Sức sáng tạo qua 'Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động'

Nhân đọc sách Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động của PGS.TS Tôn Thảo Miên, Nxb. Văn học, 2016.

Trước khi tập tiểu luận - phê bình Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động được công bố, PGS.TS Tôn Thảo Miên đã có gần 20 công trình in chung và chủ biên; làm chủ nhiệm một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, và có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu Hội thảo khoa học. Ngoài công tác nghiên cứu, bà đã tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ cho một số trường Đại học và Viện nghiên cứu trong cả nước. Số lượng bài viết, công trình nghiên cứu và sách xuất bản tuy chưa phải là nhiều, nhưng có thể nhìn thấy ở PGS.TS Tôn Thảo Miên một định hướng nghiên cứu rõ ràng và một tinh thần làm việc nghiên túc, cần mẫn, đam mê, đầy bản lĩnh, trách nhiệm với nghề nghiệp - sự nghiệp văn học nghệ thuật. Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động có tổng số 524 trang, khổ 14 x 20,5, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2016. Quyển sách gồm 28 bài viết, được cấu trúc gồm ba phần: Phần I: Phong cách nghệ thuât - lý luận thực tiễn; Phần II: Kịch Việt Nam qua những chặng phát triển; Phần III: Văn học Việt Nam đương đại - tác động và chuyển hóa. Ở mỗi phần của cuốn sách tác giả đã tập hợp những bài tiểu luận về lý luận, phê bình đã được công bố chính thức trong các cuộc hội thảo, đăng trên các báo, tạp chí. Nội dung mỗi phần khá phong phú và đa dạng, xoáy sâu vào những vấn đề lý luận về phong cách học, phong cách nhà văn, thể loại kịch, thị hiếu thẩm mĩ,… trong đó có những vấn đề đang gây nên những tranh luận trái chiều như vấn đề thị hiếu thẩm mĩ, vì vậy nó đã tạo nên hưng phấn cho người tiếp nhận qua từng trang sách của tác giả.

Phần I: Phong cách nghệ thuật - lý luận và thực tiễn gồm 12 bài viết luận bàn về vấn đề lý thuyết của phong cách học, về chân dung của một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tiêu biểu đã được định hình phong cách, được giới nghiên cứu và bạn đọc yêu mến, ghi nhận. Đọc các tiểu luận như Về khái niệm phong cách cá nhân của nhà văn, Phong cách học qua lý luận phê bình văn học Việt Nam, Vấn đề tiếp nhận và thực tiễn nghiên cứu phong cách nhà văn,... độc giả sẽ tiếp nhận được một lượng kiến thức rất cơ bản, mới mẻ về những vấn đề lý luận của phong cách và phong cách nhà văn, nhà nghiên cứu văn học. Điểm đáng chú ý, ghi nhận ở phần này ngoài cung cấp cho người đọc một kho tư liệu bổ ích về khái niệm phong cách, phong cách nhà văn, tác giả của cuốn sách đã đi vào thực hành, khảo cứu và dẫn chứng một số trường hợp cá nhân xuất sắc ở địa hạt nghiên cứu và sáng tác văn học đã góp phần xây dựng, tạo nên diện mạo của đời sống lý luận - phê bình và sáng tác văn học qua mỗi thời kỳ như Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Trương Chính, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân,… Trương Chính và một phong cách nghiên cứu - phê bình văn học là một bài tiểu luận nghiên cứu rất công phu, sắc sảo khi viết về nhà nghiên cứu, phê bình và dịch thuật văn học Trương Chính - thuộc thế hệ tiên khu mở đường của nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Là một người rất nghiêm cẩn trong nghiên cứu khoa học, tác giả đã công phu khảo sát, để chỉ ra phong cách riêng trong lối phê bình của Trương Chính: Trương Chính là nhà nghiên cứu văn học có tài năng thực sự lớn, ông đã định hình được một phong