Tết Đoan Ngọ với những nét văn hóa độc đáo

Có lẽ, sau Tết Nguyên đán, ngày Tết Đoan Ngọ được coi là dịp để các gia đình sum họp đầm ấm bên nhau. Vào ngày này, mọi người đi làm ăn xa đều gắng thu xếp để trở về bên người thân.

Ngày Tết Đoan Ngọ có nhiều phong tục đậm nét văn hóa truyền thống như: Ủ rượu nếp, nhuộm móng chân, móng tay, hái lá thuốc, khảo cây... Đặc biệt, mâm cỗ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ mang phong vị riêng rất độc đáo.

Mâm cỗ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ mang phong vị riêng rất độc đáo.

Theo dân gian, Tết Đoan Ngọ tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Mặc dù người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng Tết Đoan Ngọ được chính thức khai mở vào giờ chính ngọ (12h) bởi lẽ, “Đoan” là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h đến 13. Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày Hạ chí.

Tôi vẫn nhớ, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ được mẹ tôi chuẩn bị rất tỉ mỉ, chu đáo. Trên mâm cỗ nhất định phải có món rượu nếp. Đây là món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ với hương vị cay cay ngọt ngọt đầy cuốn hút. Bên cạnh đó là những chiếc bánh gio trong veo, dẻo thơm được tưới mật mía sóng sánh ánh vàng. Bánh khảo trắng tinh gói trong lớp giấy bóng kính hồng điều, dăm chén trà sen xổi... Riêng mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người Hà thành còn có thêm bánh trôi, bánh chay là hai loại bánh thanh mát trong ngày oi nóng. Trên ban thờ, mẹ tôi thường dâng cúng gia tiên chục bông sen cắm cùng vài chẽ hoa cau tỏa hương dịu dàng thanh tịnh.

Thật là vừa khéo, Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm chính vụ của mận và vải. Đây là hai loại quả truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ cúng dịp này. Những quả vải chín đỏ tươi thấp thoáng lá xanh bày cùng mận căng mọng đỏ sẫm thật thích mắt. Tùy vùng miền, mỗi nơi lại thêm vào mâm cỗ cúng các loại quả chín mùa hạ khác nhau như: Dưa hấu, xoài, dứa, chôm chôm...

Tết Đoan Ngọ là dịp những người đi làm ăn xa trở về sum vầy cùng gia đình. Nhiều gia đình tổ chức ăn thịt vịt đầu mùa. Theo kinh nghiệm, đây là thời điểm vịt béo, thịt ngon và không có mùi hôi. Những con vịt gié béo mẫm được chế biến thành nhiều món khác nhau và cả nhà quây quần bên mâm cơm đoàn viên thật ấm cúng làm sao.

Có một điều khá thú vị, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết diệt sâu bọ”. Vào ngày này, dân gian có nhiều phong tục phòng trừ dịch bệnh khác nhau. Từ sáng sớm, mọi người trong gia đình sẽ ăn rượu nếp và các loại hoa quả. Tương truyền, rượu nếp với vị cay nóng kết hợp cùng quả có vị chua sẽ trừ được ký sinh trùng trong cơ thể. Sau đó, cả gia đình sẽ tắm bằng nước đun từ lá sả, tía tô, lá tre, kinh giới... để đẩy hết khí độc trong người ra ngoài, phòng trừ cảm mạo.

Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc. Vậy nên, dân gian thường hái lá thuốc vào đúng giờ Ngọ của ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên sẽ chữa được nhiều thứ bệnh. Lá thuốc hái vào ngày này là những loại cây bình dị như: Đinh lăng, ngải cứu, tía tô, bồ công anh, lá sen, lá vối... sẽ được phơi khô để đun nước uống.

Như một lời ước hẹn, mỗi năm, Tết Đoan Ngọ đến theo sự tuần hoàn của thiên nhiên. Tết Đoan Ngọ là nhịp cầu thời gian nối liền văn hóa truyền thống từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Với tôi, đây là dịp để hương vị tình thân thêm gắn bó với những kỷ niệm ấm áp yêu thương.

Tường Vy

To Top