Tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô

Sáng 9/7, Tọa đàm với chủ đề 'Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp' diễn ra tại Hà Nội.

Chủ trì Tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi, khó khăn và thách thức, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp; kiến nghị cơ chế, chính sách tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô phát triển. Nhận định công nghiệp văn hóa gắn chặt với phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, khi có nguồn thu, mới có điều kiện để hỗ trợ, đầu tư cho văn hóa. Quan tâm đến nghệ nhân, nghệ sĩ, sản phẩm văn hóa mới tạo ra môi trường văn hóa chất lượng.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu.

Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh cho rằng, tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp văn hóa ở Hà Nội rất lớn song vấn đề vi phạm bản quyền ở thành phố vẫn đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ làm nhụt trí các nhà sáng tạo, mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định danh mục các nhiệm vụ theo lộ trình cụ thể để triển khai, thực hiện có hiệu quả, trong đó vấn đề thu hút đầu tư cho con người - chủ thể sáng tạo cũng như hưởng thụ sản phẩm sáng tạo – cần được đặc biệt quan tâm, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ con người đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng phát biểu.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu: Sở VH&TT cần phối hợp các sở ngành địa phương hỗ trợ xây dựng đề án sát với thực tế. “Tôi đề nghị các Sở, ngành cung cấp, thông tin các số liệu liên quan đến công tác quản lý để từ đó, Sở VH&TT Hà Nội có các phân tích, đánh giá đưa ra thực trạng, từ thực trạng đưa ra giải pháp, từ giải pháp đưa ra các vấn đề trọng điểm. Đây là việc ưu tiên trong thời gian sắp tới” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận sự đồng hành, chia sẻ từ các sở, ngành, quận, huyện trong việc tham góp ý kiến xây dựng dự thảo “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; khẳng định những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị là động lực và cơ sở để thành phố hoàn thiện nhanh chóng và hiệu quả nội dung các văn bản dự thảo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, được lựa chọn là chương trình công tác riêng liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ. Để nhiệm vụ này thu được kết quả nổi bật, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần Nhân dân. Xác định con người là chủ thể sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xác định Nghị quyết là căn cứ gợi mở để các quận, huyện, thị xã chủ động các dự kiến, xây dựng sớm những định hướng, dự án, đề án, trong đó tập trung rà soát ngay các quy hoạch tổng thể về văn hóa trên địa bàn; quan tâm bố trí đầu tư công cho các dự án trong lĩnh vực văn hóa bởi một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay chính là hạ tầng xã hội và đời sống văn hóa. Đây cũng là đầu tư vào chiều sâu, góp phần phát triển bền vững, gắn với tạo dựng, củng cố bản sắc.

Trịnh Nhung

To Top