Showbiz cõi trên và mặt đất

Thương yêu giới lao động nghệ thuật vô vàn, mà nhiều khi tiếc giận, vì đây đó những cá nhân, trào lưu, xu thế hỏng hư dâng trào...

Showbiz là giới lao động trong lĩnh vực giải trí. Nhu cầu giải trí cần cho bá tánh như rau xanh, nước uống, mắm muối, thịt thà. Người hoạt động giải trí dễ được công chúng biết đến cũng vì vậy. Họ sống nhờ bá tánh. Họ thành danh nhờ bá tánh. Bá tánh hàm ơn họ. Và họ phải hàm ơn bá tánh. Quan hệ cộng sinh này nó đi cùng chức phận và trách nhiệm lẫn nhau. Nhưng vì là người của công chúng thì họ phải có trách nhiệm trong lối sống, lời ăn, tiếng nói, trên nữa là nhận thức.

May mắn cho bá tánh là có những showbizer tốt, tốt từ lối sống đến sáng tạo ra giải trí phẩm. Nhưng cũng thật bất hạnh cho bá tánh nếu hiển hiện những showbizer không tốt. Quan hệ cộng sinh này rất nghiệt ngã, đúng hơn là sòng phẳng. Vì họ làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, nhất là giới trẻ. Bá tánh chân chính không bao giờ cần những showbizer mà lối sống lầy lội, nham nhở, bừa bãi. Bá tánh không cần showbizer nổi tiếng mà ngạo mạn, ngông nghênh, ở “trên trời”.

Làm showbiz ở một góc độ nào đó cũng là làm văn hóa. Theo Đức Dalai Lama XIV thì thường con người ta nhận thức sao thì hành động vậy. Phải nói rằng có những showbizer đang làm văn hóa, nhưng cũng trùng trùng điệp điệp những showbizer chỉ là “thợ” giải trí, kiếm cơm, kiếm cơ hội. Giữa một đời sống loạn chuẩn, thì vô vàn loại showbizer lẫn vào nhau, và giữa một thế giới internet phẳng đến mức này thì người “ngon” và người “không ngon” có cơ hội ngang bằng nhau, đôi khi người “không ngon” còn chiếm sóng nếu họ to tiếng hơn hay quyết liệt xuất hiện hơn. Có người đi ăn, đi nhậu, vào bếp, mua sắm, chơi bời, ngủ, nghỉ, chém gió, tất tần tật mọi sinh hoạt đều đưa lên mạng để câu view, câu like. Họ “ăn” mình bằng mọi cách. Có người hình như không còn nhận ra sự ích kỷ hay quá đáng của mình. Họ làm gì cũng kèn trống, tạo ra cho được âm thanh, tiếng ồn, cứ như ở đâu cũng thành sàn diễn, ở đâu cũng là sân khấu. Cứ như ở cõi dương gian này có một cõi riêng thuộc về showbiz!

Sự tinh tế của những người có tâm hồn đi đâu mất rồi?

Thời của đồng tiền, văn hóa và nhân cách lùi lại. Tự trọng là chiếc phanh, trong câu chuyện làm người ở dương gian, nhưng mấy người sắm chiếc phanh đó để cài vào mình!

*

“Cái ngã” của bạn, bạn có thể để trên trời. Nhưng mặt đất nó cứ “đòi hỏi” bạn, showbizer ạ. Là, dù thế nào thì bạn cũng đang ở mặt đất. Và vì bạn là người của công chúng, và bạn cũng có con, có cháu, nên bạn chớ huyễn hoặc mình hay sống bừa. Dân gian đã nói rồi, “con người ta chết để tiếng”. Những giá trị phổ quát của con người ánh xạ như nhau vào mọi giới hay ngành nghề. Cái gì chân chính, đàng hoàng, đẹp thì nó có giá trị, và ngược lại. Người được biết đến nhiều chưa hẳn là người có giá trị. Nên nhớ việc “biết đến nhiều” hoàn toàn khác với sự “nổi tiếng” và danh tiếng.

Để xảy ra tai tiếng liên quan tiền cứu trợ nạn nhân bão lũ miền Trung, Hoài Linh gây đau đớn cho mình một, gây đau đớn cho công chúng mười. Ảnh: TL

Lưới lọc của cái đẹp và đạo lý ở cõi người này rất tự nhiên mà khắc nghiệt lắm. Thực tài và là biểu tượng, có “uy quyền” trong giới showbiz như Hoài Linh mà sơ sẩy một chút về chuyện tiền bạc đã không “cứu” được uy tín của mình. Anh này gây đau đớn cho mình một, gây đau đớn cho công chúng mười.

*

Mà sự thực thì giới showbiz phân cấp rất dữ, không phải khi đã là showbizer thì như nhau. Nó luôn có chiếu trên - chiếu giữa - và chiếu dưới. Là đẳng cấp, ranh giới, đường biên vô hình về giá trị lao động nghệ thuật, nhân cách. Ai đàng hoàng, bản lĩnh, làm showbiz trên tinh thần làm văn hóa thì cứ được tin yêu mãi, ngay cả khi họ mất đi trên đời. Và giá trị đó hình thành rất tự nhiên, theo thời gian, và được lọc từ lưới trái tim và tai mắt của bá tánh.