cách riêng, một cá tính độc đáo. Dấu ấn của phong cách ấy được thể hiện rõ trong việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu, bút lực già dặn, uyển chuyển, đằm sâu, với một văn phong thâm hậu, truyền cảm: “Đối với nhà nghiên cứu phê bình văn học Trương Chính tôi vẫn nghĩ ông đã tạo được một phong cách riêng thông qua việc nghiên cứu một hệ thống các vấn đề về nền văn hóa dân tộc và chân dung các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình mà ông yêu thích. Phong cách ấy không chỉ biểu hiện ở khối lượng tác phẩm mà còn ở văn phong sáng sủa, có sức hấp dẫn người đọc” (tr.78). Trong gần 70 năm cầm bút viết phê bình, nghiên cứu và dịch thuật “Trương Chính đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của văn học Việt Nam suốt một chặng đường dài từ văn học cổ trung đại đến hiện đại” (tr.78). Trần Thanh Mại và hai tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học trước năm 1945 là một bài viết khá thú vị và sâu sắc của PGS. TS. Tôn Thảo Miên. Tác giả bài viết không bao quát toàn bộ sự nghiệp văn học của Trần Thanh Mại, mà chỉ tập trung nghiên cứu hai tác phẩm có tính chất chuyên luận viết trước năm 1945 về hai nhà thơ nổi tiếng Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử. Trông giòng sông Vị (1935) và Hàn Mặc Tử (1941) là hai tác phẩm điển hình, tiêu biểu cho lối phê bình tiểu sử của Trần Thanh Mại - một phương pháp phê bình có tính khai mở ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chính nhờ có phương pháp phê bình mới này, mà Trần Thanh Mại đã để lại dấu ấn cá nhân sâu sắc. Theo bà: “Để đánh giá một tác giả, một tác phẩm là xem tác giả, tác phẩm đó có đóng góp gì mới cho đời sống văn học nước nhà, chứ không phải tác giả, tác phẩm đó thuộc trào lưu, khuynh hướng nào. Vì vậy, trước hết phải khẳng định Trần Thanh Mại là một trong những người có công khai phá, mở đường cho bộ môn nghiên cứu phê bình văn học vốn còn rất mới mẻ trong những năm đầu thế kỷ XX. Sau nữa, ông là người đầu tiên đặt bút khám phá thế giới thơ ca của Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử thông qua hai tác phẩm Trông giòng sông VịHàn Mặc Tử” (tr.82). Cuối cùng, tác giả bài viết đã đưa ra một nhận định rất chính xác về việc khẳng định Trần Thanh Mại chính là người mở đường cho khuynh hướng nghiên cứu chân dung tác giả: “Với hai tác phẩm vừa tiêu biểu cho trào lưu phê bình còn thưa thớt lúc đó, vừa có tính chất mở đường cho việc nghiên cứu chân dung hai nhà thơ Trần Tế Xương và Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại thực sự trở thành người ghi công cho khuynh hướng nghiên cứu chân dung tác giả bằng phương pháp phê bình xã hội - tiểu sử” (tr.100). Nguyễn Tuân - Dấu ấn của cá tính sáng tạo là bài viết có nhiều điểm mới mẻ, thú vị trong việc lẩy ra, phân tích những khía cạnh tạo nên cá tính độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác giả của bài viết đã giải mã, tìm ra được ngọn nguồn trong việc tạo nên một cá tính “độc đáo vô song” đã khiến cho người đọc của mọi thời đại đều yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Theo tác giả bài viết, cá tính sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Tuân được hình thành từ ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân, từ ý thức rất rõ về tài năng, từ điểm nhìn nghệ thuật và giọng điệu. Nhờ cá tính sáng tạo đó, mà Nguyễn Tuân “đã để lại dấu ấn cá tính trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình, và đó chính là sự nhất quán trong con người và văn chương”[tr.118].

