Thị trường nông sản trong nước tuần qua: Giá càphê tiếp tục giảm

Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung vẫn giữ ổn định, trong khi đó mặt hàng càphê vẫn tiếp tục giảm so với tuần trước từ 400-500 đồng/kg.

Đóng gói gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung vẫn giữ ổn định, trong khi đó mặt hàng càphê vẫn tiếp tục giảm so với tuần trước từ 400-500 đồng/kg.

Về mặt hàng lúa gạo trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, tuần qua giá lúa ở hầu hết các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ ổn định. Cụ thể, tại Đồng Tháp, lúa tươi loại IR 50404 là 6.100 đồng/kg; tại Cần Thơ, giá lúa khô như Jasmine ở mức 7.300 đồng/kg, OM 4218 là 6.900 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg…

Tại Sóc Trăng, giá các loại lúa khô như Đài Thơm 8 là 8.100 đồng/kg; ST24 là 8.150 đồng/kg; RVT là 7.350 đồng/kg… Tại Kiên Giang, nhiều loại lúa tươi có giá ổn định; tuy nhiên một vài loại lúa OM giảm nhẹ so với tuần trước 100 đồng/kg như IR 50404 từ 6.000-6.200 đồng/kg, OM các loại từ 6.100-6.400 đồng/kg, Jasmine từ 6.300-6.400 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, nhìn chung các loại lúa có giá ổn định nhưng cũng có một vài loại giảm nhẹ như lúa tươi thường dao động từ 6.000-6.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 6.500-6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao cũng duy trì ổn định như OM các loại từ 6.000-6.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500-7.600 đồng/kg…

Giá một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng có xu hướng ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Kiên Giang gieo trồng khoảng 280.000ha, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân làm đất, cải tạo hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ lúa đạt năng suất, chất lượng cao.

Tại tỉnh Bến Tre, vụ Hè Thu 2021 năm nay sản xuất lúa trên diện tích hơn 10.500ha; trong đó tập trung ở huyện Ba Tri 9.500ha, Giồng Trôm 800ha, Thạnh Phú 150ha, Bình Đại 80ha; ước năng suất bình quân 44,4 tạ/ha...

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch gieo cấy hơn 1,52 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 8,55 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng Năm này đạt 269.224 tấn, trị giá 145,9 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5 vừa qua đạt 2.241.960 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD.

Về mặt hàng càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua đã có sự làn sóng biến động nhẹ. Những ngày đầu tuần, giá cà phê vẫn nối tiếp đà giảm giá của tuần trước. Giữa tuần, giá càphê có sự phục hồi nhẹ nhưng sau đó lại quay đầu giảm.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, giá càphê dao động ở mức từ 31.800-33.000 đồng/kg, giảm từ 400-500 đồng/kg so với tuần trước.

Cụ thể, giá càphê tại Lâm Đồng còn từ 31.700-31.800 đồng/kg; Đắk Nông 33.000 đồng/kg; Kon Tum là 32.500 đồng/kg; Đắk Lắk là từ 32.700-32.900 đồng/kg.

Xuất khẩu càphê Việt Nam trong 6 tháng đầu niên vụ ước đạt 11 triệu bao, giảm 13%. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đầu giảm như Đức giảm 23,3%, Italy giảm 18,5% và Mỹ giảm 17,9% do dịch COVID-19 và nhất là tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu cao.

Các chuyên gia trong ngành dự báo, thời gian tới, xuất khẩu càphê Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng khắp một số nước châu Âu. Trong bối cảnh này, ngành càphê trong nước đang nỗ lực thâm nhập vào các thị trường châu Á, bao gồm thị trường Nhật Bản, với giá trị xuất khẩu càphê sang thị trường này dự báo sẽ tăng trong tương lai.

Các sản phẩm càphê của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu càphê nhân xanh, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Brazil. Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn càphê trung bình hàng năm, chủ yếu là càphê nhân xanh (chiếm khoảng 90%)./.

Bích Hồng-Q.Chung (TTXVN/Vietnam+)

To Top