Quản lý thương mại điện tử: Quy định mới, gánh nặng thủ tục mới

Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT) nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi đặt nhiều gánh nặng lên doanh nghiệp. ĐTTC đã trao đổi với LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, về vấn đề này.

Mua bán online càng dễ, càng phát sinh hàng giả, nhái.

PHÓNG VIÊN: - Dự thảo sửa đổi Nghị định 52 hướng đến quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội (MXH), đồng thời siết chặt vai trò của chủ sàn TMĐT trong quản lý chất lượng hàng hóa. Điều này có khả thi, thưa ông?

LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Dự thảo nghị định sửa đổi này được xây dựng hướng đến mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 52, nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT, tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh; tăng cường tính minh bạch của giao dịch TMĐT; tăng cường trách nhiệm của chủ website TMĐT quản lý TMĐT trên MXH; TMĐT có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, việc siết chặt vai trò của chủ sàn TMĐT, cụ thể là quy định sửa đổi tại Điểm d Khoản 11 Điều 36, đang gây khó khăn về vận hành cho doanh nghiệp TMĐT. Cụ thể, Điểm d Khoản 11 của dự thảo buộc doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định trong dự thảo.

Thực tế, việc kiểm soát hàng hóa các sàn TMĐT đều nghiêm túc thực hiện trong khả năng hợp lý của sàn, các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT có quy trình xử lý ngay khi phát hiện được hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vì thế, nếu áp dụng quy định của dự thảo một cách máy móc sẽ vô lý đối với các trường hợp ngoài tầm kiểm soát của sàn (thí dụ khi người bán dùng các thủ đoạn tinh vi để qua mặt hệ thống kiểm duyệt, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt đăng bán của sàn…), tức vô hình trung đẩy các sàn vào thế khó, hạn chế việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số Chính phủ đang thúc đẩy trong bối cảnh hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn xã hội.

- Ý kiến của ông thế nào về quy định nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ mới được phép tiếp cận thị trường?

- Theo tôi, quy định này (Điểm b Khoản 2 Điều 67c của dự thảo) đã làm tăng rào cản tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT. Dự thảo đưa ra quy định “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” nhưng lại chưa quy định các tiêu chí để xác định công ty công nghệ uy tín toàn cầu là gì, sẽ dẫn đến khó khăn để định danh.

Đồng thời, việc giới hạn ở “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” mang tính chủ quan và phân biệt đối xử, khiến nhiều nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong các lĩnh vực không phải là công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam, gây sự bất bình đẳng cho nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN.

Hơn nữa, việc hạn chế chỉ những “công ty công nghệ có uy tín” cũng loại bỏ một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài là các quỹ đầu tư đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Quy định này còn có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư khi họ muốn bán lại hoặc muốn chuyển nhượng khoản đầu tư cho nhà đầu tư khác.

Theo đó, nếu nhà đầu tư khác không phải “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” không thể bán lại hoặc chuyển nhượng. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc điều kiện này khi đầu tư vào TMĐT tại Việt Nam.

- TMĐT ở Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển trong những năm tới, nhưng chất lượng hàng hóa vẫn là nỗi lo của người tiêu dùng. Theo ông công cụ nào để quản lý chất lượng hàng hóa hiệu quả?

- Thị trường tiêu dùng hiện nay vẫn là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái. Nếu không tinh ý sẽ không nhận ra hàng giả, hàng nhái khi bao bì sản phẩm chỉ khác đôi chút về tên nhãn thương hiệu hoặc thay đổi nhỏ...

Để có thể quản lý chất lượng hàng hóa hiệu quả, trước tiên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, cần đẩy mạnh kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và tổng kiểm tra theo các chuyên đề hàng hóa.

- Có ý kiến cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 52 sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục cho các sàn TMĐT. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

- Một trong những mục tiêu của nghị định sửa đổi là cắt giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên dự thảo nghị định lại đặt thêm nhiều gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 67c của dự thảo nghị định, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan.

Quy định này bất cập ở chỗ khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp/nhà đầu tư phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư (có tham vấn ý kiến Bộ Công Thương), nên việc tiếp tục phải xin ý kiến Bộ Công Thương khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục điều chỉnh, thay đổi đăng ký tại các giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính.

Thậm chí, ngay cả thay đổi thông thường như tên hay địa chỉ doanh nghiệp cũng có thể phải hỏi ý kiến của Bộ Công Thương gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Dung (thực hiện)

To Top