Sức mạnh 'mềm' văn hóa là một thành tố quan trọng cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia

Phát huy vai trò của văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng là một trong những vấn đề mà trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đã nêu và đề cập đến, PGS, TS Lâm Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trong Dự thảo báo cáo chính trị có nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021–2030 về phát triển văn hóa, con người: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí nhìn nhận về định hướng này như thế nào?

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn: Hiện nay, vấn đề phát triển con người, văn hóa đã trở thành mối quan tâm chung của nhân loại. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, nội dung về phát triển văn hóa, con người tiếp tục mạch tư duy ấy. Vấn đề xây dựng nền văn hóa dân tộc được gắn với vấn đề phát triển con người toàn diện. Phát triển văn hóa là phát triển con người, phát triển con người là trung tâm của quá trình phát triển văn hóa. Đây là những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, định hướng phát triển con người, văn hóa của Đảng ta không chỉ thể hiện tư duy nhất quán mà còn phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển chung của nhân loại.

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn.

PV: Chúng ta cần cơ chế, chính sách gì để “tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa; xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”?

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn: Truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin và khát vọng phát triển đất nước vốn là những giá trị văn hóa được các thế hệ người Việt Nam sáng tạo, gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, để khơi dậy những truyền thống, những giá trị quý báu đó thiết nghĩ cần có sự đầu tư quy mô hơn, bài bản hơn, có chiều sâu hơn nữa đối với lĩnh vực văn hóa. Cần thay đổi tư duy khi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, không thể lấy những lợi ích trước mắt làm thước đo để quyết định có nên đầu tư cho văn hóa hay không. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư mang tính chiến lược. Trong phát triển văn hóa, con người, việc xây dựng, hoàn thiện các môi trường văn hóa là hết sức quan trọng. Cần chú ý xây dựng các môi trường văn hóa ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân cũng như đạo đức, lối sống của toàn xã hội. Đó là tập trung xây dựng, gìn giữ văn hóa gia đình, văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, trường học, văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, văn hóa ở khu dân cư ...

Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng.

PV: Muốn “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, như theo định hướng, đồng chí cho rằng chúng ta phải có giải pháp như thế nào để đạt được điều này?

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn: Để phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố, trong đó cần thiết nhất hiện nay chính là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, giáo dục phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ về triết lý giáo dục, về chương trình, nội dung giáo dục, từ chỗ nhấn mạnh đến trang bị kiến thức, giáo dục đào tạo cần chuyển hướng sang phát triển năng lực và phẩm chất để hoàn thiện trí tuệ, nhân cách, phẩm giá con người. Giáo dục không chỉ góp phần hình thành con người có kiến thức, kỹ năng làm việc hiệu quả mà còn phải có các phẩm chất đạo đức cần thiết như đức tính trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, …

PV: Việt Nam là đất nước có nền văn hóa với bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có bản sắc riêng và được coi là rất mạnh, nên không dễ đồng hóa. Chúng ta cần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam như thế nào trong giai đoạn tới để góp phần thực hiện đúng định hướng như Dự thảo Văn kiện trình Đại hội, thưa đồng chí?

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn: Sức mạnh mềm văn hóa là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, nó đặc biệt có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế. Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó nên tập trung vào những vấn đề sau:

Màn sơ duyệt biểu diễn trống hội chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Ngọc Nguyễn.

Thứ nhất, cần xác định rõ những tài nguyên nào có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa… chính là các nguồn lực văn hóa có khả năng tạo nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Như vậy, muốn phát huy sức mạnh mềm văn hóa trước hết cần quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ hai là chú trọng phát triển du lịch văn hóa. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch văn hóa góp phần rất quan trọng trong xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng hình ảnh Việt Nam - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.

Thứ ba là tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa khi ra khỏi biên giới sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà nó còn là đại sứ thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, cần có các kế hoạch hết sức cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ mẫu mã đến nội dung và đặc biệt lưu ý khả năng chuyển tải tinh thần văn hóa, giá trị văn hóa Việt Nam của các sản phẩm đó. Trong số các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam nên lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành là thế mạnh của Việt Nam như du lịch, phần mềm trò chơi điện tử, thủ công mỹ nghệ...

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một số giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, để phát huy sức mạnh mềm văn hóa quốc gia cần có một kế hoạch tổng thể và chi tiết.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

To Top