Quỳnh Trang hát dân ca bằng cả tình yêu quê hương Thanh Hóa

Giữa muôn vàn nhạc điệu, Quỳnh Trang đã chọn cho mình một lối đi riêng, đó là thể loại dòng nhạc dân gian rất phù hợp với tính cách con người của cô. Đặc biệt khi thể hiện những ca khúc về Thanh Hóa, Quỳnh Trang không chỉ hát bằng sự thôi thúc của trái tim người nghệ sĩ, mà cô còn hát bằng cả tình yêu sâu nặng, da diết với quê hương mình.

Ca sĩ Quỳnh Trang trong một tiết mục biểu diễn.

Quỳnh Trang tên thật là Bùi Thị Trang. Cô sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Lam, nay là thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân). Bố mẹ Trang vốn có “máu” văn nghệ sĩ, nên cô sớm thừa hưởng phần nào từ “gen” của gia đình. Trang thổ lộ: “Em đến với nghề ca hát cũng là cơ duyên. Một lần, nhạc sĩ Thế Việt - lúc đó là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, trưởng đoàn ca múa về dự một lễ kỷ niệm tại xã, phát hiện khả năng của em trong đội văn nghệ, liền hỏi xem em có muốn về nhà hát làm ca sĩ không?. Em trả lời rất thích và chạy về hỏi bố mẹ, thì bố mẹ nói đó cũng là tâm nguyện ấp ủ bấy lâu, nhưng vì điều kiện hoàn cảnh nên bố mẹ không thể theo đuổi đam mê với nghề. Biết tin con gái có mong muốn như vậy, bố mẹ em vui lòng đồng ý ngay”.

Thế rồi, sau dạo ấy, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tổ chức cuộc thi giọng hát trẻ trên quy mô toàn tỉnh, nhằm tìm kiếm tài năng, tạo nguồn kế cận cho nhà hát. Và Quỳnh Trang đã đoạt giải ba với ca khúc “Giã bạn đêm trăng”. Đây là thành quả ngọt ngào đầu tiên của cô ca sĩ trẻ, giúp cô có thêm niềm tin, động lực vào con đường mà mình đang theo đuổi. Quỳnh Trang cũng đã lọt vào “mắt xanh” của những người có chuyên môn trong nghề, bởi sau cuộc thi đó cô đã được ban lãnh đạo nhà hát mời về thử việc. Được các cô chú, anh chị đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ, Quỳnh Trang đã gửi hồ sơ dự thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Đây là một trong những cái nôi ươm mầm và chắp cánh cho nhiều tài năng nghệ thuật của quê hương, đất nước. Trải qua 8 năm học liên thông từ trung cấp, rồi cao đẳng, lên đại học, Quỳnh Trang đã tạo lập cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc để bước vào nghề.

Trong thời gian theo học ở trường, Quỳnh Trang may mắn được sự dạy dỗ, dìu dắt và hướng dẫn tận tình của các cô giáo như: cô Bảo Khuyên, cô Minh Tuyến, cô Thanh Huyền (đã mất)... Các cô luôn tự hào vì đã đào tạo được một lứa học trò có đủ đam mê, nhiệt huyết, tài năng như Quỳnh Trang. Từ những kinh nghiệm, vốn quý trong nghề, các cô đã truyền thụ cho Quỳnh Trang những kiến thức vô cùng thiết thực, bổ ích về kỹ thuật luyện giọng, luyện hơi, biểu đạt sắc thái tình cảm... Quá trình theo học cho đến khi ra nghề, Quỳnh Trang đã gặt hái được nhiều thành công, như: giải nhì ca khúc “Em yêu anh như yêu câu ví dặm” tại Cuộc thi tài năng sinh viên của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; giải nhì ca khúc “Em yêu anh như yêu câu ví dặm” tại Cuộc thi tài năng sinh viên toàn tỉnh; giải B ca khúc “Mùa xuân qua rừng thông” tại Cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Và đặc biệt năm 2018, Quỳnh Trang đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc ở tỉnh Cao Bằng, với ca khúc “Lời ru”, nhạc Lê Minh, thơ Hoàng Hạnh.

Chia sẻ về ca khúc này, Quỳnh Trang cho biết, trước khi đi thi, cô đã tìm hiểu các ca khúc về dòng nhạc dân gian, cuối cùng cô quyết định chọn “Lời ru”, bởi đây là ca khúc có nội dung sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm tình cảm của người mẹ đối với người con, sự quan tâm chia sẻ, động viên của người vợ đối với người chồng để chồng yên tâm đi bộ đội. Hơn nữa, lời bài hát lại rất phù hợp với chất giọng, nội tâm của Quỳnh Trang và được ca sĩ Anh Thơ trực tiếp hướng dẫn. Bằng cảm quan của người phụ nữ, Quỳnh Trang đã nhập tâm rất tròn trĩnh vai diễn để biểu đạt thành công cảm xúc đến người nghe, trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả yêu nhạc.

Không chỉ vậy, khi nghe Quỳnh Trang thể hiện các ca khúc: “Đường về Thanh Hóa”, “Khúc tình ca Thanh Hóa”, “Cây lúa Hàm Rồng”, “Về với xứ Thanh”, “Nhớ mãi một miền quê”..., có lẽ ai cũng một lần xúc động, không chỉ bởi giọng ca ngọt ngào, da diết cất lên từ cô ca sĩ trẻ, mà còn thấy thêm yêu đời, yêu quê hương, con người xứ Thanh biết chừng nào. “Mình là người Thanh Hóa thì trước hết phải yêu và hát những ca khúc về Thanh Hóa. Chính những lời ca sâu lắng, giai điệu hào hùng thấm đẫm trong mỗi ca khúc đã khiến cho em muốn hát và nhập tâm vào lời bài hát. Đó cũng là những đặc trưng của phong cách âm nhạc dân gian thể hiện nét tương đồng với đời sống nội tâm của mình” – Quỳnh Trang bộc bạch.

Trong những chuyến lưu diễn, Quỳnh Trang thường kết hợp nghiên cứu tìm hiểu lịch sử văn hóa các vùng miền. Điều ấy giúp cho cô có được những trải nghiệm tuyệt vời, những cảm xúc chân thực về cuộc sống, về mảnh đất và con người xứ Thanh, để cô có nguồn cảm hứng bất tận hòa nhập vào lời bài hát. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Quỳnh Trang là trong một chuyến lưu diễn ở Trường Sa. Đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 21 của cô, lúc đó tàu đang lênh đênh trên biển, giông tố nổi lên cuồn cuộn, nhưng tiếng hát át tiếng mưa, bằng sự quan tâm của mọi người đã góp bánh kẹo, hoa quả, tặng thơ để chúc mừng cô. Hay như những chuyến lưu diễn ngược lên mạn rừng, mặc dù còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng bà con các dân tộc đã đáp lại tình cảm đối với người ca sĩ bằng cách gửi những món quà quê thân thuộc. Những tình cảm ấy luôn đáng trân trọng để người nghệ sĩ như cô có thêm động lực, tiếp tục thăng hoa và cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật tỉnh nhà.

Con đường ca hát phía trước còn dài và gian nan, song Quỳnh Trang luôn xác định phải hết sức nỗ lực, cố gắng để đi đến cuối đích con đường. Cô đã gác lại niềm riêng để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để có những thành công mới.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

To Top