PGS.TS. Tôn Thảo Miên cũng dành nhiều tâm huyết cho nhà văn Vũ Trọng Phụng (bà đã tuyển chọn, viết lời giới thiệu cho Toàn tập Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn học, 2004; Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn học, 2004) - một “hiện tượng” tốn nhiều giấy mực trong lịch sử văn học nước nhà với hàng trăm bài viết, hàng chục tiểu luận, luận văn, luận án đã công bố, trong đó những bài viết, những công trình công bố trong thời kỳ Đổi mới, dân chủ đều khẳng định Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tài năng, có một địa vị xứng đáng trong các nhà văn hiện thực trước Cách mạng. Người ta tấn phong Vũ Trọng Phụng là một “Ông vua phóng sự đất Bắc”, một nhà tiểu thuyết hoạt kê, thiên tài châm biếm, đả kích,… thì tác giả công trình này cũng góp thêm một tiếng nói qua bài viết Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng để khẳng định tài năng của ông ở thể loại này bên cạnh những thể loại khác. Truyện ngắn của ông có một sắc thái và một dáng vẻ riêng, không lẫn với các nhà văn cùng thời: “Lâu nay truyện ngắn Vũ Trọng Phụng không được bàn đến nhiều như tiểu thuyết và phóng sự, nhưng cũng đủ để chúng ta phải trân trọng một tác giả truyện ngắn tài năng bên cạnh một “ông vua phóng sự đất Bắc” và một nhà tiểu thuyết hiện đại” (tr.120). Sau khi đi vào tìm hiểu, phân tích và đánh giá rất cặn kẽ hơn bốn mươi truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, tác giả bài viết đã đi đến khẳng định rằng: “Truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã góp phần xứng đáng vào nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Chân dung của nhà văn Vũ Trọng Phụng sẽ hoàn thiện và tỏa sáng hơn khi chúng ta đặt lại vị trí cho những truyện ngắn xuất sắc của ông” (tr.129).

Phần II: Kịch Việt Nam qua những chặng phát triển gồm 8 bài viết tập trung nghiên cứu về thể loại kịch, trong đó chủ yếu nghiên cứu, bàn về phê bình kịch, kịch bản văn học, hoạt động sân khấu và một vài kịch gia thế kỷ XX. Tác giả đã công bố một số bài viết như Phê bình kịch đầu thế kỷ 20 đến 1945, Vài nét về lý luận -phê bình kịch nói những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Về một giai đoạn phát triển của văn học kịch, Một số vấn đề về lý luận sân khấu mấy năm gần đây, Nhìn lại văn học kịch 1975 - 1985. Đọc những bài viết này độc giả sẽ thấy được diễn trình phát triển liên tục của kịch Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay qua các thời kỳ, các giai đoạn, các chặng đường,... Phê bình kịch đầu thế kỷ 20 đến 1945 là một bài viết thú vị, đưa đến một cái nhìn tổng quan về sự xuất hiện, phát triển và những đóng góp của kịch trong sự phát triển chung của cả một nền văn học thời kỳ này, cũng như đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức kịch của công chúng thời đó. Có được thành quả này chính là nhờ có một lực lượng viết kịch đông đảo, đầy tài năng như Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hữu Kim, Đoàn Phú Tứ, Nam Xương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Thái Phỉ, Mộng Vân, Phùng Bảo Thạch, Lê Công Đắc, Tùng Lâm, Trương Đình Thi, Lê Đình Mậu,... Đánh giá về kịch Việt Nam ở thời kỳ này, PGS. TS Tôn Thảo Miên có nhận xét rất đúng khi cho rằng, kịch đã có sự khởi sắc và đổi mới đáng kể, nhưng vì mới khởi đầu nên bao giờ cũng gian nan, vất vả và bộc lộ cả những non yếu của nó nữa: “Nhìn vào sự khởi đầu của kịch nói Việt