Thay đổi cách nhìn về giới tính

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBVnet) tổ chức tọa đàm trực tuyến 'Khuôn mẫu giới - Chuẩn mực hay áp lực?'. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án 'Thành phố an toàn, thân thiện với em gái'.

Nhận thức về giới tính cần phải thay đổi ngay từ mỗi gia đình.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững cho biết, khuôn mẫu giới được hiểu là sự khái quát hóa giản đơn về đặc điểm, tính cách, vai trò của các cá nhân hoặc nhóm người dựa trên giới tính của họ. Có thể lấy ví dụ như khi đề cập đến nam giới, mọi người thường cho rằng nam giới phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình, còn phụ nữ phải dịu dàng, thùy mị, nết na.

Khuôn mẫu cũng có thể là vai trò trách nhiệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “đàn ông là trụ cột”, phụ nữ có thiên chức làm mẹ, làm vợ, Phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”... Đây là những khái niệm, những yêu cầu, khuôn mẫu mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng được nghe, được dạy, thậm chí đã ăn sâu vào ý thức của rất nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, một số tiêu chuẩn, khuôn mẫu giới này không còn phù hợp, đôi khi còn là những áp lực với nhiều người. Thời gian gần đây, dư luận xã hội cũng đang xuất hiện nhiều buổi thảo luận sôi nổi, những ý kiến trái chiều về giới và đặc biệt là các vấn đề về nữ quyền, định kiến giới, phụ nữ. Vì vậy, buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khuôn mẫu giới – Chuẩn mực hay áp lực?” nhằm trao đổi sâu về những ảnh hưởng, tác động của khuôn mẫu giới tới nhận thức và hành vi đổ lỗi cho phụ nữ và em gái khi bị quấy rối, xâm hại, từ đó đưa ra các giải pháp triệt để cho vấn đề này.

Nói về tác động của khuôn mẫu giới lên phụ nữ, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), Chủ tịch Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới nhấn mạnh: “Có rất nhiều khuôn mẫu đặt ra khiến con người – đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với áp lực, điều này thời kì nào cũng có. Thậm chí những khuôn mẫu như “việc nhà là của phụ nữ”, “phụ nữ thì không cần học quá cao”,… đang là rào cản lớn, tước đi cơ hội của phụ nữ trong khi xét về năng lực, phụ nữ có lẽ không hề thua kém đàn ông.

Trong dòng chảy vận động của xã hội, một số khuôn mẫu, tiêu chuẩn không còn phù hợp nữa, hoặc những khái niệm cũ cần được giải thích theo cách khác. Ví dụ, có khái niệm phụ nữ trước đây gắn chặt với định kiến phụ nữ làm việc nhà, quanh quẩn trong bếp, trong thời đại mới cần được lý giải cho những người phụ nữ năng động, tự tin. Nếu coi khuôn mẫu là một chiếc hộp thì chúng ta hãy mạnh dạn bước ra khỏi chiếc hộp của bản thân và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Theo Báo cáo đánh giá tạm thời Dự án Thành phố an toàn với em gái năm 2020 của Tổ chức Plan International Việt Nam, 70% em gái và 67% em trai nghĩ rằng trang phục của con gái khiêu khích nam giới và con trai. Một số ít người tham gia thảo luận nhóm cảm thấy rằng các em gái phải chịu trách nhiệm khi bị quấy rối bằng lời nói hoặc thân thể ở nơi công cộng.

Thanh Hương

To Top