Sự tàn ác của giới siêu giàu ở 'Penthouse 3' khiến khán giả mệt mỏi

Mùa cuối của thương hiệu phim truyền hình ăn khách 'Penthouse' đã lên sóng. Phim cho thấy sự cũ mòn, sa sút về nội dung chỉ sau vài tập.

Còn nhớ, hồi cuối tháng 10/2020, khi Penthouse lên sóng, phim gây ấn tượng vì câu chuyện kết oán, trả thù tàn bạo của giới siêu giàu Hàn Quốc. Khi ấy, tác phẩm với Lee Ji Ah, Kim So Yeon, Eugene và Uhm Ki Joon trong vai chính theo đuổi thể loại chính kịch, giật gân có yếu tố hình sự.

Thành công rực rỡ của mùa đầu tiên đã giúp Penthouse được rót vốn sản xuất thêm hai mùa. Tuy nhiên, đường càng dài, series lại càng cho thấy sự xuống sức. Tới mùa ba, phim nghiêng về hướng hài kịch, giảm nhẹ yếu tố tâm lý, chính kịch và lạm dụng nhiều tình tiết phản nhân văn.

Một bộ phim gây mệt mỏi

Trong 50 First Dates (2004), nhân vật nữ chính của Drew Barrymore bị tổn thương não sau một tai nạn, khiến cô quên hết những điều mới trải qua chỉ sau 24 giờ. Tất cả những gì cô còn nhớ sau hàng chục năm tiếp theo chỉ là ký ức từ ngày trước vụ tai nạn.

Penthouse thường xuyên lặp đi lặp lại một mô-típ người giàu thoát tội, phản diện được cứu còn người tốt chưa được vạ thì má đã sưng.

Căn bệnh trí nhớ ngắn hạn cũng là vấn đề lớn mà Penthouse đang mắc phải. Sau ba mùa phim và vô số lần vào tù ra tội, bê bối đời tư bị tung hê trên mặt báo, gặp nạn tưởng chết… các nhân vật không hề biết sợ, vẫn ngựa quen đường cũ và đắm chìm trong tham vọng, động cơ, thậm chí vẫn ở địa vị xã hội giống như tập đầu tiên.

Một bộ phim hấp dẫn là tác phẩm mà trong đó, cả nhân vật lẫn câu chuyện phải có sự phát triển: Kẻ xấu hoàn lương, người tốt sa ngã, tội ác phải trả, việc tốt được đền đáp, người hàm oan được trả lại sự trong sạch… Tuy nhiên, sau ba mùa phim, Penthouse vẫn chỉ kể những câu chuyện cũ, quanh quẩn xào nấu chừng ấy tình tiết theo cách giật gân ở cấp độ vô lý hơn.

Từ phía khán giả, khi theo dõi diễn biến những vụ bê bối, thủ đoạn, mưu mô giết hại lẫn nhau từ 3 mùa Penthouse, chỉ thấy mệt mỏi, ức chế, và cảm xúc tiêu cực dồn nén.

Khi khán giả hài lòng để mình bị cuốn theo cuộc “bóc phốt dài tập” trên sóng truyền hình, họ đã phần nào quên mất mình xứng đáng với những sản phẩm chất lượng hơn.

Sự bế tắc của nhân tính

Trong hai tập đầu Penthouse 3, khán giả thấy lại diễn biến mang tính “kinh điển”, lặp đi lặp lại liên tục qua các mùa - phe phản diện ung dung thoát nạn, tìm người tốt để trả thù. Còn ở phía chính diện, các nhân vật tựa dã tràng xe cát biển Đông, phải bắt đầu lại cuộc đấu tranh từ mốc khởi đầu.

Ju Dan Tae là đại ma đầu có kim bài miễn tử từ biên kịch.

Ju Dan Tae trốn khỏi trại giam trong chớp mắt, tìm tới trả thù Logan Lee, đổ toàn bộ tội ác trước kia cho người khác rồi ung dung trở lại ghế chủ tịch tập đoàn. Cheon Seo Jin nhờ giả điên khùng cũng nhanh chóng được phóng thích. Hội phụ huynh Hera sau thời gian thụ án như tấu hài cũng nhanh chóng trở lại dưới mái nhà xa hoa.

Điều nực cười hơn cả chính là việc kẻ bị tuyên án nặng nhất lại ra tù sớm nhất, còn người chỉ chịu án vài năm tù lại được trả tự do sau cùng. Sau khi tự do, họ lại ngay lập tức hào hứng bắt tay vào việc thâu tóm bất động sản và làm giàu bất chính.

Không chỉ bôi vẽ cơ quan hành pháp như một trò hề, biên kịch Penthouse 3 còn xây dựng một xã hội Hàn Quốc quá sức bao dung với người giàu. Không một ai, bao gồm cả hội đồng quản trị công ty của Ju Dan Tae, đủ sức truất quyền của gã dù nhân vật nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của công ty.

Người ta thường nhắc đến luật rừng như một lối thoát khi công lý không đủ sức bắt kẻ ác đền tội. Kịch bản không còn mới với điện ảnh và truyền hình, đặc biệt là các bộ phim giật gân Hàn Quốc. Tuy nhiên, với Penthouse, có thể thấy rõ bàn tay can thiệp, tới mức “bẻ cong thực tại” của biên kịch Kim Soon Ok để cuộc trả nợ máu bằng mọi cách sẽ diễn ra trên màn ảnh.

