâm văn chương, các trường đại học nổi tiếng trong, ngoài nước trong một khoảng thời gian nào đó. Nhưng còn một hình thức đào tạo trải nghiệm chủ động rất hiệu quả, đó là đưa họ tham gia các trại sáng tác, các festival văn chương trên thế giới. Liệu chúng ta có làm được không?

NQT: Hoàn toàn khả thi. Các festival, hội thảo (workshop) văn chương trên thế giới rất nhiều. Thông thường, Ban tổ chức sẽ lo việc ăn, ở, đi lại tại nước họ, chúng ta chỉ phải lo vé máy bay hai chiều và chọn ứng cử viên xứng đáng. Nếu các nhà văn trẻ bước được đến đó thì tôi cam đoan trong dăm ba ngày, họ sẽ được lắng nghe những tên tuổi lớn thuyết trình về những vấn đề văn chương đương đại. Đây là cơ hội, là trải nghiệm tuyệt vời mang tính khai mở trong cuộc đời người cầm bút. Bên cạnh đó, còn có nhiều cách khác. Nên chăng mỗi năm chúng ta mời những tên tuổi văn học lớn của văn học thế giới sang Việt Nam (điều này bên khoa học - công nghệ họ làm thường xuyên và khá thành công) thuyết trình về những thành tựu, trào lưu văn chương mới của thế giới...

HV: Nếu thực hiện được việc này thì không chỉ các nhà văn trẻ được lợi đâu, mà cả giới cầm bút nói chung. Xin cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của ông và chúc ông thành công!

HỮU VIỆT (thực hiện)

To Top