Nam thấy rõ tính chất non yếu của nó trên cả ba bình diện: kịch bản, vở diễn và phê bình, nhưng bên cạnh đó đã có những dấu hiệu thể hiện sự khởi sắc và đổi mới. Chẳng hạn số lượng kịch bản Việt Nam, viết về con người và xã hội Việt Nam đương thời đã lấn át loạt kịch bản dịch và hoạt động của sân khấu Pháp ở nước ta. Nhưng dù sao, trong giai đoạn được gọi là mới hình thành của kịch nói Việt Nam, không thể đòi hỏi nhiều về chất lượng cũng như sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật của thể loại này” (tr.223). Ở bài viết Về một giai đoạn phát triển của văn học kịch, tác giả đem đến cho người đọc một cái nhìn bao quát về kịch nói Việt Nam giai đoạn 1955 - 1964. Theo tác giả, kịch nói giai đoạn này đã trở thành một lực lượng xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng. Kịch nói ở chặng đường này đã “có sự nới rộng đề tài, mở ra phương hướng tiếp cận linh hoạt, sinh động, phù hợp với việc phản ánh trung thực những biến đổi nhiều mặt của xã hội, đất nước, con người Việt Nam”, nhất là “tập trung thể hiện hai vấn đề cơ bản thời kỳ này là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất ở miền Nam và hoàn thành công cuộc chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc” (tr.241). Như vậy, kịch nói ở giai đoạn này thật sự đã trưởng thành về mọi mặt, góp một phần đáng kể vào hoạt động nghệ thuật, và nó làm bản lề để chuẩn bị cho bước nhảy mới ở giai đoạn tiếp theo. Nhìn lại văn học kịch thời kỳ 1975 - 1985 lại là một bài viết phác thảo tương đối toàn diện nền văn học kịch thời kỳ tiền Đổi mới (1975 - 1985) trong sự tiếp nối và phát triển của nó. Theo PGS. TS Tôn Thảo Miên, hiện thực đất nước thay đổi, nên đòi hỏi kịch cũng phải có một sự đổi mới căn bản, quyết liệt từ chất liệu hiện thực cho đến phương thức nghệ thuật: “Sự biến động trong đời sống chính trị xã hội đã tác động sâu sắc đến nhận thức của các nghệ sĩ. Từ sự phát triển về dung lượng phản ánh, kịch đã dần dần có những đổi mới về cấu trúc, về ngôn từ, về cách xây dựng nhân vật” (tr.293).

Về chân dung kịch tác gia, tác giả hướng sự quan tâm đến sự nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng và Lộng Chương. Kịch Nguyễn Huy Tưởng là bài viết đi sâu nghiên cứu thể loại kịch trong di sản văn học phong phú, bao gồm nhiều thể loại văn học của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên, nổi bật lên như một dấu hiệu dễ nhận thấy về Nguyễn Huy Tưởng là hầu hết sáng tác của ông đều khai thác đề tài lịch sử. Ở thể loại kịch, từ Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Bắc Sơn, Những người ở lại đến Anh Sơ đầu quân, Lũy hoa đều in đậm dấu ấn của lịch sử: “Hầu hết các vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng đều mang đậm chất sử thi, tập trung thể hiện những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, những xung đột liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Các vấn đề đặt ra trong kịch Nguyễn Huy Tưởng có tầm khái quát cao, nhân vật giàu sức sống nội tâm. Ngòi bút sử thi mang màu sắc lịch sử kết hợp với phong vị lãng mạn, trữ tình là đặc điểm cơ bản trong kịch Nguyễn Huy Tưởng” (tr.298). Trong tất cả các vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng thì vở kịch đầu tay Vũ Như Tô được đánh giá là vở kịch xuất sắc nhất, nó được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Vũ Như Tô không chỉ là một tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Huy