Ra mắt sách 'Thăng Long Kinh Kỳ- Kẻ Chợ': Tái hiện hai thời đoạn ấn tượng của Hà Nội

Men theo dòng chảy lịch sử, 'Thăng Long Kinh Kỳ- Kẻ Chợ' đã phác họa bức tranh sống động về văn hóa, phong tục, lịch sử, con người của Hà Nội xưa trong những biến thiên của thời cuộc

Đây là tựa sách mới nhất nằm trong Tủ sách Kiến thức Di sản của NXB Kim Đồng do các tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng biên soạn.

Bắt đầu từ thời Lê Trung hưng, Thăng Long- Hà Nội bước vào triều đại đặc biệt, vừa có vua, vừa có chúa. Không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, Thăng Long giờ đây còn là trung tâm kinh tế của đất nước, nơi tập trung 30 ngành sản xuất thủ công và là đầu mối thương nghiệp của cả nước, kể cả các nước phương Tây lớn như Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…

Các khu phố buôn bán, khu sĩ hoạn, khu vực hành chính, kể cả vương phủ cùng đan xen nhau, trong nhiều trường hợp còn hòa quện vào nhau, như khu phủ chúa gần các làng nghề, phường thợ… . Giải thích cách gọi Kẻ Chợ để chỉ đất và người Thăng Long, cũng là từ những hình dung sơ phác về đô thị thời này.

Như cách tác giả giới thiệu: “Thời Lê Trung hưng, Đông Kinh còn gọi là Kẻ Chợ. Ban đầu tên gọi này chỉ dành để chỉ khu vực buôn bán, sản xuất, gắn với đời sống dân sinh. Dần dần, người ta gọi chung cả kinh đô (Hoàng Thành và phủ Chúa) là Kẻ Chợ hoặc Thăng Long Kẻ Chợ để phân biệt với Thăng Long của các triều đại Lý, Trần”.

Ở cuốn Thời Lê Trịnh, bên cạnh những trang tái hiện lịch sử hỗn loạn thời “lưỡng đầu chế”, một Thăng Long điêu tàn, những vị vua không ngai- tham vọng mà nhu nhược, người đọc đón nhận những ghi chép tươi mới, đầy chất thơ và phong vị về một vùng đất Kinh Kỳ- Kẻ Chợ hào hoa, hội tụ nhiều nét đẹp, trong cả dân gian lẫn nghệ thuật thời trung đại. Từ kiến trúc phủ Chúa, danh thắng quanh Hà Nội, đến lịch sử các ngành nghề thủ công của 36 phố phường…Tất thảy tạo nên bức tranh đa màu, nhiều cung bậc.

“Thăng Long Kinh Kỳ- Kẻ Chợ” của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Huy Thắng không chỉ dừng lại ở những nội dung biên soạn, tổng hợp các nguồn tư liệu về Thăng Long, Hà Nội xưa. Mà ở tập sách này, các tác giả còn vận dụng tài tình nhiều điểm nhìn để soi chiếu một khía cạnh đặc trưng của Thăng Long- Hà Nội: chất Kinh Kỳ và chất Kẻ Chợ song hành, hội tụ ở đất và người Hà Nội.

Cuốn sách có lối viết ngắn gọn, ưu tiên đặc tả các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử gắn với Thăng Long trong giai đoạn từ thế kỷ XVI- đầu thế kỷ XIX, đi kèm với những bình luận hóm hỉnh, hai cuốn sách làm sáng tỏ ý tưởng chủ đề. Đó là, phục dựng bức tranh Hà Nội xưa với chất Kẻ Chợ sống động, gắn với lịch sử phát huy qua các khía cạnh đời sống xã hôi và dân sinh, hay trong tư cách quần thể phố- phường.

Đặc biệt, cuốn sách còn có phần niên biểu tóm lược các mốc thời gian quan trọng, gắn với các sự kiện nổi bật của Thăng Long- Hà Nôi, giúp bạn đọc tiện theo dõi và tra cứu thêm. Và 300 trang viết hứa hẹn là một cuốn viết tản mạn về Thăng Long Kinh Kỳ- Kẻ Chợ giữa bao biến thiên binh lửa và những đổi dời ngôi vị.

Yên Vân

To Top