Sắc màu văn hóa Việt trong không gian đi bộ Hồ Gươm

Cuối tuần cùng nhau dạo bước trên tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành thói quen của người dân và du khách đến Hà Nội. Không gian văn hóa cộng đồng này trở nên hấp dẫn du khách không chỉ bởi việc người đi bộ được tự do, thoải mái đi lại dưới đường không lo va chạm xe cộ, hay vì cảnh quan xung quanh như tháp rùa, đền Ngọc Sơn, đền bà Kiệu, tượng đài Vua Lý Thái Tổ… mà còn ở những hoạt động văn hóa mang sắc màu Việt Nam và quốc tế.

Hoạt động văn hóa trên không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Phạm Hùng

Không gian nghệ thuật đa dạng

Hòa vào dòng người tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm trong những ngày cuối tuần, du khách sẽ được trải nghiệm các chương trình nghệ thuật đường phố miễn phí. Dù ở lứa tuổi nào, người dân cũng tìm thấy không gian nghệ thuật cộng đồng cho riêng mình. Trẻ nhỏ được thưởng thức các màn múa rối cạn tại trước cửa Nhà hát Múa rối Thăng Long, vừa để ngắm nhìn, lắng nghe các trò rối, tích rối… vừa giao lưu học hỏi cách tạo hình con rối. Cách Nhà hát Múa rối Thăng Long không xa, gần ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng lại là các màn diễn xiếc thăng bằng, đu dây, lắc vòng hay xiếc thú của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội. Khán giả trung niên lại có thể dạo qua khu vực tượng đài Vua Lê trên đường Lê Thái Tổ để nghe các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, nhạc sĩ Quang Long… hát xẩm, hát ca trù hoặc quan họ Bắc Ninh. Trước đền Bà Kiệu đường Đinh Tiên Hoàng lại là những điệu hò xứ Nghệ, nhã nhạc cung đình Huế hoặc đôi khi là làn điệu đàn Tính của đồng bào dân tộc Thái đến từ Tuyên Quang… Phía trước cửa Nhà hát Kịch Hà Nội (42 Tràng Tiền) cũng luôn sáng đèn các tiểu phẩm đặc sắc, do các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát thực hiện như: Nghệ sĩ Tiến Hợi, Công Lý, Đức Toàn…
“Bốn năm diễn thường niên ở khu vực tượng đài Vua Lê, nhóm xẩm Hà Thành vẫn luôn giữ được cảm xúc như ngày đầu. Bởi vì, đêm nào người dân cũng kê dép, xếp ghế ngồi kín trước sân tượng đài nghe chúng tôi trình diễn. Có những khán giả gần 85 tuổi lặn lội từ huyện Chương Mỹ về đây nghe hát, xong còn dúi tờ 50 nghìn đồng rồi bảo ông bồi dưỡng nghệ sĩ. Những hành động chân tình đó khiến chúng tôi thêm động lực để cống hiến” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - thành viên nhóm xẩm Hà Thành chia sẻ.
Đến tuyến phố đi bộ, du khách được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật đường phố như các họa sĩ đường phố ngồi theo hàng lối, luôn tươi cười và luôn sẵn sàng phục vụ du khách một bức vẽ chân dung làm kỷ niệm. Ở một góc khác, đối diện đền Ngọc Sơn là không gian trò chơi dân gian của Việt Nam như ô ăn quan, kéo co, nhảy dây... dành cho tất cả những ai muốn tham gia. Ngay bên cạnh là các nghệ nhân làm tò he với đủ tạo hình như rồng, cá chép, hoa... đậm tính nghệ thuật.
Nỗ lực gạt “sạn”, mở rộng không gian đi bộ
Sau gần 4 năm triển khai, phố đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận đã mang trong mình sứ mệnh thành điểm đến văn hóa có thương hiệu trên bản đồ du lịch Hà Nội. Mỗi ngày, phố đi bộ thu hút khoảng 3.000 - 5.000 lượt khách. Con số này thậm chí còn lên tới 15.000 - 20.000 người nếu có sự kiện lớn. Bên cạnh những thành công, cũng đã phát sinh một số bất cập trong không gian đi này.
Từ ngày 1/1/2021, Hà Nội đã triển khai việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực Hồ Gươm. Theo đó, phạm vi không gian đi bộ mở rộng gồm 8 phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.
Với việc mở rộng không gian đi bộ sẽ tạo nên sự kết nối giữa các khu vực vốn đang bị chia cắt. Trong tương lai, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phát triển không gian phố đi bộ tại trục đường Tràng Tiền nối Nhà hát Lớn, liên kết không gian phố đi bộ hiện tại với phố bích họa Phùng Hưng, Gầm Cầu sau khi dự án đục thông vòm cầu hiện nay hoàn thành. Trong tương lai không xa, các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, bởi những giá trị văn hóa từ chính không gian này đem lại.

Linh Anh

To Top