Tưởng, mà của cả nền kịch Việt Nam, nó có thể sánh ngang với một số tác phẩm kịch kinh điển của thế giới. Tôi rất đồng tình với nhận xét của tác giả về tác phẩm này: “Trong số những vở kịch nhà nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Huy Tưởng để lại, Vũ Như Tô vẫn là một tác phẩm có vị trí đặc biệt, là một tài sản quý giá không chỉ cho riêng ông mà cho cả nền văn hóa, văn học Việt Nam. Bài học về khát vọng sáng tạo và mục đích đặt ra cho người nghệ sĩ luôn gợi cho chúng ta những suy nghĩ, trăn trở” (tr.309). Lộng Chương Tư cách công dân và nghệ sĩ của nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương là hai bài viết tập trung đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của cây đại thụ Lộng Chương - một tác giả thuộc thế hệ đầu tiên của sân khấu kịch nói trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp. Phải nói rằng, cây đại thụ “trong làng sân khấu” Lộng Chương đến với kịch, với hoạt động sân khấu bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm và niềm say mê của mình. Một tài năng và nhân cách được thể hiện rất rõ trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong cuộc sống hằng ngày. PGS. TS Tôn Thảo Miên đã đưa ra một con số rất ấn tượng là trong gần 70 năm cầm bút, Lộng Chương đã để lại cho chúng ta một số lượng tác phẩm đồ sộ, đủ các thể loại: “Nếu làm một con số thống kê, sẽ thấy sức viết, sức làm việc dẻo dai của Lộng Chương trong suốt cuộc đời hoạt động sân khấu, dường như ông đã vắt đến cạn kiệt sức lực và tâm trí cho con đường mà mình đã lựa chọn. Gần 20 vở kịch dài, ngắn xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; hơn 40 vở dài, ngắn trong thời kỳ chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; hơn 20 vở dài, ngắn chỉnh lý, sửa chữa cho những bài viết không chuyên; gần 40 bài báo, tiểu luận, lý luận phê bình về sân khấu; ngoài ra ông còn viết gần 10 truyện thơ và ca dao; 5 tập phóng sự, ký sự kháng chiến và hàng trăm bài thơ,...” (tr.329). Điều cần nói đến là, nó không chỉ đơn thuần là những con số ấn tượng, mà nó thể hiện tài năng, thể hiện niềm đam mê, dám dấn thân vào con đường đã chọn của nhà viết kịch Lộng Chương. Khán giả, người đọc yêu mến kịch Lộng Chương ở chỗ kịch của ông “vừa có tính thời sự, vừa có giá trị nghệ thuật cao. Kịch của ông luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước, với số phận của nhân dân. Từ những chất liệu hiện thực bộn bề của đời sống, Lộng Chương đã sử dụng ngôn từ giản dị, trong sáng, gần với đời sống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sinh động, nhưng vẫn gần gũi. Điều này cho thấy “nơi đến”, mục đích cuối cùng của những tác phẩm của ông là nhằm đáp ứng “tầm đón đợi” của nhiều đối tượng trong xã hội” (tr.336).

Phần III: Văn học Việt Nam đương đại: tác động và chuyển hóa là phần tập hợp 6 bài viết xoay quanh những vấn đề “nóng” của văn học Việt Nam đương đại trong bối cảnh giao lưu và hội nhập. Những bài viết ở phần này được tác giả vận dụng những phương pháp mới để tiếp cận, phân tích và đánh giá, từ đó đem đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ, đầy sức thuyết phục về những vấn đề cấp bách của văn học Việt Nam đương đại. Thị hiếu thẩm mĩ của công chúng nhìn từ đời sống văn học Việt Nam đương đại là bài viết đề cập đến vấn đề thị hiếu thẩm mĩ của công chúng trong việc tiếp nhận văn học Việt Nam đương đại. Luận bàn về vấn đề này, PGS. TS