Phim Việt thu trăm tỷ đồng: Việt Nam 'quên' mảnh đất màu

Văn hóa có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng các ngành công nghiệp văn hóa lại chưa được quan tâm phát triển đúng mức.

Từ doanh thu kỷ lục của "Bố già"

Thời gian qua, bộ phim "Bố già" đã tạo được tiếng vang về doanh thu, số lượng người xem lớn cùng các đánh giá tích cực.

Trong một sự kiện ngày 31/3, nghệ sĩ Trấn Thành tiết lộ, tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim "Bố già" cho anh đảm nhiệm với nhiều vai trò khác nhau, từ nhà đầu tư, sản xuất đến biên kịch và đóng vai chính, đã đạt doanh thu gần 400 tỷ đồng chỉ sau 25 ngày công chiếu. Phim đạt hơn 5 triệu lượt mua vé, trở thành phim Việt bán được nhiều vé nhất mọi thời đại. Trước "Bố già", rất nhiều phim Việt đã đạt mức doanh thu trên 100 tỷ đồng như: Cua lại vợ bầu (2020), Mắt biếc (2019)...

Nhìn vào hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, số lượng phim Việt vượt mốc doanh thu trăm tỷ đều đặn tăng lên vài năm gần đây và thành công của phim "Bố già" là tín hiệu vui cho điện ảnh Việt sau thời gian đầy biến động. Đây cũng là động lực để các nhà làm phim cố gắng tạo ra những tác phẩm chất lượng tốt.

Đặc biệt, từ thành công của "Bố già", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, dù doanh thu này là quá thấp so với tiềm năng thị trường, cũng như so với doanh thu của nhiều bộ phim nước ngoài chiếu ở các quốc gia khác, song đây đã là một minh chứng cho thấy văn hóa cũng có thể kiếm nhiều tiền chứ không phải chỉ tiêu tiền như nhiều quan niệm trước đây.

Theo vị chuyên gia, ở các quốc gia khác, công nghiệp văn hóa đã và đang tạo nguồn thu đáng kể, đóng góp lớn vào GDP đất nước, mà Hàn Quốc là một ví dụ sống động.

"Mắt biếc" là một bộ phim thành công về doanh thu trong năm 2019

Ông dẫn chứng, 20 năm qua, “làn sóng Hallyu” là bàn đạp để đứa xứ sở Kim chi trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu văn hóa đại chúng lớn nhất thế giới. Làn sóng này không chỉ gắn với ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc mà còn đem lại giá trị GDP cho cho nền kinh tế của nước này.

Sức ảnh hưởng vang dội đến từ nền giải trí đã kéo theo sự tăng trưởng của các sản phẩm và dịch vụ bắt nguồn từ Hàn Quốc và lan ra khắp châu Á. Không dừng lại ở đó, họ còn từng bước chinh phục châu Âu, châu Mỹ và trở thành xu hướng trên toàn thế giới.

Một báo cáo của Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017 được truyền thông dẫn lại cho biết, xuất khẩu K-Pop đã đưa âm nhạc nước này thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD.

Hàn Quốc có những tác phẩm âm nhạc ảnh hưởng đến cả thế giới, như điệu nhảy Gangnam Style, một ban nhạc như BTS hàng năm mang về cho nền kinh tế Hàn Quốc hàng tỷ USD. Độ phủ sóng của BTS còn giúp thúc đẩy phát triển xuất khẩu hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và quần áo của Hàn Quốc sang nước ngoài được ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD.

Theo KOCCA, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài thì có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay tivi được xuất khẩu.

Từ đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa là một xu hướng tất yếu của các nước khi phát triển lên. Tuy nhiên, điều này cũng phải là ở những nền kinh tế khá trở lên.

"Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, trước hết phải phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu cái hiện đại. Sự tiếp thu cái mới, cái hiện đại này không phải là rập khuôn mà phải có sự sáng tạo, có như vậy mới hấp dẫn được người khác.

Tại các nước đang phát triển hiện nay, tiềm lực văn hóa truyền thống rất mạnh, nhưng đầu tư để phát triển, mở mang để tiếp thu, thu nhận văn hóa hiện đại không phải ai cũng làm được", ông nhận xét.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam và những dấu ấn cá nhân

Cũng theo vị chuyên gia, tại Việt Nam, năm 2016, Thủ tướng đã có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thế nhưng, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm phát triển một cách đúng mức, những thành tựu ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Việt Nam những năm gần đây chủ yếu đến từ những nỗ lực của các cá nhân.

