Phát triển du lịch cộng đồng để tạo sinh kế bền vững

Trên cơ sở các lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, tỉnh Cao Bằng đã xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Địa phương này đánh giá lại hiệu quả của những điểm du lịch cộng đồng đang triển khai để có hướng phát triển hiệu quả hơn và nhân rộng hơn mô hình này.

Người Dao ở xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm lễ Tẩu sai - một nghi thức truyền thống đặc biệt quan trọng đối với dân tộc này. Ảnh: Bùi Tuấn Hùng

Cao Bằng có phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều cảnh quan nổi tiếng và nền văn hóa đặc sắc, rất phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Mảnh đất địa đầu đất nước này có 214 di tích, 94 di tích đã được xếp hạng (trong đó 3 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt); 2 Bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều, bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ).

Cao Bằng cũng sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể phong phú với 2.000 di sản, bao gồm chữ viết, ngữ văn, tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian... Hiện tại, địa phương này có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành; nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa). Đặc biệt, di sản Nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả những yếu tố đó tạo nên lợi thế và cũng là tiềm năng lớn để Cao Bằng khai thác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch khám phá.

Tận dụng lợi thế sẵn có, từ năm 2016, tỉnh Cao Bằng xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững. Đến nay, đã có 7 thôn, bản được đầu tư làm du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa của các dân tộc bản địa gồm điểm du lịch: Khuổi Khon (dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc); Phia Thắm (dân tộc Nùng An, xã Quốc Dân); Pắc Rằng (dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen); Bản Giuồng (dân tộc Tày, xã Tiên Thành), đều thuộc huyện Quảng Hòa; Lũng Niếc (dân tộc Tày); Làng đá Khuổi Ky (dân tộc Tày) thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; Hoài Khao (dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình).

Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, từ năm 2016 đến năm 2020, 7 điểm du lịch cộng đồng trên đón khoảng hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó có lượng lớn khách quốc tế. Lợi ích đầu tiên của việc làm du lịch cộng đồng là lợi nhuận mà nó mang lại cho địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ, hướng dẫn, bán sản phẩm địa phương... Cơ cấu kinh tế của các địa phương này cũng từng bước chuyển dịch từ thuần nông sang dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng giúp bảo tồn, khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống, phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy, du lịch cộng đồng ở Cao Bằng vẫn còn những hạn chế cần được rút kinh nghiệm để phát triển tốt hơn trong tương lai. Đó là các mô hình du lịch cộng đồng mới chỉ dừng lại ở mức bảo vệ cảnh quan và đầu tư một số homestay đón khách, hình thành một số tuyến trekking, cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ... So với nhu cầu của du khách, các điểm du lịch cộng đồng còn thiếu rất nhiều và cần có sự đầu tư bài bản hơn để có thể khai thác hết các tiềm năng sẵn có của mình.

Thực tế, các điểm du lịch cộng đồng còn thiếu các dịch vụ bổ trợ như các sản phẩm thủ công, quà lưu niệm, các hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, đa số các điểm du lịch cộng đồng chưa có biểu diễn văn nghệ dân gian, cảnh quan làng bản chưa được quan tâm cải tạo đúng mức... Đặc biệt, người dân tại các điểm du lịch cộng đồng còn hạn chế về kỹ năng mềm cũng như khả năng ngoại ngữ phục vụ du khách. Theo chính đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có điểm du lịch cộng đồng đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành một mô hình “thành công” và mô hình mẫu.

Tỉnh Cao Bằng xác định, trong giai đoạn 2021-2030, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là thương hiệu riêng của du lịch Cao Bằng. Để đạt được mục tiêu đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng xác định cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch. Cùng với đó, tập trung phát triển các cụm, tuyến, chương trình du lịch gắn với các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các cơ sở vật chất, đa dạng hóa các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn kết hợp giữa du lịch - thể thao - văn hóa.

Một nội dung trọng tâm nữa mà Cao Bằng xác định tập trung thực hiện là thành lập các đội văn nghệ thôn, bản, xây dựng các tour du lịch trải nghiệm trang trại, thưởng thức món ăn truyền thống, hình thành các điểm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền. Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước về công tác quản lý, phát triển du lịch; tăng cường đào tạo người dân địa phương về sáng tạo các sản phẩm du lịch, nâng cao kỹ năng phục vụ và ngoại ngữ.

An Nhiên

To Top