Tôn Thảo Miên cho rằng: khi bàn đến công chúng và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng tức là chúng ta đang bàn đến “một trong ba mắt xích trong hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn học: nhà văn - tác phẩm - công chúng (người đọc)” (tr.341). Tuy nhiên nó tùy thuộc vào sự đòi hỏi của mỗi thời đại, mà một trong ba yếu tố này sẽ có một yếu tố làm chủ đạo. Dẫn dụ như cuối thế kỷ XIX, yếu tố chủ đạo chính là vai trò của tác giả; đầu thế kỷ XX yếu tố văn bản mới được đề cao; sang đến giữa thế kỷ XX, yếu tố chủ đạo lại là người đọc,... Theo tác giả, sự xuất hiện của lý thuyết tiếp nhận đã mở ra một chân trời mới cho lý luận nghiên cứu văn học. Vấn đề mối quan hệ tác giả - tác phẩm và tác phẩm - người đọc được quan tâm đến nhiều hơn. Trong đó mấu chốt cơ bản là khái niệm “tầm đón nhận” của Jauss. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm, một số vấn đề, khái niệm mới được hình thành và trở thành tiêu chuẩn để phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học như “sự thay đổi tầm đón nhận” và “khoảng cách thẩm mĩ”. Hiện nay, tâm thế tiếp nhận, thị hiếu thẩm mĩ của công chúng có sự thay đổi, rất khác so với trước đó: “Từ cái nhìn thụ động, một chiều, nhà văn và độc giả đã hướng đến những giá trị thẩm mĩ mới với cái nhìn chủ động, phức hợp, đa thanh về ngôn ngữ, giọng điệu, những hình thức kết cấu mới mẻ, hiện đại” (tr.351). Sự thay đổi này đã diễn ra “một cách toàn diện từ thế giới quan, nhân sinh quan, quan niệm thẩm mĩ, đến những thay đổi thị hiếu về đề tài, chủ đề, thể loại, rộng hơn nữa là thay đổi trong phương thức tiếp cận, vừa đọc sách in vừa đọc trên mạng” (tr.349 - 350). Chính sự đổi mới đó đã góp phần nâng cao chất lượng sáng tác và giá trị thẩm mĩ của tác phẩm, cũng nhờ vậy mà văn học Việt Nam đương đại đã chiếm lĩnh được tình cảm của độc giả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “giá trị đích thực của tác phẩm văn học? Đâu là công chúng lý tưởng, có thị hiếu thẩm mĩ đúng đắn? Và đâu là công chúng phổ thông, lệch lạc về thị hiếu thẩm mĩ?” (tr.355). Một điều đáng mừng, là hiện nay công chúng có thị hiếu thẩm mĩ cao ngày càng đông đảo hơn, và chính nó sẽ là một nhân tố tích cực để thúc đẩy sự phát triển cho văn học Việt Nam hôm nay: “Một nền văn học muốn phát triển cần nâng cao “tầm đón đợi” của người đọc, hay nói cách khác là nâng cao thị hiếu thẩm mĩ đúng đắn là nhu cầu cần thiết đặt ra lúc này đối với nền văn học và công chúng Việt Nam đương đại” (tr.367). Cùng hướng đó, ở bài viết Tác động của văn học đến thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu văn hóa của con người thời kỳ đổi mới, PGS. TS Tôn Thảo Miên cũng lý giải một cách thấu đáo khi cho rằng: “Thị hiếu thẩm mĩ mang tính chủ quan, phụ thuộc vào năng lực cảm nhận các giá trị của con người”, nó “liên quan đến tâm thế tiếp nhận, đến trình độ nhận thức của người đọc, cũng có nghĩa là nó đều chịu sự tác động của thời đại, của môi trường xã hội, văn hóa”. Hẳn nhiên “yếu tố tác động trực tiếp đến thị hiếu thẩm mỹ chính là tác phẩm của nhà văn”. Bởi vì, công chúng hiện nay “luôn muốn kiếm tìm trong tác phẩm những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ về cuộc đời, về con người, cùng những phương thức thể hiện phù hợp với con người thời hiện đại. Tác phẩm văn học phải giúp con người nâng cao tầm nhận thức, giáo dục thị hiếu thẩm mĩ, tinh thần nhân văn, có ý