Phương án xử lý khi có ca mắc COVID-19 trong cơ sở sản xuất kinh doanh

Bạn đọc hỏi: Khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp thì cần xử lý như thế nào?

Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bắc Ninh duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.

Về vấn đề này, báo Tin tức xin trả lời như sau:

Theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp quy định các biện pháp phòng, chống dịch cần làm ngay:

- Kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 đã được phê duyệt.

- Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) hoặc từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế.

- Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ ở CSSXKD, KCN và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định.

- Thông báo cho toàn thể người lao động (NLĐ) đang có mặt tại CSSXKD, KCN; yêu cầu NLĐ nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với NLĐ.

- Rà soát toàn bộ NLĐ trong CSSXKD, KCN theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót; thực hiện cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với các trường hợp F2.

Trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những trường hợp có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.

- Lập danh sách NLĐ là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại CSSXKD, KCN tại thời điểm phong tỏa và gửi cho Sở Y tế, Trung tâm y tế cấp huyện nơi NLĐ đang lưu trú để xử trí theo quy định; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.

- Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những NLĐ theo nguy cơ.

- Đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc khác với khu vực có F0:

Nếu có mối liên quan dịch tễ với khu vực có F0 và có nguy cơ lây lan rộng trong toàn bộ CSSXKD, KCN thì xử lý như phương án đã đề ra.

Nếu chỉ có mối liên quan dịch tễ với khu vực có F0 thì phối hợp với chính quyền địa phương quyết định cách ly tại nhà đối với tất cả NLĐ của các phân xưởng này theo quy định; Lấy mẫu xét nghiệm với người cách ly tại nhà để khoanh vùng.

Nếu không có mối liên quan dịch tễ với khu vực có F0 thì tiếp tục rà soát kỹ để phát hiện F1.

Nếu có F1 thì tách ra và đưa đi cách ly tập trung ngay.

V.T/Báo Tin tức

To Top