Siddhartha

GN - Nhân ngày Phật đản, tôi cắm thêm một bông hoa trên bàn thờ để tưởng nhớ một tác giả và một tác phẩm. Tác giả là Hermann Hesse. Tác phẩm là Siddhartha. Qua bản dịch của Phùng Khánh - Phùng Thăng (Câu chuyện dòng sông), Siddhartha đã thu hút quần chúng, đặc biệt là giới trẻ, ngay khi bản dịch ra đời năm 1965.

Đây là tác phẩm danh tiếng nhất của Hermann Hesse, văn hào Đức đã nhận giải Nobel năm 1946. Bằng con đường văn chương, Siddhartha đã đem đạo Phật đến gần gũi hơn nữa với độc giả Tây phương, mở ra một nguồn cảm hứng mới cho một phong trào trí thức đang muốn khám phá ánh sáng tâm linh đến từ phương Đông qua đạo Phật và Thiền. Thời đại thay đổi, đạo Phật nay đã lan tỏa khắp Âu Mỹ, nhưng cuốn truyện Siddhartha không hề cũ, người đọc vẫn tìm thấy trong đó một lý tưởng để sống trong chính cuộc đời bây giờ.

Tôi phải nói ngay cho rõ: đây là một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương. Tiểu thuyết, nghĩa là tác giả mượn cuộc đời của Đức Phật để xây dựng bối cảnh và nhân vật, chứ không phải kể lại chính xác lịch sử của Đức Phật. Tuy vậy, hư cấu mà vẫn chân thật, cuốn truyện toát lên lòng ngưỡng mộ sâu xa của một nhà nghiên cứu am hiểu đạo Phật và văn minh Ấn Độ, mượn văn chương để nói lên niềm tin của mình. Siddhartha là nhân vật nửa thật nửa hư cấu, là gương mẫu của tác giả, là thông điệp sống mà Đức Phật gửi đến ông, thông điệp mà chúng ta đã thuộc nằm lòng: Hãy tự thắp đuốc mà đi. Siddhartha đã tự thắp đuốc. Hermann Hesse theo gương chàng thanh niên ấy. Cuốn truyện là quá trình thực hiện một niềm tin do tự mình khám phá ra cho chính mình, từ con người, không phải từ đâu khác trên trời, mà cũng không phải để bắt ai theo.

Cuốn truyện thu hút độc giả Tây phương cũng chính là vì vậy, vì ông là tín đồ Tin Lành mà lại lần mò theo chân của Siddhartha để tự tìm mình, tìm ánh sáng mới, điều ấy mới lạ, ánh sáng ấy là mới lạ đối với Âu châu đang tự thượng tôn. Điều ấy cũng mới lạ đối với tôi, vì hồi trẻ, khi đọc tác phẩm, tôi không biết tác giả. Sau này, biết tác giả, càng hiểu tác phẩm hơn.

Tôi biết tác giả khi giật mình đọc một trang viết của ông kể lại ngày đầu tiên ông đến Á châu. Ông cùng bốn người Âu châu khác ở trong một căn nhà gỗ cạnh rừng, xung quanh là nhà lá của dân phu Mã Lai khai khẩn rừng hoang. Người đầu bếp của ông, dân Tàu, ở trong xóm nhà lá đó. Một hôm, người quản đốc lâm trường đến thăm ông. Ông kể:

“Đó là một người Mã Lai có vẻ mặt đẹp và buồn. Tôi đã được nghe nói trước đó rằng ông ấy xuất thân từ một gia đình quý tộc, con trai của một vị tộc trưởng. Ông chào tôi bằng lời chào lễ phép thường ngày: “Tabeh tuan” (“Chào ông”), tôi đáp lại lịch sự “Tabeh tuan”. Khi người quản đốc ra về, viên quản lý xí nghiệp thương mại kéo riêng tôi ra, và bằng một giọng phản đối, dạy tôi bài học: tôi không bao giờ được nói chuyện với một người Mã Lai mà gọi bằng “tuan” (ông).

Ông viết: đó là một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên trong đời. Ai muốn biết cốt lõi của chủ nghĩa thực dân là gì, chỉ cần đọc mấy câu đó của Hesse. Người Âu là thượng cấp, là người đích thực. Người Á, dân da màu, là hạ cấp, là bán khai. Hạ cấp? Ông viết tiếp:

“Hai dân tộc ‘da màu’ mà tôi đã học hỏi nhiều nhất và kính phục sâu nhất là Ấn Độ và Trung Hoa. Cả hai đều đã xây dựng nên một nền văn hóa tâm linh và mỹ thuật cao hơn chúng ta về niên kỷ và ngang hàng giá trị với chúng ta về thẩm mỹ và nội dung”.