thức quan tâm và chia sẽ đối với cộng đồng, nhưng nhu cầu giải trí cũng là nhu cầu chính đáng và cần thiết của người đọc mà nhà văn không thể bỏ qua” (tr.467 - 468). Trong thời kỳ Đổi mới, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đất nước ta có những đổi thay rõ rệt, nhưng bên cạnh đó cũng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực, trong đó vấn đề đạo đức, lương tâm của con người bị đảo lộn, mai một. Chính vì vậy, nên “việc giáo dục thẩm mĩ thông qua hình thức giáo dục bằng văn học trong xã hội hiện nay rất cần thiết và cấp bách. Nó có ý nghĩa,... đối với nhiều đối tượng người đọc” (tr.470). Tôi rất đồng tình với nhận định của tác giả bài viết, khi cho rằng: “Văn học là hình thức giáo dục có hiệu quả nhất và phù hợp với tâm lý mọi lứa tuổi. Với sức mạnh riêng, văn học đã giúp con người xây dựng những tư tưởng đúng, những tình cảm đẹp, làm cơ sở vững chắc cho việc hình thành những thị hiếu lành mạnh” (tr.473). Dĩ nhiên, là ngoài tác động của văn học đến giáo dục thẩm mĩ cho con người, thì “giáo dục thẩm mĩ phải gắn bó với tất cả mọi hoạt động của con người, tất cả quan hệ của con người với thế giới thẩm mĩ phong phú và đa dạng. Giáo dục thẩm mĩ phải được tiến hành tổng hợp, đồng bộ với các ngành khác như xã hội học, giáo dục học, tâm lý học, nghệ thuật học, nhằm thực hiện chức năng xã hội hóa cá nhân trên nhiều bình diện: thế giới quan, chính trị, đạo đức, tri thức, tình cảm, tinh thần và các giá trị văn hóa truyền thống” (tr.471 - 472).

Văn học Việt Nam đương đại và tác động của nó đối với sự hình thành nhân cách con người hiện nay là bài viết tôi rất tâm đắc, đầy thú vị khi luận bàn về sự tác động của văn học Việt Nam đương đại đối với sự hình thành nhân cách của con người Việt Nam hiện nay. Theo PGS. TS Tôn Thảo Miên, thì “trong thực trạng và bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà các tệ nạn xã hội tràn lan khắp nơi, khi mà tình trạng xuống cấp về đạo đức diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực, với nhiều cấp độ khác nhau thì cần phải chú trọng/nâng cao chức năng giáo dục. Tất nhiên không thể giáo dục một cách lộ liễu, khô cứng, mà giáo dục trên cơ sở thẩm mĩ, kết hợp với giá trị, chỉ có như vậy mới có thể tác động đến nhận thức, và một khi người đọc đã nhận thức đúng đắn thì sẽ có hiệu quả tích cực trong giáo dục” (tr.393). Vấn đề mà tác giả đặt ra là một vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có văn học. Bởi, một “khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa về kinh tế và văn hóa, nhiều vấn đề mới nảy sinh xung quanh vấn đề giáo dục nhân cách trong đó có vấn đề giáo dục thẩm mĩ cho công dân. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần phải quan tâm tới việc giáo dục thẩm mĩ, xây dựng nhân cách cho mỗi cá nhân, nhất là giới trẻ, thông qua văn học nghệ thuật” (tr.405). Theo tác giả bài viết, để hình thành nên nhân cách con người Việt Nam cao đẹp, tích cực, thì trước hết trách nhiệm lại thuộc về nhà văn - chủ thể sáng tạo. Nhà văn sáng tác những tác phẩm hay, có giá trị về mặt giáo dục và nhân văn sâu sắc thì sẽ có sự ảnh hưởng hay tác động rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách của người đọc, góp phần hướng con người biết phấn đấu để sống một cách tích cực hơn, tốt đẹp hơn và phát triển, nhân rộng ra trong toàn cộng đồng xã hội: “Nhiều tác phẩm đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội, mạnh