Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ

Hôm nay (5/4), sau khi thông báo kết quả kiểm phiếu, và thông qua Nghị quyết về việc giữ chức vụ, tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Bước sang tuần làm việc cuối cùng (từ 5-8/4) của Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV , các đại biểu Quốc hội tập trung hoàn thành công tác nhân sự của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Hoàn thành quy trình bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ
Ngày làm việc đầu tuần 5/4, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cụ thể sáng nay, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Sau khi danh sách để bầu Chủ tịch nước được thông qua, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch nước. Nghị quyết về việc này được thông qua, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Cũng ngay sau đó, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Việc đề cử này sẽ được các Đoàn ĐBQH thảo luận.

Chiều cùng ngày, quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ bắt đầu bằng việc Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch nước sẽ báo cáo, tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH nếu có. Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ sau khi thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch nước trình.

Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Liên quan đến nhân sự Thủ tướng và Chủ tịch nước, trước đó, ngày 2/4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả có 475 đại biểu có mặt trên tổng số 480 đại biểu; có 475 phiếu phát ra; 475 phiếu thu về; trong đó có 475 phiếu hợp lệ; 435 phiếu đồng ý (bằng 90.62% tổng số ĐBQH); 40 phiếu không đồng ý (bằng 8.33% tổng số ĐBQH).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử, kết quả như sau: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.17% tổng số ĐBQH), trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 92.92% tổng số ĐBQH), 06 đại biểu không tán thành (bằng 1.25% tổng số ĐBQH).

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã được miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ và đề cử giữ chức Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Phú Trọng hôm 2/4

Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Quốc hội họp riêng nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả như sau: có 469 đại biểu có mặt trên tổng số 480 đại biểu; có 469 phiếu phát ra; 467 phiếu thu về; 467 phiếu hợp lệ; trong đó, có 451 phiếu đồng ý (bằng 93.95% tổng số ĐBQH); 16 phiếu không đồng ý (bằng 3.33% tổng số ĐBQH).

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử. Kết quả có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.67% tổng số ĐBQH), trong đó có 438 đại biểu tán thành (bằng 91.25% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu không tán thành (bằng 0.21% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21% tổng số ĐBQH).

Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Kiện toàn các chức danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ

Cũng trong 3 ngày làm việc còn lại (đến ngày 8/4), Quốc hội sẽ tập trung kiện toàn các chức danh của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, Quốc hội sẽ lần lượt tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; bầu nhân sự cho các chức danh Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thực hiện thủ tục phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành quy trình phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; phê chuẩn Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Theo chương trình dự kiến, chiều 8/4, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, sẽ bế mạc. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Theo danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh không tái cử Trung ương khóa XIII. Trong khi đó, nhân sự giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới khối Chủ tịch nước có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

Bên cạnh đó, khối Chính phủ xuất hiện nhiều gương mặt mới đại diện các bộ ngành, như: Bộ Quốc phòng là Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là Thứ trưởng Lê Minh Hoan; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà; Bộ Ngoại giao là Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn; Bộ Giáo dục - Đào tạo là ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Bộ Xây dựng là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị; Văn phòng Chính phủ là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Trong các gương mặt mới được giới thiệu ứng cử ĐBQH khối Chính phủ còn có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Riêng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh được giới thiệu ứng cử ở khối Kiểm toán Nhà nước.

To Top