Tạ Anh Thư - hành trình hóa thân lắng nghe những 'Thanh âm'

'Thanh âm' của Tạ Anh Thư đưa người đọc đến với cung bậc cảm xúc trầm buồn đến phấn khởi, rạo rực như chạm vào tâm tư tâm hồn đồng điệu.

Thơ mang Đường đi hi vọng

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tạ Anh Thư (sinh năm 1982, tỉnh Bình Dương) lại chọn tên tập thơ mới xuất bản của mình là "Thanh âm". Nữ thi sĩ này chia sẻ: "Thanh âm chính là tôi của hiện tại và tôi yêu con người đó".

Nếu như vào các năm 2017, 2018 Tạ Anh Thư có cho mình 2 tập thơ "Người lạ" và "Người có sẵn trong lòng vết thương" như thể đi tìm bản thể và mọi người xung quanh chị đang ở đâu trong xã hội này thì với "Thanh âm", chị đã tìm thấy cho mình một sự tĩnh lặng, bình thản và thấu hiểu chính con người mình hơn.

Nghệ sĩ bao giờ cũng có tài quan sát nhưng với Tạ Anh Thư vẫn chưa dừng lại ở đó. Chị luôn có sẵn cho mình sự lắng nghe những rung cảm trong cuộc sống bình dị đời thừa để chắp thành ngôn từ đưa vào trong thi ca với góc nhìn mới mẻ, đầy sự sâu lắng, chiêm nghiệm về những giá trị truyền thông và đưa con người đến với chân - thiện - mỹ của cuộc sống.

Thơ của Tạ Anh Thư là câu chuyện của muôn người mà cô gặp trong cuộc sống. Không sống chậm, không quan sát kỹ, không cảm thấu thì khó có thể bật lên những câu thơ về thân phận, tình yêu như thế được:

"Cô gái trẻ tôi gặp trong vườn sáng nay/ Vạt áo nàng ướp đầy mùi mây/ Của những ngày xuân chạng vạng/ Dù tôi nhìn nàng rất dịu dàng/ Nàng vẫn không giấu được nỗi bất bình trong đôi mắt sáng: “Sao ông nhìn người khác quá lâu?”/ Ồ nàng ơi tôi có nhìn nàng đâu/ Tôi nhìn mùa xuân của tôi cách đây không lâu…".

Người đọc sẽ thấy, từng câu thơ trong tập "Thanh âm" như vừa chạm tới rung cảm sâu xa của tâm hồn mình. Đó là cảm xúc đi từ trầm buồn miên man đến thấu hiểu nhân gian và mở ra hướng đi bừng sáng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chẳng thế mà, Đỗ Anh Vũ - một người chuyên nhận xét về văn học nghệ thuật trên Đài tiếng nói Việt Nam đã không tiếng lời dành cho nhà thơ Tạ Anh Thư sau khi đọc hết 39 bài trong tập Thanh âm:

"Vọng âm và sức ngân vang của những câu thơ hãy còn là một câu chuyện dài mà may mắn ấy rất hiếm hoi trong cuộc đời sáng tác. Nắm bắt được rung cảm từ ngẫm nghĩ từ bên trong chính ra cũng là đường đi hi vọng".

Đúng thế, "đường đi hi vọng" chính là cảm nhận xuyên xuất của người đọc khi cầm trên tay mình "Thanh âm". Bởi trong đó có sự lắng nghe tha thiết cuộc đời, có cả hội ngộ - chia ly, yêu thương và dang dở của nhà thơ Tạ Anh Thư.

"Thanh âm" giống như tiếng gió từ trên cao vọng xuống, từ phía dưới vang lên, từ xa khơi dội về, tiếng thủy triều sóng vỗ... hòa nhịp vào để cho con người biết được mình đang ở đâu trong cuộc sống này để từ đó tìm ra một chân trời mới, đầy hy vọng, mới mẻ cho bản thân mình bước tới.

"Tiếng rì rầm bay cao/ Chạm vào làn da thiếu nữ/ Chạm vào tóc bạc người già/ Tiếng rì rầm xuống thấp/ Mùa màng chở đất mở ra/ Tiếng rì rầm chạm vào hôm qua/ Như nỗi buồn vui không đội/ Tiếng rì rầm chạm vào hôm nay/ Mưa nắng vẫn thay nhau tới" – trích tập Thanh âm.

Mang triết lý nhân sinh sâu sắc

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Lưu ấn tượng về sự "hóa thân" của Tạ Anh Thư trong từng bài thơ khác nhau để cho người đọc luôn thấy không bị nhàm chán trong cả một chặng đường xuyên suốt của mỗi tập thơ mà nữ thi sĩ này đã xuất bản.

"Thơ Tạ Anh Thư có sự chuyển dịch rõ ràng bằng những cú đổi giọng, đổi vai trong thủ pháp đối thoại, hút hồn ở chính sự phân thân của tác giả nhằm tạo ra một nhịp điệu trần thuật đa thanh, nhiều màu sắc.

Nói như Daniel Halpern - nhà thơ người Mỹ: "Ngôn ngữ của thơ tránh sự thông thường - nhưng thơ hay nhất đồng thời cũng ngợi ca sự thông thường”, tôi cho rằng thơ Tạ Anh Thư đã làm được việc ca ngợi sự thông thường bằng khả năng hóa thân linh hoạt vào những thân phận bé mọn, những sự vật nằm ngoài rìa của đời sống", nhà thơ Thanh Lưu cảm nhận.

Tạ Anh Thư đã thực sự nới rộng biên độ sống của chính mình bằng cách hóa thân liên tục trong những bài thơ khác nhau. Nương theo những hóa thân đó, cô lắng nghe chuyện đời từ những tiếng nói xa xôi nhất, từ những thân phận bé mọn nhất, từ những góc khuất im ắng nhất của đời sống.

Ở chiều ngược lại, cũng bằng cách đó, Tạ Anh Thư đã ý nhị hé mở cánh cửa lòng để trang trải nhiều tâm sự riêng tư. Tâm hồn của người thơ trở nên sinh động dễ gần bởi được gửi gắm vào nhiều đối tượng khác nhau.

Đi liền với phong cách thơ đa giọng là những câu chuyện, những triết lý giản dị trong nội dung. Nếu được gọi Tạ Anh Thư bằng một cái tên khác, nhiều nhà thơ đã rất muốn gọi chị là người kể chuyện bằng thơ bởi lối thơ giàu tính tự sự, giàu cốt truyện.

Một thiết kế nhịp nhàng của Tạ Anh Thư cho sự đa giọng điệu trong thơ chính là sự đa màu, đa phong cách. Thơ của chị vừa có những câu mang phong vị Đường Thi, vừa có những bài gợi nhắc lối Thơ Mới, lại vừa có cả những bài viết theo thể tự do tràn đầy hơi thở hiện đại... Không chỉ vừa phảng phất trữ tình, vừa đậm đà thế sự. Chắc hẳn cái sở học và kiến văn về văn chương của Tạ Anh Thư đã thấm nhuần vào thơ chị một cách tự nhiên để làm nên sự pha trộn, đa dạng đó vào trong mỗi tập thơ của mình.

Linh Đan

To Top