"Chúng ta vẫn làm theo cơ chế cũ: Nhà nước đặt hàng, Nhà nước đầu tư... Chính cơ chế này "bóp chết" bao nhiêu tiềm năng. Khi cơ chế thị trường mở ra, tư nhân, cá nhân được quyền sáng tạo, khởi nghiệp. Tuy nhiên, cách quản lý vẫn còn theo kiểu tư nhân thì tự bơi, những tìm tòi, sáng tạo của họ thiếu đi sự hỗ trợ, trong khi tiền Nhà nước cứ rót vào cho doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả là có không ít bộ phim do Nhà nước đặt hàng, Nhà nước bỏ tiền đầu tư ra đời rất kén khán giả dù tốn rất nhiều tiền. Còn bản thân tư nhân tự tìm đường phát triển, họ tìm đến một số liên hoan phim quốc tế, hội diễn, qua đó cũng có tác động nhất định, giúp họ thỏa sức tìm tòi sáng tạo. Vậy nhưng, quy mô những liên hoan như vậy còn nhỏ, chưa gây được nhiều tiếng vang", ông Nam chỉ ra thực tế.

Theo vị chuyên gia, sự hỗ trợ mà tư nhân trong công nghiệp văn hóa mong đợi không phải là "cho không", mà là những cơ chế để họ có thể thỏa sức sáng tạo, nhưng tiếc thay về mặt này phía cơ quan quản lý lại rất nghèo nàn.

Công nghiệp văn hóa muốn phát triển cần có đầu tư lớn và có rủi ro nên đầu tư chưa chắc đã có kết quả ngay. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ của Nhà nước thì những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này khó đi được đường dài.

Cần chương trình, chính sách cụ thể

Đây là lưu ý của PGS.TS Nguyễn Văn Nam khi đề cập đến chiến lược phát triển các ngành văn hóa của Việt Nam. Theo đó, từng lĩnh vực, từng địa phương phải xác định làm gì, đầu tư phát triển sản phẩm thế nào, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất ra sao...

Ông đặc biệt nhấn mạnh, đầu tư vào công nghiệp văn hóa không thể mong có lợi nhuận ngay, nó chỉ có thể tạo ra sự lan tỏa, cạnh tranh để phát triển. Khi phát triển thì mới tạo ra được những tác phẩm tốt, được người xem chấp nhận.

"Thế giới đang chuyển sang phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế số. Phát triển công nghiệp văn hóa giúp tạo ra được nguồn thu lớn, mà nguồn thu đó được không gây ô nhiễm môi trường, không tiêu tốn tài nguyên, nó được tạo nên từ sức sáng tạo của con người.

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào công nghiệp văn hóa, hiệu quả nó mang lại không phải như sản xuất vật chất gấp đôi, gấp ba, mà gấp có khi gấp mười, gấp trăm vì sức mạnh mềm của văn hóa không gì đo đếm được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Theo ông, công nghiệp văn hóa không thể phát triển độc lập mà phải gắn liền với các ngành kinh tế khác. Chẳng hạn, phát triển du lịch phải đi liền với phát triển văn hóa để du khách đến Việt Nam không chỉ có ăn, ngủ, nghỉ mà còn được trải nghiệm những văn hóa truyền thống.

Nhà nước không chỉ cần đào tạo mà phải có chính sách mở rộng hoạt động văn hóa, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà ở cả đô thị nhỏ, nông thôn, những nơi có điều kiện phát triển.

Riêng đối với việc quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong các ngành công nghiệp văn hóa, ông Nam lưu ý một nguyên tắc, phải dựa vào tính chất của lĩnh vực để quản lý, hỗ trợ cho phù hợp, không thể rập khuôn, cứng nhắc.

Ghi nhận thời gian qua, việc phát triển bảo tàng tư nhân, phim ảnh tư nhân... đã có bước tiến lớn, song ông Nam cho rằng đó mới chỉ là khởi đầu, cần có những chính sách quyết liệt hơn.

Dẫn chứng điều này, vị chuyên gia đề nghị không thể đối xử với doanh nghiệp văn hóa như doanh nghiệp kinh doanh thuần túy. Văn hóa là hoạt động đặc thù, nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà có những tác động văn hóa, xã hội rất lớn. Do vậy, cần có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp văn hóa, như xem xét chính sách về thuế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Thành Luân

To Top