Sách hay nên đọc: 'Nhật ký thanh niên xung phong (Trường Sơn 1965 – 1969)'

Cuốn sách 'Nhật ký thanh niên xung phong (Trường Sơn 1965 – 1969)' của tác giả Trần Văn Thùy, được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ T.P. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2011; sách dày 406 trang; khổ 20cm, như những thước phim ghi lại một thời đạn bom khốc liệt, hào hùng.

Trong chiến công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có phần đóng góp không nhỏ của Thanh niên xung phong - một lực lượng tự nguyện, trực tiếp được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Hoạt động của thanh niên xung phong rất phong phú, hiệu quả, từ trực tiếp chiến đấu đến phục vụ chiến đấu ở các địa phương trên miền Bắc, trong đó chủ yếu là ở các trọng diểm địch đánh phá ác liệt trên đại bàn quân khu 4 và tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Cuốn sách “Nhật ký thanh niên xung phong (Trường Sơn 1965 – 1969)” của tác giả Trần Văn Thùy, được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ T.P. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2011; sách dày 406 trang; khổ 20cm. Cuốn nhật ký như những thước phim ghi lại một thời đạn bom khốc liệt, hào hùng. Ở đấy, tuổi đôi mươi hiện lên với khát vọng cháy bỏng: Dấn thân, quên mình vì Tổ quốc. Từ những suy tư về chiến tranh, về sự hy sinh mất mát và trải nghiệm của bản thân… những trang viết của Trần Văn Thùy đã trở thành câu chuyện sinh động về hơi thở cuộc sống trong một thời kỳ “máu lửa”.

Qua từng trang viết chứa đựng suy tư của tác giả Trần Văn Thùy, cuốn nhật ký đã mang đến cho người đọc những hình ảnh chân thực về các chàng trai, cô gái thanh niên xung phong trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Tất cả họ đều ý thức được con đường duy nhất của mình chính là cống hiến sức lực và tuổi trẻ cho lý tưởng chung. Họ đã chiến đấu quên mình, xả thân làm nên lịch sử, ghi dấu ấn một thế hệ vàng son trong tâm trí người Việt muôn đời.

Với tư cách là ghi chép của người trong cuộc, các trang nhật ký của tác giả đã ghi lại được một phần đáng kể cái diện mạo cuộc sống “ngày thường” của những thanh niên xung phong tại tuyến lửa: làm đường, sửa đường, duy trì cuộc sống của mình và đồng đội giữa nơi rừng già nhiều thiếu thốn, nhiều hiểm họa, trước hết là hiểm họa bom đạn từ máy bay địch bắn phá con đường. lao động tập thể, cuộc sống tập thể cưu mạng chăm sóc lẫn nhau của các đội viên thanh niên xung phong, đã được ghi lại ở phần lớn các trang viết, trong đó có những trường đoạn rất cảm động.

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân từng nhận xét:

“Bạn tôi, Trần Văn Thùy, người ghi nhật ký này chỉ có 4 năm sống và làm việc với tư cách một đội viên thanh niên xung phong tham gia mở đường và duy trì con đường Trường Sơn – con đường ra trận 1959-1975 mà nay đã thành danh như một con đường huyền thoại. Thế nhưng, trong ký ức và tâm hồn anh, đoạn thời gian này là mãi mãi không thể quên được. Nó gắn với “vào đời” của anh, một sự vào đời với những cái giá phải trả và đã trả một cách song phẳng, một cách quả cảm, kiên cường; nhưng còn cao hơn, đáng nói hơn, nó gắn với một “thời ra trận”của cả một thế hệ thanh niên , vượt qua những mặc cảm riêng tư khác nhau, họ đã xả thân mình làm nên lịch sử, ghi dấu thế hệ mình vào lịch sử hiện đại đầy máu lửa của dân tộc.”

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

TVQĐ

To Top