Phim Việt chiếu ở Mỹ, vui thôi đừng quá!

Nhân việc hai phim Việt là 'Bố già' và 'Lật mặt: 48h' được chiếu ở Mỹ và có doanh thu cao, nhiều khán giả không tiếc lời cảm thán: tự hào, quá đỉnh, phim Việt chinh phục thị trường khó tính nhất thế giới... Trong khi, một số người quan tâm đến điện ảnh bình tĩnh hơn: lòng tự hào của bạn cần thêm đôi chút sắc sảo!

Khán giả chính vẫn là Việt kiều

Khi tin “Bố già” đại thắng doanh thu ở Mỹ truyền về nước, tôi đã nhắn tin cho một người bạn đang học nghiên cứu sinh ở đây để hỏi về hiện tượng “tỏa sáng phòng vé” này. Bạn tôi nhắn lại: khán giả chính vẫn là Việt kiều. Tôi lại hỏi: vì sao khán giả thích “Bố già”, bạn trả lời: theo một số người thì là vì họ nghe đây là phim có doanh thu cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay nên tò mò, một số khán giả (nhất là người lớn tuổi) thì ra rạp để ủng hộ phim Việt.

Cảnh trong phim “Lật mặt”

Giống như ở Việt Nam, tại Mỹ, “Bố già” cũng đã làm nên chuyện khi bước vào tuần chiếu thứ ba với tổng doanh thu gần 900.000 USD và chuẩn bị trở thành phim Việt đầu tiên đạt 1 triệu USD tại kinh đô điện ảnh của thế giới.

“Mừng chứ, nhưng cũng cần tỉnh táo, vì “khán giả Mỹ” thì vẫn là người Việt mình mà, nếu bỏ đi đối tượng kiều bào thì có bao nhiêu người Mỹ da trắng, da đen thực sự bỏ tiền mua vé xem “Bố già””? Nguyễn Quốc Hưng (du học sinh tại New York) viết. Đáng chú ý, sau status này của Hưng, rất nhiều khán giả đã vào ném đá, họ mắng Hưng “dập tắt nhuệ khí của những người làm phim”, “đố kỵ”, “hãy cứ làm được như “Bố già” đi rồi nói” v.v...

Sự thật không thay đổi được là, ngay từ đầu, đại diện của Công ty 3388 Films - đơn vị đối tác với Galaxy Studio (Việt Nam), phát hành “Bố già” tại Mỹ cũng xác định đối tượng xem chính của “Bố già” tại đây chính là cộng đồng người Việt. Việc này thể hiện ngay ở những địa điểm chiếu của “Bố già”, chính là những vùng tập trung đông người Việt sinh sống nhất trên đất Mỹ: California, San Jose, Orange County, San Diego, Texas, Virginia, Georgia, Florida, Arizona…

“Việc “Bố già” đạt doanh thu tốt ở một thị trường ngoài nước là tín hiệu đáng mừng, song điều này không đồng nghĩa với việc bộ phim đã “chinh phục được thị trường phim khó tính nhất thế giới”. Chúng ta cần phải tỉnh táo về điều này, nếu không sẽ sa vào những cái bẫy “tự hào ảo” giống như một số nhà làm phim người Việt bỏ tiền mua một số giải thưởng điện ảnh không mấy tên tuổi (theo đó, phim nào muốn có chứng nhận, cứ nộp đủ tiền là có) rồi về vống lên là phim được giải quốc tế này nọ. Nhìn đúng giá trị và vị thế của mình để không bị hoa mắt” – Huy Hoàng (sinh viên Học viện New York Film) cho biết.

Một chi tiết đáng chú ý khác, sau khi “Bố già” ra rạp Mỹ, Todd McCarthy (71 tuổi) nhà phê bình và đạo diễn phim người Mỹ từng đoạt giải Emmy, đã có bài viết trên trang Deadline nhận định: “Đây là một bộ phim hài - chính kịch gây tranh cãi về chất lượng với nhiều cung bậc tình cảm đan xen. Tình huống hài trong phim được xây dựng kiểu sitcom, có thể chỉ là những trò đùa qua hình ảnh một cậu bé luôn chạy xung quanh xóm với chiếc quần tụt xuống, lộ cả mông; một phụ nữ không bao giờ lấy những ống quấn tóc bằng nhựa ra khỏi đầu; một kẻ say xỉn luôn chửi bới, muốn đập phá mọi thứ…

Chìa khóa dẫn đến thành công lớn của “Bố già” là phim mang đến lời khẳng định rằng bất kể bạn gặp vấn đề gì, người khác cũng gặp phải vấn đề có thể còn tồi tệ hơn bạn nhiều. Thông điệp của bộ phim chính là tình yêu thì không bao giờ cần nói ra lời xin lỗi”.

Cả bài viết của Todd McCarthy không có câu nào khẳng định chất lượng hay giá trị của “Bố già” như một số người ảo tưởng.

Phim “Bố già” được Việt kiều đón nhận tại các rạp chiếu ở Mỹ

Nếu khen phim thì đừng lờ đi ngôn ngữ điện ảnh

Sau “Bố già”, “Lật mặt: 48h” của Lý Hải là phim thứ hai có suất chiếu rộng ở Mỹ: đồng thời ra mắt ở 22 rạp thuộc các bang California, Texas, Colorado, Atlanta, Georgia, Washington, Virginia, Florida...

Thực tế là ngay ở trong nước, “Lật mặt” cũng chỉ được đánh giá là một bộ phim hành động có chất lượng trung bình khá, một món ăn tinh thần “dân dã”.

Lý Hải bắt đầu làm “Lật mặt” từ năm 2015. Loạt phim do anh làm đạo diễn, nhà sản xuất kiêm diễn viên. Nhân vật chính của phim thường là người lao động nghèo, bị truy đuổi hoặc có bi kịch gia đình. Sau 6 năm, “Lật mặt” được cho là đã tạo dựng thành công thương hiệu phim hành động bình dân, rất miền Tây.

Về chất lượng phim, nhiều nhà phê bình đánh giá: “ngôn ngữ điện ảnh trong “Lật mặt” yếu. Mặc dù được dàn dựng đầu tư, công phu, kinh phí có thể lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng góc máy, cách quay và dựng vẫn chưa tận dụng hết những cảnh hoành tráng này. Diễn xuất cũng mang tính truyền hình nhiều hơn điện ảnh. Lời thoại, tình tiết, biểu cảm không đắt giá, ít chắt lọc”.

Tuy nhiên, những phân tích về phim không ngăn được khán giả “tự hào”, nhất là khi “Lật mặt” được đem đến Mỹ. Một khán giả gọi Lật mặt là “Fast & Furious của Việt Nam” nhận được rất nhiều comment ủng hộ mặc dù người trong nghề đều thấy so sánh này khập khiễng và khá buồn cười.

“Công bằng mà nói, nếu khen một bộ phim thì không thể không nói đến ngôn ngữ điện ảnh của nó. Nhưng cả “Bố già” và “Lật mặt” đều không có gì đáng nói về ngôn ngữ điện ảnh. Giống như khi khen một cuốn sách, bạn không nói gì về sự độc đáo văn chương, cái mới và vẻ quyến rũ của nó, bạn chỉ tập trung vào những cú bẻ lái bất ngờ, chi tiết sexy hay ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu...

Tất nhiên, việc bộ phim hút khách ở bất cứ thị trường nào cũng là điều đáng mừng với nhà sản xuất. Có điều chúng ta cần sòng phẳng, đừng đem tiêu chí ấy đánh đồng với chất lượng phim”, Huy Hoàng nhận xét.

ĐẠT NHI

To Top