Mấy ai sống giữa thế kỷ XX, thế kỷ của thuộc địa chủ tớ nhục nhằn, mà dám đấm vào cái chủ nghĩa thượng tôn của người thống trị? Mấy ai như Hesse, con của mục sư gương mẫu, được giáo dục nghiêm minh trong truyền thống Tin Lành từ ông đến cha, mà dám chỉ trích tính thượng tôn của tôn giáo phương Tây qua tín điều, qua thần học, qua cách rao giảng, qua hành động cải đạo, qua giàn hỏa, qua Thánh chiến...? Ông viết:

“Cái gì sâu xa nhất trong tôi, tôi tìm thấy trong Upanishads, nơi Đức Phật... nơi cả Tân ước. Nhưng dù gì đi nữa, tôi vẫn trung thành với con đường Ấn Độ, dù tôi thấy con đường ấy không phải là hay hơn con đường của Thiên Chúa giáo. Tôi trung thành như vậy là vì tôi kinh hãi sự ngạo mạn của đạo Thiên Chúa, tự cho mình có độc quyền về Thượng đế, chỉ mình là chân lý, cái ngạo mạn bắt đầu từ Saint Paul và trải dài trong suốt thần học”.

Cuốn truyện thu hút độc giả Tây phương cũng chính là vì vậy, vì ông là tín đồ Tin Lành mà lại lần mò theo chân của Siddhartha để tự tìm mình, tìm ánh sáng mới, điều ấy mới lạ, ánh sáng ấy là mới lạ đối với Âu châu đang tự thượng tôn. Điều ấy cũng mới lạ đối với tôi, vì hồi trẻ, khi đọc tác phẩm, tôi không biết tác giả. Sau này, biết tác giả, càng hiểu tác phẩm hơn.

Cao Huy Thuần (Giáo sư Đại học Picardie, Pháp)

Hesse không từ bỏ tôn giáo truyền thống của gia đình ông, nhưng ông không chấp nhận nữa niềm tin mà truyền thống áp đặt lên ông từ thuở nhỏ qua cái tín ngưỡng thượng tôn của các nhà thờ. Ông trân trọng tôn kính lời dạy trong Thánh kinh: “Ngươi không được tạo dựng ra hình ảnh của Thượng đế”. Và ông cũng trân trọng tôn kính câu nói của Saint Thomas d’Aquin: “Hiểu Thượng đế chính là hiểu rằng không hiểu Thượng đế”. Từ đó, ông rút ra kết luận cho chính ông: Ông là người có niềm tin, nhưng niềm tin ấy phải tự ông hiểu ra, khám phá ra, không ai hiểu thế ông mà ông cũng không hiểu thế cho ai bằng rao giảng lý thuyết như rao giảng thần học. Ông tuyên bố: ông là nhà văn, ông chỉ viết thơ văn, Thượng đế của ông nằm trong thơ văn, thoát ra khỏi khung khổ chật hẹp và bất khoan dung của các nhà thờ. Ông sống ngoài nhà thờ và các cộng đồng mà ông chỉ trích nghiêm khắc. Với nhà thờ Công giáo, ông viết, ông ngưỡng mộ từ xa “nhưng hễ đến gần tôi chỉ thấy, cũng như mọi tổ chức khác, mùi của máu và bạo lực, của chính trị và hung ác”. Ngay cả với Luther, thủy tổ của tôn giáo ông, ông nghiêm khắc không kém:

“Luther đã viết về dân Do Thái bằng những lời lẽ hung dữ và cuồng tín khát máu không thua bất cứ một Hitler hay một Stalin nào. Đã đành, Jésus không can dự gì ở đây, nhưng ta có thể vẫn yêu Jésus mà vẫn công nhận giá trị của những con đường cứu rỗi khác mà Thượng đế đã chỉ ra cho nhân loại”.