Trong thế giới của bộ phim, giàu có, độc ác và được biên kịch chống lưng là những lá bài miễn tử của Ju Dan Tae cũng như bè cánh theo chân gã tại Hera. Tình tiết kẻ xấu thoát nạn hết lần này đến lần khác khiến cái ác trong phim xuất hiện không phải để răn đe mà đóng vai trò một tiết mục câu khách, mua vui.

Trong mùa 1 của Penthouse, dàn "rich kids" xuất hiện như một thế lực phản diện, gián tiếp khiến những sự việc đau lòng xảy ra trên màn ảnh. Tuy nhiên, trong mùa hai, và đặc biệt là mùa ba, chúng chỉ còn là những nạn nhân, bị lợi dụng triệt để trong âm mưu của các ông bố bà mẹ.

Trong tập 2 mùa 3 của Penthouse, Ju Dan Tae đã dùng mưu hèn kế bẩn để loại bỏ những thí sinh khác cùng tham gia kỳ thi tuyển với con gái mình. Đáng nói, kế hoạch có sự tiếp tay của cả con gái Dan Tae và nhiều người trưởng thành khác. Thay vì khuyến khích con gái vươn lên bằng thực lực, gã đàn ông quyết định dạy con bài học về cách triệt hạ đối thủ.

Câu hỏi đặt ra là, cuộc gian lận thi cử được biên kịch dành nhiều thời gian miêu tả trên màn ảnh nhằm mục đích gì? Phê phán nền giáo dục nhiều tiêu cực? Tô đậm hình tượng đồi bại của Ju Dan Tae? Hay đơn thuần đây chỉ là một “drama” nữa theo mô-típ tấn công nạn nhân và nâng tầm hung thủ nhằm khơi dậy sự bất bình của khán giả như mọi biến cố khác từng xuất hiện trong phim?

Câu khách bằng cảm xúc tiêu cực

Tính phi logic đã trở thành bản sắc của thương hiệu Penthouse còn nằm ở việc biên kịch đột ngột giết rồi hồi sinh nhân vật không tuân theo bất kỳ logic nào.

Cuối phần một, cái chết của Shim Su Ryeon đóng vai trò bước ngoặt, dẫn tới những thay đổi trong tâm lý và hành động của các nhân vật trong mùa hai.

Nhân vật anh trai của Logan Lee có thể coi là thất bại mới của bộ phim.

Tuy nhiên, tới giữa mùa hai, Su Ryeon lại đột ngột trở lại, gây thêm thù hận với Ju Dan Tae dù ân oán với hai người có thể coi là đã xong xuôi từ phần một. Cho tới mùa 3, nội dung Penthouse đã cho thấy mục đích đưa Su Ryeon trở lại màn ảnh chỉ có một - câu giờ cho tác phẩm đã cạn nội dung

Tiếp đến, việc Bae Ro Na bị giết rồi được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc của phần hai cũng bị đánh giá là một chi tiết thừa thãi. Quá tam ba bận, biên kịch Penthouse lại giết Logan Lee, người đứng sau chỉ đạo toàn bộ cuộc trả thù Ju Dan Tae. Nhưng Logan vừa biến mất được hai tập, phim lại “đẻ ra” thêm một tay Hàn kiều khác là anh em sinh đôi của anh, khiến bộ phim càng trở nên... ngớ ngẩn.

Sự xuất hiện của Alex Lee, anh trai sinh đôi của Logan Lee, đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay của khán giả Âu-Mỹ với Penthouse. Họ chỉ ra thương hiệu truyền hình đã nhiều hơn một lần cho thấy thiên kiến về cộng đồng da đen trên màn ảnh nhỏ.

Với khán giả Hàn Quốc và châu Á, Alex Lee dường như là cái hố tiếp theo mà nữ biên kịch Kim Soon Ok đã tự đào ra và ngã xuống. Ngoài giết chết một nhân vật rồi hồi sinh họ, đẻ thêm gương mặt mới cũng là lối thoát thường thấy của bộ phim để “chữa cháy” mỗi khi nội dung có dấu hiệu sa lầy.

Sau ba mùa phim, sự vòng vo, cũ kỹ của Penthouse đã không thể che đậy bằng kịch bản với quá nhiều các tình tiết câu khách nực cười. Trên mạng xã hội Hàn Quốc, khán giả thường xuyên theo dõi Penthouse bình luận bộ phim đã trở thành tác một tác phẩm hài kịch. Và họ cũng không quá bất bình với hướng phát triển này.

Thú vui giải trí bằng cách xem nhân vật hành xử lố bịch trên màn ảnh của người Hàn đã giúp Penthouse duy trì được tỷ lệ người xem ấn tượng. Tuy nhiên, đây lại là thất bại của bản thân bộ phim khi không duy trì được sự đồng nhất về tinh thần và phong cách thể hiện.

Series phim biến đổi quá nhanh qua các phần - dù mỗi mùa phim chỉ lên sóng cách nhau vài tháng thay vì khoảng một năm như nhiều series truyền hình khác.

Anh Phan

To Top