Quốc hội khóa I với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa I (1946-1960) đã tạo nên sự thay đổi quan trọng đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I (năm 1946). Ảnh: Tư liệu

Nổi bật trong số các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số có ông Nguyễn Tri Phương (sinh năm 1916), dân tộc Tày, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đại biểu Quốc hội tại Hà Giang. Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Tri Phương là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tư lệnh khu Việt Bắc. Bên cạnh đó, Quốc hội khóa I có ông Siểng (sinh năm 1913), là người dân tộc Khmer, đại biểu Quốc hội tại Biên Hòa, hy sinh năm 1947. Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, các dân tộc đều là anh em, phải đoàn kết để xây dựng, bảo vệ đất nước: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia, chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta.

Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000).

Ngày 3-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số với chức năng, nhiệm vụ: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.

Hiến pháp năm 1946 cũng khẳng định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”, “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1946 còn khẳng định: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Để tạo điều kiện nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, Hiến pháp năm 1946 còn hiến định thêm tại Điều 15: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình”.

Nhìn lại lịch sử 75 năm của Quốc hội Việt Nam, số đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số tăng dần. Chẳng hạn, Quốc hội khóa II (1960-1964) có 56 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số, Quốc hội khóa III (1964-1971) có 60 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số, Quốc hội khóa IV (1971-1975) có 73 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số... Hiện nay, Quốc hội khóa XIV (2016-2021) có 86 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ khóa I đến khóa XIV, đã có 49/53 đồng bào dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia Quốc hội. Kết quả là, các đại biểu Quốc hội là đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp công sức để củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh; động viên đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; không nghe theo lời kẻ xấu; đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Văn Toàn

To Top