Cho nên, theo ông, hễ là nhà thờ thì nhà thờ nào cũng thế, thượng tôn và bất khoan dung, Luther không khác:

“Tôi thán phục ông, tôi yêu ông nữa, như là một người đầy đủ và xuất chúng về ngôn ngữ, nhưng tôi cho rằng vai trò của ông trong lịch sử thế giới là tai họa. Nếu ông chỉ là một người Tin Lành nổi loạn chống lại bọn giáo sĩ, một chiến sĩ bảo vệ cá nhân chống lại nhà thờ và nhà nước, thì tôi chẳng có gì để nói. Nhưng ông lại thay phiên xây dựng một nhà thờ chẳng hơn gì cái cũ, ông đã tận lực ủng hộ nhà nước và các vương quyền, bỏ rơi nông dân nghèo khổ; nước Đức bị ông đẩy vào tình trạng chia hai tôn giáo, chiến tranh ba mươi năm, cuồng tín của đạo mới và nhiều tai họa khác nữa”.

Phải nói lại lần nữa để hiểu tại sao Hesse luôn luôn khẳng định Siddhartha là tác phẩm nói lên lòng tin của ông. Ông là người luôn luôn có niềm tin nhưng không phải là niềm tin đã bị truyền thống thượng tôn áp đặt, cho nên ông đi tìm ánh sáng nơi văn hóa “da màu” và Đức Phật xuất hiện từ trong văn minh Ấn Độ mà ông tìm hiểu. Siddhartha là người đã đi tìm, đã tự giải phóng, đã phá đổ mọi tù ngục, từ tù ngục vàng cung điện đến tù ngục Bà-la-môn, tù ngục truyền thống, tù ngục tín ngưỡng và cuối cùng tù ngục luân hồi. Siddhartha là con người lý tưởng của ông.

Ông khám phá được một tinh yếu nữa nơi Siddhartha, nghĩa là nơi Đức Phật: Đức Phật không phải chỉ nói lý thuyết, Đức Phật thực hành lý thuyết bằng hành động trong suốt 45 năm không ngưng nghỉ, để lại vết chân khắp nơi. Đạo Phật dạy: hãy đến với chân lý bằng kinh nghiệm bản thân, không phải bằng khái niệm lý thuyết. Cũng bằng kinh nghiệm bản thân, cũng bằng cách gạt bỏ những khái niệm thần học, Hesse tìm thấy thiêng liêng nơi Đức Phật, thiêng liêng mà ông vẫn hằng suy nghĩ về Thượng đế của riêng ông. “Với ông, Đức Phật là tượng trưng cho con người toàn hảo, ý thức được thiêng liêng trong chính bản thân và tìm cách thực hiện”. Câu này không phải do tôi viết, mà do từ người bạn thân của Hesse, biết rõ Hesse, và tuyển chọn những bài viết có ý nghĩa nhất của Hesse để in thành sách. Tất cả những trích dẫn của tôi là từ sách này.

Cùng thời với Hesse, đã có nhiều học giả phổ biến đạo Phật ở Âu Mỹ, đã có triết gia Schopenhauer soi sáng triết lý Phật giáo cho người Đức, Hermann Hesse không thích rao giảng lý thuyết, chọn con đường văn chương. Siddhartha là một tác phẩm văn chương, tác giả là nhà văn. Nhà văn có nhiệm vụ gì? Tôi trích:

“Tôi là nhà văn mà lẽ sống là tìm kiếm và nói lên niềm tin của mình, tôi phụng sự chân lý với lòng chân thật, tôi có một nhiệm vụ, nhưng nhỏ bé và hạn chế: tôi phải giúp người khác trong việc tìm hiểu và đối phó với cuộc đời, dù chỉ là đem lại cho họ chút an ủi rằng họ không phải lẻ loi”.

Các bạn trẻ thân mến, nếu các bạn là người đi tìm, và nếu các bạn thất vọng vì lẽ này lẽ nọ trong thực tế như Hesse đã từng thất vọng chán chường, hãy cầm Siddhartha trong tay như nắm bàn tay một người bạn thân. Tôi cũng đã nắm tay Hesse như vậy, như nắm tay một nhà văn. Để không thấy lẻ loi trong nhiệm vụ bé nhỏ, rất bé nhỏ. Để lấy đó làm lẽ sống.

Cao Huy Thuần / Báo Giác Ngộ số đặc biệt Phật đản

---------------

Chú thích: Quyển sách mà tôi đọc là “Hermann Hesse, La foi telle que je l’entends” của Siegfried Unseld, do Philippe Giraudon và Jean-Yves Masson dịch ra tiếng Pháp, Paris, La Coopérative, 2017. Các câu trích dẫn lần lượt từ các trang 71-72; 72; 123; 192; 151; 162-163; 197; 155-156.

To Top