dạn lên án những biểu hiện thoái hóa, biến chất về nhân cách, đạo đức lối sống của con người. Nó có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, ngăn chặn xung hướng tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội” (tr.404). Cùng nguồn mạch đó, trong bài viết Suy nghĩ về tác động của văn học đến văn hóa đọc của công chúng thời kỳ đổi mới và hội nhập, PGS. TS Tôn Thảo Miên tiếp tục luận đàm sâu về sự tác động của văn học đối với công chúng hôm nay. Thực ra vấn đề này không phải là mới, nhưng đây lại một việc làm rất cần thiết, vì đó là vấn đề nhạy cảm, vấn đề lớn đang được cả xã hội quan tâm. Theo tác giả bài viết thì sau gần ba mươi năm đổi mới, văn học Việt Nam đương đại đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc. Thế nhưng, những nỗ lực đổi mới đó vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn nhu cầu của chủ thể tiếp nhận, nên dẫn đến giữa văn học và đời sống, giữa văn học và công chúng vẫn còn những khoảng cách nhất định. Chính vì thế, mà “văn học - một thành tố của đời sống tinh thần phải trở nên phong phú và đa dạng hơn. Một mặt văn học vẫn giữ nguyên những chức năng cơ bản như nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, nhưng bên cạnh đó, văn học phải mở rộng thêm chức năng dự báo và chức năng giải trí, những chức năng này đòi hỏi nhà văn phải có cái nhìn sâu hơn vào hiện thực đời sống, vào khả năng và xu hướng phát triển của xã hội, của đời sống tâm hồn con người, đồng thời phải quan tâm hơn đến nhu cầu và đòi hỏi của công chúng - người đọc, nhân tố góp phần tạo nên sự tồn tại của tác phẩm” (tr.414). Tuy nhiên trong bối cảnh giao lưu và hội nhập hiện nay thì chúng ta thực sự “cần quan tâm hơn đến vấn đề chọn lọc, tiếp thu những sản phẩm văn hóa, nhằm giúp “thanh lọc tâm hồn” người đọc” (tr.415). Do đó chúng ta phải “tránh hiện tượng một số tác phẩm hướng đến sự “giải trí đơn thuần” nhằm thỏa mãn thị hiếu của một bộ phận người đọc” (tr.414). Để văn học Việt Nam đương đại được tồn tại, ngày càng phát triển và hội nhập thì “trước hết phải có tác phẩm hay, phải có “người đọc lý tưởng”, bởi đó là sự tương hỗ, tác động qua lại, người đọc ở đây đóng vai trò “đồng sáng tạo” để tạo ra những tác phẩm mới” (tr.417). Khi luận bàn đến sự tác động của văn học đối với văn hóa đọc, PGS. TS Tôn Thảo Miên lại cho rằng: vai trò của văn học dịch cũng rất quan trọng, tác động đến người đọc rất nhiều, vì “trên thực tế tác phẩm dịch tồn tại đồng thời với tác phẩm của tác giả Việt Nam, nếu không muốn nói đôi khi nó có sự áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nên sự phong phú và đa dạng của cả nền văn học” (tr.428). Kết thúc bài viết, tác giả nhấn mạnh, khẳng định rằng, văn học Việt Nam “muốn đến được với người đọc thì phải “thức tỉnh” được niềm đam mê và năng lực cảm thụ văn chương, hướng người đọc đến một chuẩn thẩm mĩ nhất định. Chỉ như vậy mới có thể thúc đẩy được sự phát triển của một nền văn học trong bối cảnh giao lưu và hội nhập” (tr.430).

Tập tiểu luận, phê bình Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động của PGS. TS Tôn Thảo Miên là một công trình dày dặn, công phu, thể hiện tâm huyết cũng như sức sáng tạo của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học nữ đương đại Việt Nam. Cuốn sách đã đóng góp một cách thiết thực vào đời sống nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam hôm nay.

TS Bùi Như Hải

To Top