Sự thật về 'Người đẹp và quái vật'

Thời xưa, những người với các đặc điểm thể chất khác thường phải sống lặng lẽ khép kín, bên lề xã hội. Họ bị xem là 'quái đản', 'ghê tởm' và bị đối xử như những con quái vật.

Bức vẽ “Người đẹp và quái vật” của họa sĩ người Flemishm, Joris Hoefnagel, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia, Mỹ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có số phận như vậy. Điển hình là một “người đàn ông hoang dã” từ nô lệ trở thành nhà quý tộc, có người vợ đẹp tuyệt trần. Đây được coi là nguồn cảm hứng cho câu chuyện Người đẹp và quái vật nổi tiếng sau này.

Nô lệ của vua

Petrus Gonsalvus, sinh năm 1537 trên đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canary (Tây Ban Nha). Ông ra đời với bệnh hypertrichosis, hay “Hội chứng người sói”, một tình trạng bệnh khiến nạn nhân bị mọc lông trên mặt và cơ thể, trông giống một con vật.

Ngay từ khi còn bé, Petrus đã bị bán làm nô lệ và thu hút sự chú ý của công chúng do ngoại hình quái dị của mình. Vào thế kỷ 16, những người tí hon, khổng lồ hay chịu các khuyết tật cơ thể thường bị mang bán hoặc cho tặng như “vật nuôi” đến những gia đình quý tộc giàu có. Petrus cũng không tránh được số phận này. Năm 10 tuổi, cậu bị đưa xuống tàu gửi sang Pháp làm quà cho vua Henry II nhân dịp nhà vua đăng quang vào năm 1547.

Tại đây, cậu bé được gọi là “người hoang dã”, “người rừng”, do ban đầu không nói được, chỉ giao tiếp bằng những tiếng càu nhàu, gầm gừ và có những hành động như một loài thú hoang dã. Người ta coi Petrus như một con vật hơn là con người, các thầy thuốc của triều đình đã kiểm tra cậu một cách kỹ lưỡng để tìm xem đây là loại sinh vật gì. Petrus bị nhốt trong phòng tối, thỉnh thoảng mới được mang ra, cho vào chiếc lồng sắt để làm trò tiêu khiển cho khách của nhà vua.

Cho đến một hôm, vua Henry II quyết định tiến hành một thử nghiệm. Ông thả Petrus ra và cử người nuôi dạy cậu như một người bình thường, theo một nền giáo dục chính quy và cho mặc những bộ trang phục điển hình thời bấy giờ.

Nhà vua rất thích thú với kết quả đạt được, bởi vì dù vẻ ngoài dữ tợn nhưng Petrus vẫn hành động như một người bình thường, thậm chí còn thông minh hơn mức bình thường, cậu học cách trò chuyện và tương tác với mọi người khá tốt. Cậu học toán, nghệ thuật, tiếng Latinh, văn học Pháp, thậm chí cả kỹ thuật quân sự và tiếp thu tốt tất cả những kiến thức mới kể trên.

Điều này chứng tỏ “người hoang dã” không phải là một dạng lai giữa người và loài vật, như người ta nghi ngờ trước đây, mà có khả năng phát triển như một con người. Petrus trở thành nhân vật có mặt thường xuyên tại triều đình, làm trò vui cho mọi người. Cậu cũng được xuất hiện trong các cuộc tiếp khách và quý tộc nước ngoài của triều đình do khả năng nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Latinh khá tốt.

Hạnh phúc bên vợ đẹp

Petrus Gonsalvus (trái), “Quái vật” thực sự và “Quái vật” trong phim ảnh.

Năm 1559, vua Henry II chết do tai nạn trong một cuộc đấu thương trên lưng ngựa và Petrus trở thành tài sản của hoàng hậu Catherine de Medici, người trở thành nhiếp chính trong triều. Bà hoàng này cư xử không tốt với cậu bé, Petrus lại bị xem như một con vật.

Tuy nhiên, sau đó nữ vương lại nảy ra một ý tưởng thử nghiệm mới trên Petrus, để xem điều gì xảy ra nếu chàng ta kết hôn với một người phụ nữ xinh đẹp và họ sẽ sinh ra những đứa con như thế nào.

Ngay khi Petrus đủ lớn, một thiếu nữ xinh đẹp tên là Catherine, con gái của một trong những người hầu cận trong triều, được chỉ định làm cô dâu của anh. Mọi người trong gia đình cô dâu đều không biết Petrus thực sự trông như thế nào cho đến ngày cưới. Tất cả đều nằm trong tính toán của bà hoàng.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, mặc dù bị ép buộc phải sống cùng nhau và cô gái ban đầu rất kinh hãi khi nhìn thấy bộ dạng của người chồng, nhưng rồi cả hai thực sự yêu nhau. Hai đứa con đầu tiên của họ ra đời hoàn toàn bình thường, trước sự bối rối của nữ hoàng. Nhưng bốn đứa trẻ tiếp theo lại có biểu hiện tình trạng bệnh của cha chúng.

Thời điểm đó, cả gia đình được cử đến nhiều nước châu Âu để thỏa mãn sự tò mò của giới quý tộc ở đây. Sau khi nữ hoàng Catherine qua đời, gia đình Petrus được sự che chở của Margaret, nữ công tước xứ Parma, trước khi ổn định cuộc sống dưới sự chăm lo của một công tước ở Italy.

Trong thời gian đi mua vui cho giới quý tộc, gia đình họ được cho là khởi đầu một hiện tượng xiếc quái dị ở châu Âu. Tuy nhiên, Petrus và những đứa con mắc bệnh tương tự như ông chưa bao giờ gạt bỏ được ý nghĩ rằng họ chỉ hơn những con vật được thuần hóa và huấn luyện.

Mặc dù vậy, họ sống tương đối xa hoa. Một trong những cô con gái, Antoinetta, được gả cho một gia đình quý tộc ở Bologna, Italy, và những người khác cuối cùng cũng được sống với những gia đình quý tộc.

Câu chuyện của ông có lẽ là một trong những nguồn cảm hứng cho câu chuyện kinh điển Người đẹp và quái vật, được viết bởi tiểu thuyết gia người Pháp, Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve vào năm 1740, một câu chuyện tình nổi tiếng trong văn chương và cả điện ảnh thời nay.

Tài liệu về cuộc đời sau này của gia đình Petrus rất ít ỏi và sơ sài. Người ta chỉ ghi nhận Petrus đã từng tham dự lễ rửa tội của hai người cháu, nhưng ít người biết điều gì đã xảy ra kể từ khi ông chấm dứt những chuyến lưu diễn, cho đến khi qua đời vào năm 1618. Còn “người đẹp”, vợ ông qua đời năm 1623. Đến nay không ai biết đến mộ của cả hai người nhưng ký ức về họ thì vẫn hiển hiện trong nhiều bức chân dung ở các bộ sưu tập tại nhiều nước, trong đó có bức vẽ “Người đẹp và quái vật” hiện trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Mỹ ở Washington D.C.

To Top