Phát huy vai trò thư viện cộng đồng

27 thư viện huyện, thị xã, thành phố; 275 thư viện xã, phường, thị trấn; 4.113 phòng đọc báo làng và nhiều mô hình thư viện tư nhân. Những con số này cho thấy, nếu phát huy hiệu quả chức năng của hệ thống thư viện cơ sở thì sẽ thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Tủ sách thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc (Hà Trung) thu hút người dân.

Hai mảng sáng - tối

Trước sự phát triển mạnh của internet, mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hệ thống thư viện đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều thư viện đã lựa chọn được hướng đi phù hợp, song cũng không ít thư viện đã lệch “đường ray” trên con đường phát triển văn hóa đọc.

Không để thư viện mất đi vai trò và giá trị, năm 2020 Thư viện huyện Thường Xuân đã sắp xếp, bổ sung mới, trang trí lại kho sách; đồng thời xây dựng thêm khu đọc sách ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, giúp bạn đọc thoải mái khám phá tri thức. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, thư viện có 156 bạn đọc làm thẻ và hơn 800 lượt bạn đọc tra cứu, đọc sách. Ngoài ra, đơn vị còn quan tâm xây dựng kho sách, luân chuyển sách, báo xuống 3 thư viện xã và các phòng đọc báo tại thôn, bản; đặc biệt là xây dựng kho sách, phòng đọc báo cho xã vùng biên, vùng khó khăn như, Yên Nhân, Bát Mọt. Đồng thời, thư viện huyện đã mượn sách của Thư viện tỉnh để tăng số lượng sách phục vụ lưu động cho Nhân dân và học sinh các khu vực khó khăn trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác vận động, khuyến khích mọi tầng lớp Nhân dân duy trì thói quen đọc sách, báo. Hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả và cách làm phù hợp, tủ sách thôn Kim Đề (xã Hà Ngọc, Hà Trung) đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa thu hút người dân. Tủ sách thôn được hình thành trong nhà văn hóa từ năm 2016. Chỉ chưa đầy 1 năm, tủ sách đã đa dạng các đầu sách, bản sách với hơn 400 đầu sách và hơn 500 bản sách. Nguồn sách chủ yếu do người dân đóng góp xây dựng. Ông Lê Quốc Việt, người dân thôn Kim Đề, chia sẻ: “Để người dân trong thôn đều được đọc những tư liệu hay, quý, tôi đã góp những cuốn sách mình đã đọc và vận động người dân có sách hay cùng đóng góp”. Từ việc ham đọc sách, nhiều người đã đóng góp sách để mọi người cùng đọc, cùng trao đổi thông tin, kiến thức, phong trào đọc sách tại thôn lan rộng từ người cao tuổi đến thanh niên và trẻ nhỏ.

Đứng trước thách thức của internet, mạng xã hội, nhiều thư viện, phòng đọc sách báo thôn đã mạnh dạn sáng tạo, đổi mới từ phương thức hoạt động đến cách bài trí, tổ chức các hoạt động đọc tại thư viện và đọc lưu động tại khu dân cư, trường học. Song, thực tế vẫn tồn tại không ít thư viện hoạt động cầm chừng, nhiều địa phương tủ sách thư viện xã luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, phòng đọc sách báo tại các thôn bị lãng quên. Thậm chí, nhiều địa phương thư viện từng là điểm sáng, hoạt động sôi nổi nhưng nay lại trở nên đìu hiu. Hoằng Hóa là một trong những địa phương như vậy.

Nhiều năm trước Hoằng Hóa có phong trào văn hóa đọc phát triển, các thư viện xã, tủ sách thôn, làng được quan tâm xây dựng. Nhiều nơi đã trở thành điểm đến cập nhập kiến thức của người dân. Tuy nhiên, gần đây do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hoạt động của hệ thống thư viện xã, phòng đọc báo thôn, làng gặp nhiều khó khăn, phần lớn rơi vào cảnh ảm đảm, luôn vắng người đến đọc, mượn sách. Tủ sách tại nhà văn hóa thôn Phượng Ngô 1, xã Hoằng Lưu được hình thành gần 10 năm nay. Song tủ sách rất nghèo nàn và dường như đã rơi vào lãng quên, khi những cuốn sách nằm ngay ngắn trong tủ được phủ lớp bụi trắng xóa. Tủ sách không chỉ có sách, báo mà còn để chứa các đồ dùng, dụng cụ khác. Điều đáng nói, đây lại là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều tủ sách, phòng đọc sách thôn trên địa bàn.

Cần quan tâm đổi mới hoạt động

Thư viện là một thiết chế quan trọng có chức năng sưu tầm, lưu trữ, bảo quản lâu dài các sản phẩm tri thức, nhằm phục vụ việc đọc và học tập suốt đời của người dân. Đồng thời, nó mang sứ mệnh cao cả là góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trước đây, khi các thiết bị nghe nhìn chưa phát triển, sách là phương tiện chính để con người tìm kiếm tri thức. Sách và thư viện chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là với sinh viên, học sinh. Nhưng, mạng xã hội, internet đã khiến sách và thư viện không còn giữ vai trò độc tôn. Bất cứ đâu, chỉ cần có thiết bị thông minh, internet con người có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin, kiến thức. Hệ thống thư viện có nguy cơ bị lu mờ nếu không có những chính sách, cơ chế hoạt động mới mẻ, phù hợp với tình hình thực tế.

Trước thực tế đó, thời gian qua Thư viện tỉnh đã tích cực xây dựng, đổi mới hoạt động mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của thư viện trong sự phát triển của văn hóa đọc. Tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ thư viện các cấp. Thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bố trí, sắp xếp kho tư liệu cho các thư viện cơ sở. Đồng thời, lựa chọn, bổ sung tài liệu, kho sách luân chuyển để xây dựng và phát triển vốn tài liệu cho các thư viện sơ sở. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh đầu tư khoảng 800 triệu đồng cho hoạt động bổ sung tư liệu, luân chuyển sách nói chung. Cùng với đó, Thư viện tỉnh còn hỗ trợ xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động đọc tại cộng đồng.

Để tăng cường các hoạt động tại thư viện cộng đồng, ngày 21-1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 266/BVHTTDL-TV chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2021. Theo đó, các thư viện công cộng chủ trì và phối hợp với cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm sách, báo, tư liệu, thi tìm hiểu, tuyên truyền giới thiệu sách, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, biên soạn các ấn phẩm thông tin chuyên đề, thư mục chuyên đề, tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, đường sách, phố sách, phục vụ lưu động... Đây được xem là chất xúc tác để vực dậy các thư viện cộng đồng đã và đang có nguy cơ đóng cửa.

Xây dựng thư viện ở cơ sở phát triển vững mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao dân trí. Do đó, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội để công tác xây dựng hệ thống thư viện ngày càng phát huy hiệu quả. Đồng thời, phát huy công năng của thiết chế, góp phần khơi dậy thói quen đọc sách, báo của người dân, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Bài và ảnh: Thùy Linh

To Top