Sách hay nên đọc: Di họa chiến tranh

Đọc tập bút ký, chúng ta thấy tác giả tập trung ở mảng đề tài 'Người lính hóa thân cho Tổ quốc, cho nhân dân và Tổ quốc, nhân dân đền ơn đáp nghĩa với các anh'. Hiện thực sinh động từ cuộc sống đã tác động vào tâm hồn và ngòi bút của tác giả.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đưa giang sơn gấm vóc của chúng ta quy về một mối. Tuy nhiên, cái giá của chiến thắng không hề nhỏ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất mẹ, nhiều người không tìm được hài cốt.

Chiến thắng trở về, hàng triệu người được Nhà nước vinh danh công trạng, nhưng vẫn còn đâu đó những thân phận chưa được “làm người còn sống”.

Trong hàng loạt các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, tác giả viết về đề tài “Hậu chiến”, thì Minh Chuyên là một trong những cây bút xuất sắc nhất. Những tác phẩm của ông nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, làm lay động con tim của hàng triệu độc giả.

Hơn 40 năm cầm bút, Minh Chuyên để lại cho chúng ta một pho lịch sử bề thế về di chứng chiến tranh. Gần 30 cuốn sách, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học về đề tài hậu quả chiến tranh; viết kịch bản và đạo diễn 255 tập phim tài liệu đã nói lên điều đó.

Ông đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận xác lập Kỷ lục “Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm truyền hình về thời hậu chiến tranh tại VN nhiều nhất”.

Tập bút ký văn học “Di họa chiến tranh” của nhà văn Minh Chuyên được Nxb Văn học ấn hành năm 1997; dày 321tr; khổ 19cm.

Với các bài bút ký sắc sảo như “Đứa con người lính”, “Thủ tục làm người còn sống”, “Người không cô đơn” được tác giả Minh Chuyên viết theo hướng làm cho sự thật trở nên phong phú và sinh động hơn, chứ không phải đơn thuần phản ánh một cách trần trụi như công việc của báo chí thông thường vẫn làm.

Qua những trang viết của ông, người đọc biết được những sự thật lớn lao và khủng khiếp của cuộc chiến tranh dội xuống đất nước ta, đã làm biến dạng, hủy hoại đau đớn bao sinh mệnh những con người như bé Thịnh, bé Thoa trong bút ký “Đứa con người lính”, người lính Trần Quyết Định trở về sau khi gia đình nhận giấy báo tử trong bút ký “Thủ tục làm người còn sống”, người lính thương binh Nguyễn Đình Thúc trong bút ký (Người không cô đơn), sư thầy thương binh Lương Thị Thân và 4 nhà sư từng là thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam trong bút ký “Vào chùa gặp lại”...

Đọc tập bút ký, chúng ta thấy tác giả tập trung ở mảng đề tài “Người lính hóa thân cho Tổ quốc, cho nhân dân và Tổ quốc, nhân dân đền ơn đáp nghĩa với các anh”. Hiện thực sinh động từ cuộc sống đã tác động vào tâm hồn và ngòi bút của tác giả. Với bút pháp dung dị, đằm thắm vừa tả thực, vừa gợi cái ảo, tác giả đã tạo ra một bút pháp rất riêng của người viết ký. Phần đời các nhân vật có thực được anh tái hiện vừa xót thương, vừa cảm động.

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Mỹ rải chất độc đầu tiên xuống Việt Nam, nhưng di chứng của nó vẫn đang ám ảnh tương lai của bao thế hệ. Với những nạn nhân chất độc da cam, nỗi đau về thể xác và tinh thần sẽ đi theo họ đến hết cuộc đời . Qua các tác phẩm của Minh Chuyên chúng ta thêm hiểu về sự hy sinh to lớn của lớp lớp thanh niên vì sự nghiệp giành độc lập và tự do cho Tổ quốc. Cuốn sách giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị to lớn mà cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà chúng ta đã giành được.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Theo Trái tim người lính

Thư viện Quân đội

To Top