Còn ai làm showbizer để mong cầu sự nổi tiếng, thay đổi thân phận, với nhà lầu, xe hơi, chưng diện, hơn thua, hòng đứng trên cộng đồng bá tánh thì sự nham nhở nó hiện ra ngay thời họ đang hành nghề, lộ rõ lòng tham và sự mặc cảm. Nhóm lố nhố, thèm khát ồn ào ở chiếu dưới kia được xem là hạ đẳng. Nhóm hạ đẳng này hay quy cho “Thế giới showbiz nó thế. Thông cảm!”. Nói thế, chẳng lẽ giới showbiz cũng là giới tầm thường à. Luận điểm này sai, vì đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, hay những “nghệ sĩ” ăn may, gặp hên, trá hình hoặc giả hình trà trộn vào làm loạn chuẩn một nghề có trí tri - đạo đức - và nuôi dưỡng giá trị sống cho tâm hồn con người. Nên những nghệ sĩ lớn thường nhân cách rất lớn, và không có tai tiếng, scandal; họ sống chuẩn lắm, chứ không nhem nhuốc hay hèn mạt. Nghĩa rằng ngoài đóng góp sáng tạo họ càng không làm “nhiễm bẩn” xã hội; không làm công chúng thất vọng. Làm nhiễm bẩn cho cộng đồng cũng là sự bất lương, chứ đừng nói là vô văn hóa.

Trần gian đương thì quá nhiễu nhương. Chả có ca sĩ có tầm và văn hóa vững chãi nào lại tự đi xưng mình là ca sĩ đứng nhất, đứng nhì đất nước hay “ông hoàng”, “bà hoàng” nọ kia. Trên khắp hoàn cầu này, trong “làm” văn hóa có ai huênh hoang hay ngạo mạn bao giờ?

Không phải showbizer nào cũng thành nghệ sĩ, mà chỉ dừng lại ở tư cách “thợ” lao động giải trí, thay vì đi làm công nhân, ngư dân, nông dân, kỹ sư, thương nhân, viên chức... Khái niệm nghệ sĩ thanh cao vì ở đó chứa niềm tin của bá tánh về văn hóa và sự tôn trọng. Mà cho dù có gọi trọn họ là nghệ sĩ, “trong giới nghệ sĩ”, thì cần nhận chân bản chất từng showbizer.
Giữa một trần gian lĩnh vực nào cũng loạn chuẩn và những nghệ sĩ chân lành cần phải được bảo bọc, công chúng cũng cần phân ra nghệ sĩ đẹp và “nghệ sĩ” xấu, nghệ sĩ sạch và “nghệ sĩ” dơ, “nghệ sĩ” háo danh và nghệ sĩ điềm nhiên, “nghệ sĩ” ít dơ và “nghệ sĩ” dơ nhiều, “nghệ sĩ” vì tiền và nghệ sĩ vì nghệ thuật, nghệ sĩ là tấm gương soi và “nghệ sĩ” giẻ rách.
Kệ, không sao cả, “show” hàng, hay “kỹ nghệ phát ngôn để gây chú ý”, hay “công nghệ lăng xê”, chiêu trò, cứ mặc, vì văn hóa tử tế ngàn đời nay có quy luật thẩm thấu như cây hút nước và trao đổi khí mới sinh thành những tế bào đầu tiên cho đến khi trổ được bông, chứ không phải hoa nhựa hay hoa giấy, phát một trổ bông, thành hoa, thụ hưởng.

Những thứ “fast food”, hay hoa nhựa đó sẽ không có hương thật, rơi vào ảo tưởng, hoặc ngã ngựa ngay khi trái gió trở trời. Đơn giản vì nó không có “nền”. “Nền” ở đây là văn hóa, hàm lượng và nội lực văn hóa, bản lĩnh dấn thân, rằng làm nghệ thuật là để hy sinh cho cái đẹp chứ không phải để cầu vinh thân phì gia hay khoe mẽ. Cũng phải thôi, vì một nhà khoa học để được công chúng biết đến, có khi công trình nghiên cứu của họ mất cả một đời, ít thì cũng vài thập kỷ, còn bạn trong thoáng chốc đã thành “sao”. “Sao” thì thường lóe mắt, và áp lực lên “sao” cũng là bình thường, và vì bạn sống nhờ sự lấp lánh đó, lẫn niềm tự hào.

Nếu nghệ thuật mà bừa, mà rẻ, mà dễ như thế thì nghệ thuật có nghĩa gì đâu so với những thứ hiện hữu trên đời, những lớp thế nhân khác, và cớ gì dân gian tôn quý xưa giờ. Thế giới showbiz làm những chương trình nói về những cái không đẹp của giới này giới kia, và hay ngồi trên sân khấu chấm điểm cho thí sinh này, người thi kia thì họ cũng được chấm điểm hay phán xét về lối sống và hoạt động của họ.

Văn sĩ William Faulkner, người Mỹ, từng nhận Nobel văn chương, đã tặng cho giới nghệ sĩ câu này, mà tôi xin trích dẫn chứ không bình luận: “Người nghệ sĩ là sinh vật bị ma quỷ ám. Anh ta không biết tại sao chúng lại chọn mình, và thường thì anh ta quá bận rộn để phân vân về nó”. Còn nhà soạn kịch nổi tiếng người Ireland, George Bernard Shaw bảo: “Bạn dùng gương để ngắm mặt mình; bạn dùng nghệ thuật để ngắm tâm hồn mình”.

Thôi, ta cứ ghi nhận (về những gì đóng góp tử tế cho xã hội), và cứ chấm điểm hoặc thống kê (về sự làm tổn thương cho xã hội) ở họ. Không đề cao và cũng không lý tưởng, như ngàn vạn nghề nghiệp bình thường trong xã hội. Nếu họ tự hào về nó, nghề showbiz, họ phải chịu trách nhiệm về niềm tự hào đó. Thế sẽ nhẹ, ở mọi lúc mọi chốn và sòng phẳng với cõi người...

Nguyễn Hàng Tình

To Top